Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng xây dựng Bảo tàng động-thực vật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với những nét đặc thù về khí hậu, thời tiết, địa hình, Khu bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng (xã Sơn Lang, huyện Kbang, Gia Lai) đã hình thành hệ sinh thái động-thực vật phong phú và đa dạng. Nhằm phục vụ công tác bảo tồn thiên nhiên, phát triển du lịch, phòng trưng bày tại Khu Bảo tồn sẽ được mở rộng thành bảo tàng động-thực vật.
Ông Trịnh Viết Ty-Giám đốc Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng-cho hay: “Để phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học; lưu giữ, giới thiệu và quảng bá đa dạng sinh học của khu bảo tồn cho khách du lịch, người dân trong và ngoài tỉnh biết, đồng thời nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và thu hút đầu tư về công tác nghiên cứu bảo tồn đa dạng sinh học, chúng tôi đã đề xuất cấp trên hỗ trợ kinh phí xây phòng trưng bày mẫu động-thực vật và trưng bày các mẫu dựa theo sự hướng dẫn của các chuyên gia Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật Việt Nam. Du khách tham quan sẽ được ngắm các mẫu vật thông qua hệ thống tủ kính trưng bày tại đây”. 
  Khách du lịch thăm phòng trưng bày mẫu động-thực vật tại Khu bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng. Ảnh: N.M
Khách du lịch thăm phòng trưng bày mẫu động-thực vật tại Khu bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng. Ảnh: N.M
Theo đó, Khu Bảo tồn đã phối hợp với các sở, ngành chức năng điều tra, lập danh mục và xây dựng bộ mẫu trưng bày với 119 mẫu động vật trên tổng số 380 loài; trong đó có 30 mẫu thú, 33 mẫu chim, 12 mẫu bò sát, 25 mẫu ếch, nhái, lưỡng cư, cá và 19 hộp mẫu côn trùng... Ngoài ra còn có 200 mẫu thực vật trong tổng số 863 loài như cây, hoa, thảo dược, nấm… Cùng với đó là 400 tiêu bản thực vật bậc cao có mạch; 800 bộ ảnh màu thực vật; 5 ảnh màu khổ lớn (90x100 cm), 6 ảnh khổ nhỏ (44x60 cm) về các loại thực vật thu thập được tại đây.
Sau 2 năm đi vào hoạt động, phòng trưng bày đã đón trên 100 lượt khách du lịch và hơn 10 đoàn nghiên cứu đến tham quan, tìm hiểu. Anh Hoàng Văn Tường-khách du lịch đến từ TP. Hồ Chí Minh-chia sẻ: “Trước khi khám phá khung cảnh thiên nhiên và chinh phục thác 50 tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng, chúng tôi đã được tham quan phòng trưng bày các mẫu động-thực vật, từ đó có thêm thông tin về hệ sinh thái, giúp chuyến đi trở nên thú vị và ý nghĩa hơn”. Còn chị Nguyễn Anh Phương-cùng đoàn-vui vẻ nói: “Nhìn thấy bộ mẫu động-thực vật là tôi mê liền. Do đó, tôi đã quay phim, chụp ảnh lại để làm tư liệu dạy học trò môn Tự nhiên và Xã hội”. 
Hiện tại, Khu bảo tồn đang xây dựng kịch bản trình diễn kết hợp diễn giải thông qua hệ thống máy chiếu về hình ảnh các loài động-thực vật hiện có trong Khu Bảo tồn, do các chuyên gia ghi nhận được trong nhiều đợt nghiên cứu. “Thời gian tới, Khu Bảo tồn sẽ tiếp tục thu thập, bổ sung khoảng 1.000 mẫu động-thực vật. Đồng thời, chúng tôi sẽ tiến tới mở rộng phòng trưng bày thành bảo tàng rộng 300 m2, có trang-thiết bị, máy móc chuyên dùng để bảo quản các mẫu vật; đắp sa bàn thu nhỏ thể hiện địa hình, các con đường, tuyến du lịch, công trình quản lý bảo vệ rừng… của Khu Bảo tồn. Chúng tôi cũng sẽ tuyển dụng, đào tạo cán bộ có chuyên môn sâu về bảo quản, sử dụng các trang-thiết bị liên quan để bảo quản mẫu vật và thuyết minh cho du khách”-Giám đốc Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng thông tin thêm.
Ngọc Minh

Có thể bạn quan tâm

Lễ bỏ mả: Cuộc trình diễn nghệ thuật truyền thống đặc sắc của người Jrai

Lễ bỏ mả: Cuộc trình diễn nghệ thuật truyền thống đặc sắc của người Jrai

(GLO)- Trong các nghi lễ truyền thống của người Jrai thì lễ bỏ mả mang đậm nét văn hóa dân gian, là lễ hội nổi trội nhất, hấp dẫn nhất và được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Theo quan niệm của người Jrai, lễ bỏ mả là ngày vui cộng cảm, ngày hội của cộng đồng.
Yêu t'rưng như yêu tâm hồn xứ sở

Yêu t'rưng như yêu tâm hồn xứ sở

(GLO)- 

Tròn 70 năm kể từ khi cố Nghệ sĩ Ưu tú Nay Pharr (làng Ơi H'Briu, xã Chư Mố, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) mang chiếc đàn t'rưng giới thiệu đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước, loại nhạc cụ độc đáo ấy đã được quảng bá không ngừng.

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

(GLO)- Nhằm phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng đầu tư tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, về nguồn nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương.