Công tác xã hội: Cần sự chung tay của cộng đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Công tác xã hội Việt Nam-Đổi mới, hội nhập và phát triển” là chủ đề Ngày Công tác xã hội Việt Nam năm 2019 với mục đích tôn vinh giá trị cao quý, ý nghĩa nhân văn của nghề công tác xã hội trong việc tham gia giải quyết các vấn đề của cá nhân, gia đình, cộng đồng, góp phần bảo đảm việc thực hiện quyền con người, thúc đẩy tiến bộ xã hội.
Trao đổi với P.V, bà Trần Thị Hoài Thanh-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-cho biết: Nghề công tác xã hội đã xuất hiện từ khá lâu ở nhiều nước trên thế giới và được xem là một nghề chuyên nghiệp. Ở Việt Nam, đây là nghề khá mới mẻ nhưng đã khẳng định ý nghĩa to lớn, là một trong những nhân tố góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy sự phát triển ổn định, bền vững. Chính vì vai trò quan trọng của nghề công tác xã hội với đời sống, năm 2010, Chính phủ đã ban hành Quyết định 32 phê duyệt “Đề án Phát triển nghề công tác xã hội” giai đoạn 2010-2020. Năm 2016, Chính phủ quyết định lấy ngày 25-3 hàng năm là Ngày Công tác xã hội Việt Nam.
 Tọa đàm nhân Ngày Công tác xã hội Việt Nam 2019. Ảnh: Đ.Y
Tọa đàm nhân Ngày Công tác xã hội Việt Nam 2019. Ảnh: Đ.Y
 
Bà Trần Thị Hoài Thanh-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội: “Để nghề công tác xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập, thời gian tới cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể, sự tích cực hưởng ứng của toàn xã hội trong công tác chăm lo, giúp đỡ người yếu thế, các đối tượng bảo trợ xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó, cần bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác lao động-thương binh và xã hội các cấp, đặc biệt là cấp xã”. 

Từ đó, hàng năm, các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh đều tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Công tác xã hội Việt Nam. Gia Lai cũng đã tích cực hưởng ứng thông qua công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về nghề công tác xã hội; công tác chăm sóc, tư vấn, giúp đỡ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tại các cơ sở khám-chữa bệnh; công tác nhân đạo, trợ giúp những người có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật, người già neo đơn, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, người nghèo, các gia đình gặp rủi ro trong cuộc sống; giúp đỡ người bị nhiễm HIV/AIDS, người nghiện ma túy, người mắc các tệ nạn xã hội... 
Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh có 113.630 người cao tuổi, hơn 27.000 người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng tại cộng đồng. Tính riêng trong năm 2018, tỉnh ta đã chi trả 150 tỷ đồng để trợ cấp xã hội, cấp thẻ bảo hiểm y tế và hỗ trợ chi phí mai táng cho các đối tượng bảo trợ xã hội; trợ cấp gần 1.700 tấn gạo cho 24.284 lượt hộ vào các đợt thiên tai, hạn hán, lũ lụt, đói giáp hạt. Dịp Tết Nguyên đán 2019, các ngành, địa phương đã trao tặng 44.667 suất quà với tổng số tiền 9,8 tỷ đồng cho hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội; đồng thời huy động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tặng 52.847 suất quà với tổng giá trị gần 23 tỷ đồng.
Bà Tạ Thị Anh Đào-Giám đốc Trung tâm Bảo trợ Xã hội Tổng hợp tỉnh-chia sẻ: “Nhiều năm qua, cùng với chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, Trung tâm còn nhận được sự quan tâm của nhiều cá nhân, tổ chức hỗ trợ về vật chất lẫn tinh thần để chúng tôi có thêm điều kiện nuôi dưỡng các cháu mồ côi và người già lang thang cơ nhỡ. Tại đây, Trung tâm còn có Phòng Dịch vụ Công tác xã hội với chức năng tiếp nhận đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp như trẻ em bị bỏ rơi, nạn nhân của bạo lực gia đình, nạn nhân bị xâm hại tình dục... Từ năm 2012 đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận 110 lượt đối tượng xã hội cần sự bảo vệ khẩn cấp, 159 lượt đối tượng bị bạo hành gia đình, 43 trường hợp bị xâm hại tình dục và có hoàn cảnh khó khăn tại cộng đồng. Nhờ đó, những đối tượng này đã được hỗ trợ kịp thời và tái hòa nhập cộng đồng”.
Thời gian qua, Hội Chữ thập đỏ tỉnh cũng đã thực hiện khá tốt công tác trợ giúp các đối tượng khó khăn trên địa bàn tỉnh. Bà Lê Thị Hạnh-chuyên viên Hội Chữ thập đỏ tỉnh-chia sẻ: Với phương châm “Ngành ngành làm việc thiện-người người làm việc thiện”, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động với nhiều hình thức phong phú, đa dạng để trợ giúp các đối tượng khó khăn. Gần đây nhất, với phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” năm 2019, các cấp Hội đã tích cực vận động và trao tặng 48.646 suất quà với tổng số tiền 25,5 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp cũng thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và giúp đỡ hội viên nghèo phát triển kinh tế, phòng-chống bạo lực gia đình, xóa bỏ các tập tục lạc hậu. Qua đó, hội viên, phụ nữ, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số đã nâng cao nhận thức trong việc đảm bảo vệ sinh môi trường, ăn chín uống sôi, biết cách chăm sóc và nuôi dạy con cái, từng bước hạn chế tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Hai Văn phòng tư vấn trợ giúp trẻ em huyện Mang Yang và Chư Sê cũng thực hiện khá tốt vai trò hỗ trợ trẻ em nghèo, lang thang, bị bạo lực, xâm hại tình dục và có nguy cơ bỏ học...
 HÀ TÂY

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.