Cần tiếp tục nghiên cứu lập hồ sơ di tích Tây Sơn Thượng đạo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chúng tôi vừa đến thăm lại một số điểm thuộc di tích Tây Sơn Thượng đạo. Từ khi được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia (năm 1991), công việc chỉnh trang, trùng tu các cụm di tích được chú trọng, nhất là cụm di tích ở thị xã An Khê. 
Trong năm 2020, Nhà nước đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để chỉnh trang, nâng cấp An Khê đình và An Khê trường, Miếu xà; đồng thời vận động nhân dân quyên góp hiện vật thời Tây Sơn cho Nhà trưng bày Tây Sơn Thượng đạo nhằm bảo tồn di tích lịch sử và phục vụ khách tham quan. Tuy vậy, hiện nay, vẫn còn nhiều cụm di tích Tây Sơn Thượng đạo chưa được đầu tư nâng cấp hoặc vẫn còn là phế tích ít người biết đến.
Năm 2017, tại Hội thảo khoa học “Tây Sơn Thượng đạo trong cuộc khởi nghĩa Tây Sơn” ở thị xã An Khê, các nhà khoa học và nhân sĩ trí thức ở địa phương đã đưa ra nhiều tư liệu lịch sử xác thực về các di tích có liên quan đến cuộc khởi nghĩa Tây Sơn ở khu vực: An Khê, Kông Chro, Đak Pơ, Kbang, trong đó có một số di tích đã được khảo sát thực tế, cần tiếp tục nghiên cứu lập hồ sơ để Nhà nước công nhận di tích quốc gia, bổ sung làm phong phú quần thể di tích lịch sử-văn hóa Tây Sơn Thượng đạo.
Cụ thể: cần sớm phục chế một số đoạn lũy An Khê mà theo GS-TS. Nguyễn Quang Ngọc (Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) là đã tiến hành khảo sát từ năm 1976. Bên cạnh đó, nghiên cứu, lập hồ sơ về di tích núi Tà Diêm-nơi Nguyễn Nhạc lập khu lò rèn sản xuất nông cụ phục vụ cho khai hoang trồng trọt và sản xuất vũ khí cho binh sĩ; nghiên cứu công nhận di tích đình Cửu An thuộc ấp Tây Sơn Nhị cũ là nơi có bậc kỳ nhân từ thời mới khai phá vùng đất này, lập nên nhiều công trạng với nhà Tây Sơn. Đồng thời, cần khảo sát công nhận di tích hang Tối Trời ở gần núi Ông Bình. Theo người dân địa phương thì đây là nơi cất giấu vũ khí của Nguyễn Huệ. Sau này, khi Nguyễn Ánh chiếm Phú Xuân, Đô đốc Võ Văn Dũng đã tìm về trú ẩn ở hang Tối Trời nhằm tập hợp lực lượng để phục hồi cơ nghiệp nhà Tây Sơn.
Ông Phan Duy Tiên-nguyên Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin thị xã An Khê đề xuất nghiên cứu, lập hồ sơ thêm di tích Tây Sơn Thượng đạo đối với hang Vô Đáy, nằm ở phía Nam núi Ông Bình; cần lập hồ sơ đưa di tích bàu Mừng Quân, hiện nằm phía sau trụ sở UBND xã Xuân An, thị xã An Khê. Tương truyền, khi Nguyễn Nhạc chiếm được thành Quy Nhơn, người vợ thứ của ông là Ya Đố đã tổ chức lễ đâm trâu khao quân mừng chiến thắng bên khu đất gần bàu nước này.
Đồng thời, cần nghiên cứu mở rộng vùng di tích Cánh đồng Cô Hầu bao trùm cả làng Cổ Yêm, rừng Mộ Điểu, núi Hoàng Đế thành cụm di tích liên hoàn. Làng Cổ Yêm xưa (nay thuộc xã Tú An, thị xã An Khê) là nơi mà nhân dân đã từng ủng hộ nhân tài, vật lực cho cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Rừng Mộ Điểu là căn cứ của nghĩa quân Tây Sơn. Nơi đây có ngọn Chóp Vung (hòn Bùn) ở phía sau trụ sở UBND xã Tú An; bên cạnh đó có núi Hoàng Đế (hòn Đế) đều gắn liền với phong trào Tây Sơn những năm đầu khởi nghĩa.
An Khê trường là một di tích trong quần thể Di tích Tây Sơn Thượng đạo. (Ảnh: TRẦN HIẾU/TNO)
An Khê trường là một di tích trong quần thể Di tích Tây Sơn Thượng đạo. Ảnh: Trần Hiếu/TNO
Có thể nói, vùng Tây Sơn Thượng đạo nói chung và An Khê nói riêng là vùng đất có nhiều di sản quý hiếm mà cha ông ta để lại; nếu chúng ta biết bảo tồn, phát huy những giá trị lịch sử-văn hóa này không những tạo ra vẻ đẹp tinh thần cho miền đất đáng yêu mà còn là nhân tố sẽ làm giàu về vật chất cho con cháu mai sau.
Theo PGS-TS. Nguyễn Khắc Sử: An Khê là vùng đất sớm có sự tụ cư của con người. Hệ thống di tích khảo cổ vùng An Khê cùng với di sản Tây Sơn Thượng đạo và khu Công viên địa chất toàn cầu Kbang-An Khê sẽ hội tụ thành một hệ thống di sản lịch sử-văn hóa và thiên nhiên An Khê. Đây chính là tài nguyên vô giá mà tổ tiên đã để lại cho người dân An Khê hôm nay.
Để biến những giá trị này thành di sản hiện thực thu hút sự đầu tư của con người đem lại thành quả về kinh tế-xã hội trong giai đoạn hội nhập và phát triển hiện nay, chúng ta cần sự chung tay cùng với An Khê để làm sống lại các di sản đang hiện hữu ở vùng đất này.
BÙI QUANG VINH

Có thể bạn quan tâm

Yêu t'rưng như yêu tâm hồn xứ sở

Yêu t'rưng như yêu tâm hồn xứ sở

(GLO)- 

Tròn 70 năm kể từ khi cố Nghệ sĩ Ưu tú Nay Pharr (làng Ơi H'Briu, xã Chư Mố, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) mang chiếc đàn t'rưng giới thiệu đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước, loại nhạc cụ độc đáo ấy đã được quảng bá không ngừng.

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Nồng nàn hương vị rượu cần

Nồng nàn hương vị rượu cần

(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.
Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

(GLO)- Nhằm phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng đầu tư tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, về nguồn nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương.