Vang xa tiếng chiêng "nhí" Ia Pia

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Là xã khó khăn nhưng các phong trào văn hóa-văn nghệ nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống trên địa bàn xã Ia Pia (huyện Chư Prông) luôn được duy trì và củng cố. Điểm sáng là sự trưởng thành của đội cồng chiêng “nhí” do Đoàn xã Ia Pia thành lập từ cuối năm 2018.
Đã có khoảng thời gian cồng chiêng vắng bóng trong đời sống của bà con các thôn, làng trên địa bàn xã Ia Pia. Các nghệ nhân đã ở tuổi xế chiều, gặp nhiều trở ngại trong việc giữ lửa cho nghệ thuật truyền thống, thậm chí có người đã chính thức “buông dùi”. Nét đẹp văn hóa cồng chiêng có nguy cơ mai một dần. Thanh thiếu nhi lại không có sân chơi sau giờ học, khiến nhiều em sa vào các trò điện tử vô bổ. Xâu chuỗi thực tế đó, sau rất nhiều trăn trở, anh Nguyễn Thanh Phương-Bí thư Đoàn xã đã đưa ra ý tưởng thành lập đội cồng chiêng “nhí” trong cuộc họp Ban Chấp hành Đoàn xã cuối năm 2018.
Nhất loạt đồng tình hưởng ứng, đoàn viên, thanh niên của Đoàn xã Ia Pia đã cất công đến từng thôn, làng để tuyển chọn, vận động những bạn trẻ có tố chất từ hàng trăm thanh thiếu nhi trên địa bàn xã. Sau gần 2 tháng, Đoàn xã đã tập hợp được một đội chiêng gồm 32 thành viên có độ tuổi từ 7 tuổi trở lên, trong đó học sinh của Trường Tiểu học Anh Hùng Núp chiếm đến 60%. Những buổi đầu, cán bộ Đoàn gặp khá nhiều khó khăn trong việc tổ chức luyện tập cho cả đội. Đa phần các em còn nhỏ, chưa nhận thức được các khái niệm về âm hưởng, tiết tấu, chưa hình dung được cách đánh cồng chiêng và múa xoang còn vụng về. Thêm vào đó, đội cồng chiêng chưa nhận được sự tin tưởng, truyền dạy kịp thời của các nghệ nhân lớn tuổi, giàu kinh nghiệm. Nhưng với sự dẫn dắt nhiệt tình của anh Phương và các cộng sự tâm huyết như anh Nay Jon-Bí thư chi đoàn làng Ngó và chị Rơ Lan H'Plot-Phó Bí thư Đoàn xã thì hoạt động của đội cồng chiêng “nhí” bắt đầu khởi sắc. Sự nỗ lực của các em trong đội cũng bắt đầu nhận được ánh mắt kỳ vọng và sự nhiệt tình hướng dẫn của các già làng.
  Đội cồng chiêng “nhí” xã Ia Pia trong một buổi tập luyện. Ảnh: L.H
Đội cồng chiêng “nhí” xã Ia Pia trong một buổi tập luyện. Ảnh: L.H
Theo đó, các thành viên của đội đã miệt mài luyện tập vào chiều tối từ 17 giờ đến 19 giờ các ngày trong tuần. Khi đã quen với âm điệu vang vọng của tiếng chiêng, tiếng cồng, các em bắt đầu thích thú và hăng say hơn; các điệu xoang cũng ngày một dẻo hơn, thu hút hơn. Mỗi lần được gặp gỡ, trò chuyện và luyện bài cùng nhau là một lần đầy ắp tiếng cười của các bạn trẻ, bất kể không gian tập luyện là trung tâm học tập cộng đồng hay chỉ vỏn vẹn một khoảng đất trống của nhà người dân trong làng.
Bí thư Đoàn xã Ia Pia chia sẻ: “Tôi thật sự vui mừng khi phần đông thanh thiếu nhi xã nhà đã bắt đầu chú ý đến nét đẹp văn hóa cồng chiêng của dân tộc mình. Không chỉ những thành viên chính thức của đội mà các em thiếu nhi khác trên địa bàn cũng tham gia cổ vũ hết sức hào hứng, nồng nhiệt trong mỗi buổi tập, buổi trình diễn cồng chiêng và múa xoang. Dân làng ban đầu còn e ngại nhưng đến giờ đã chủ động khuyến khích con em mình tham gia các buổi sinh hoạt tập thể do Đoàn xã tổ chức, nhất là các hoạt động có đội cồng chiêng “nhí” biểu diễn. Phấn khởi là thế, nhưng bản thân tôi còn đau đáu khi kinh phí cho mỗi buổi tập luyện, trình diễn còn hạn hẹp, riêng bộ cồng chiêng hơn chục chiếc vẫn phải mượn của làng, trang phục biểu diễn cho các thành viên chủ yếu tự túc, nhiều em còn thiếu trước hụt sau”.
Nhờ Đảng ủy xã Ia Pia quan tâm, hỗ trợ một phần kinh phí hoạt động và được người dân ủng hộ về tinh thần, các bạn trẻ ngày càng có thêm động lực để tiếp tục duy trì hoạt động văn hóa-văn nghệ. Đội cồng chiêng đã tham gia biểu diễn ở hầu hết các sự kiện trên địa bàn xã như: lễ mừng lúa mới, lễ bỏ mả… hay đơn thuần là ma chay, cưới hỏi. Mỗi sự kiện như vậy đều có bài nhạc chiêng cụ thể như “Mừng lúa mới”, “Đi hái rau rừng” hay “Nhịp chiêng ngày mùa”… Dù các nhạc cụ vẫn chưa đa dạng, thiếu tiếng đàn trưng, klông pút hòa nhịp nhưng chỉ cần tiếng cồng chiêng ngân lên ở nơi nào đó giữa thung sâu thì hồn thiêng của núi rừng như được vang vọng.
Em Rơ Lan Ân-học sinh lớp 2 Trường Tiểu học Anh Hùng Núp, thành viên nhỏ tuổi nhất của đội cồng chiêng-rụt rè nói: “Nhà em xa lắm, ở tận làng Ngó. Nhưng chiều hoặc tối nào ăn cơm xong, em cũng theo chị đi tập. Trong xóm em có nhiều bạn thích lắm nhưng chưa đánh được chiêng. Em đánh chiêng tốt rồi. Trong đợt biểu diễn gần đây, chúng em còn được tặng quà nên rất vui”. Đó là Rơ Lan Ân nhớ về tiết mục biểu diễn trong buổi trao quà từ thiện cho học sinh nghèo vượt khó của nhóm từ thiện Thanh niên Chư Prông đầu tháng 6 vừa qua.
Những nỗ lực của Đoàn xã Ia Pia và bản thân các em trong đội cồng chiêng “nhí” là một tín hiệu rất đáng mừng, góp phần không nhỏ vào sứ mệnh giữ gìn bản sắc dân tộc ở từng thôn, làng xa xôi. Anh Phương cho hay, đội cồng chiêng “nhí” Ia Pia mong mỏi tiếp tục nhận được sự đồng hành, tiếp sức của chính quyền cùng các đoàn thể để không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên luôn là vốn quý trong đời sống sinh hoạt văn hóa của bà con nhân dân. Bởi lẽ, một tiếng chiêng ngân lên trong khoảnh khắc cũng góp phần đưa hồn thiêng dân tộc vang vọng.
 LỮ HỒNG

Có thể bạn quan tâm

Lễ bỏ mả: Cuộc trình diễn nghệ thuật truyền thống đặc sắc của người Jrai

Lễ bỏ mả: Cuộc trình diễn nghệ thuật truyền thống đặc sắc của người Jrai

(GLO)- Trong các nghi lễ truyền thống của người Jrai thì lễ bỏ mả mang đậm nét văn hóa dân gian, là lễ hội nổi trội nhất, hấp dẫn nhất và được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Theo quan niệm của người Jrai, lễ bỏ mả là ngày vui cộng cảm, ngày hội của cộng đồng.
Yêu t'rưng như yêu tâm hồn xứ sở

Yêu t'rưng như yêu tâm hồn xứ sở

(GLO)- 

Tròn 70 năm kể từ khi cố Nghệ sĩ Ưu tú Nay Pharr (làng Ơi H'Briu, xã Chư Mố, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) mang chiếc đàn t'rưng giới thiệu đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước, loại nhạc cụ độc đáo ấy đã được quảng bá không ngừng.

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Nồng nàn hương vị rượu cần

Nồng nàn hương vị rượu cần

(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.
Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

(GLO)- Nhằm phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng đầu tư tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, về nguồn nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương.