Kết nối chùa Quỳnh Lâm với các di tích lịch sử, văn hóa nhà Trần

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Việc trùng tu, tôn tạo làm cho chùa Quỳnh Lâm xứng đáng với vị thế của một Trung tâm Phật giáo xa xưa, kết nối Quỳnh Lâm trong tổng thể các di tích lịch sử, văn hóa nhà Trần ở Quảng Ninh.

Các tòa nhà tiền đường, trung đường, hậu đường thuộc kiến trúc trung tâm của chùa Quỳnh Lâm đã hoàn thiện. (Nguồn: Báo Quảng Ninh)
Các tòa nhà tiền đường, trung đường, hậu đường thuộc kiến trúc trung tâm của chùa Quỳnh Lâm đã hoàn thiện. (Nguồn: Báo Quảng Ninh)
Sau hơn 4 năm tu bổ, tôn tạo di tích, sáng 12/12, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Ủy ban Nhân dân thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) tổ chức lễ khánh thành chùa Quỳnh Lâm, thuộc Khu Di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều.
Đây là một trong những hoạt động chính trong chuỗi sự kiện “Hành trình về miền di sản-Thánh địa Phật giáo Trúc Lâm” tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần ở Đông Triều.
Trong lịch sử, Quỳnh Lâm là ngôi chùa lớn nổi tiếng và có quá trình khởi dựng, trùng tu trải dài suốt các triều đại từ thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn...
Chùa Quỳnh Lâm là di tích có giá trị quan trọng thuộc Khu di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều, có những giá trị to lớn đối với lịch sử Phật giáo Trúc Lâm và Phật giáo Việt Nam, giá trị tinh thần đối với người dân Quảng Ninh nói riêng, cả nước nói chung.
Có lịch sử huy hoàng với nhiều giá trị lớn cả về kiến trúc, nghệ thuật nhưng trải qua những biến cố lịch sử, chùa đã dần trở thành phế tích và hoàn toàn bị phá hủy, chỉ còn lại mặt bằng nền móng vào khoảng giữa thế kỷ 20.
Chùa được xây dựng vào thời Lý Thần Tông, do nhà sư Nguyễn Minh Không khởi dựng. Chùa Quỳnh Lâm nổi tiếng vì nơi đây vào thời Lý, nhà sư Không Lộ đã cho đúc một pho tượng Di Lặc bằng đồng cao sáu trượng (khoảng 20m) từng được coi là một trong “An Nam tứ đại khí."
Đến thời Trần, do có vị trí là cửa ngõ kết nối trung tâm Phật giáo Yên Tử, Ngọa Vân, Hồ Thiên với các ngôi chùa khác trong vùng và các chùa ở vùng đồng bằng Bắc Bộ nên chùa được mở rộng và đầu tư xây dựng thành một trung tâm Phật giáo quan trọng.
Các vị tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang đều đã về tu ở chùa. Năm 1329, Quỳnh Lâm trở thành “Đệ nhất danh lam cổ tích của nước An Nam."
Với những giá trị khoa học, lịch sử quan trọng, để khôi phục lại trung tâm Phật giáo Quỳnh Lâm xứng tầm với vị trí như đã tồn tại trong lịch sử, ngày 19/11/2015, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt Dự án bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích chùa Quỳnh Lâm.
Dự án do Ủy ban Nhân dân thị xã Đông Triều và Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh là chủ đầu tư và được khởi công tháng 4/2016.
Công trình có tổng mức đầu tư trên 160 tỷ đồng bằng nguồn vốn xã hội hóa. Dự án gồm các hạng mục: xây dựng Tam Quan, kiến trúc trung tâm (Tiền đường, Trung đường, Hậu đường, hành lang) theo mặt bằng khai quật khảo cổ; xây dựng mới nhà bia, nhà trưng bày, nhà vệ sinh; tôn tạo tổng thể và hạ tầng kỹ thuật.
Dự án bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích chùa Quỳnh Lâm được thực hiện trên nguyên tắc gìn giữ, bảo tồn các yếu tố gốc cấu thành di tích, phù hợp kiến trúc truyền thống và phát huy giá trị của di tích.
Chùa xây dựng mới theo dấu vết kiến trúc thời Lê, hình thức kiến trúc mang phong cách kiến trúc gỗ truyền thống, các thành phần và mô típ trang trí bằng đất nung theo các mẫu gốc thời Trần, Lê trên các bờ mái, lan can, thềm... Vật liệu chính sử dụng cho công trình là các vật liệu truyền thống như gỗ, gạch, đá…
Việc trùng tu, tôn tạo làm cho chùa Quỳnh Lâm xứng đáng với vị thế của một Trung tâm Phật giáo xa xưa, kết nối Quỳnh Lâm trong tổng thể các di tích lịch sử, văn hóa nhà Trần.
Nằm trong chuỗi sự kiện “Hành trình về miền Di sản-Thánh địa Phật giáo Trúc Lâm” tại Đông Triều còn có các hoạt động: Lễ rước tượng Phật ngọc nặng 3,8 tấn về chùa Quỳnh Lâm tổ chức ngày 28/11; Hội thảo “Thiền sư Pháp Loa: Sự nghiệp tu hành, thiền học và dấu ấn lịch sử” ngày 11/12; lễ dâng hương tưởng niệm 712 năm Ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn và lễ động thổ tu bổ, tôn tạo chùa Thượng-Ngọa Vân dự kiến được tổ chức vào ngày 13/12.
Chuỗi sự kiện văn hóa trên nhằm quảng bá, tuyên truyền sâu rộng các giá trị văn hóa của Khu di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần ở Đông Triều đến đông đảo quần chúng nhân dân, du khách trong nước và quốc tế.
Văn Đức (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Yêu t'rưng như yêu tâm hồn xứ sở

Yêu t'rưng như yêu tâm hồn xứ sở

(GLO)- 

Tròn 70 năm kể từ khi cố Nghệ sĩ Ưu tú Nay Pharr (làng Ơi H'Briu, xã Chư Mố, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) mang chiếc đàn t'rưng giới thiệu đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước, loại nhạc cụ độc đáo ấy đã được quảng bá không ngừng.

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Nồng nàn hương vị rượu cần

Nồng nàn hương vị rượu cần

(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.
Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

(GLO)- Nhằm phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng đầu tư tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, về nguồn nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương.