Gác bằng đại học kinh tế, cô gái quyết khởi nghiệp từ thảo mộc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tốt nghiệp Trường Đại học Ngoại thương TP.HCM, song nỗi đau đáu với nông nghiệp hữu cơ đã thôi thúc Chu Thị Lan (30 tuổi) về quê nhà khởi nghiệp trái ngành để thỏa ước mong làm ra những sản phẩm từ thảo mộc.
 
Tốt nghiệp kinh tế nhưng Chu Thị Lan (sinh năm 1993) lại về quê nhà khởi nghiệp từ thảo mộc. Ảnh: NVCC
Tốt nghiệp kinh tế nhưng Chu Thị Lan (sinh năm 1993) lại về quê nhà khởi nghiệp từ thảo mộc. Ảnh: NVCC
5 năm ‘nằm gai nếm mật’ nơi xứ người
Khi còn là sinh viên năm 3, cô gái quê Đắk Lắk từng có cơ hội tham quan trang trại Tategamori Ark (Iwate, Nhật Bản) trong chương trình giao lưu văn hóa Việt - Nhật. Tình yêu nông nghiệp trong cô đã nhen nhóm từ việc tìm hiểu về mô hình trồng rau hữu cơ ở Nhật Bản. Tuy nhiên, lúc bấy giờ, cô vẫn chưa nghĩ đến chuyện bứt phá vì định hướng nghề nghiệp còn mơ hồ.
Sau khi lấy được tấm bằng cử nhân ngành Kinh tế đối ngoại, Lan làm hồ sơ du học. Tuy vậy, ngay khi chỉ còn công đoạn nộp bài luận văn để hoàn thành thủ tục xin học bổng du học, nhà cô mất kết nối internet, tài khoản điện thoại cũng hết tiền, lúc đó cô lại ở một mình. Do đó, Lan ngưng quyết định du học ở phút chót.
Dù vậy, với trình độ tiếng Nhật N2, Lan gửi email xin việc trực tiếp đến chủ tịch công ty sở hữu trang trại Tategamori Ark và được nhận vào làm nhân viên chính thức. Trong 6 tháng chờ cấp visa, Lan đã làm việc tại một công ty công nghệ ở TP.HCM để có thu nhập.
Nửa năm đầu ở Nhật, Lan sống cùng gia đình bà chủ tịch công ty sở hữu trang trại. Lan cho hay, cô có ấn tượng hơn về thảo mộc từ chính thói quen uống trà thảo mộc của bà sau mỗi bữa cơm tối cộng thêm việc bà thỉnh thoảng dẫn cô đi tham quan vườn thảo mộc của người quen những lúc rảnh rỗi.
Bên cạnh đó, cô tham gia khóa học về Aromatherapy (Liệu pháp hương thơm), Natural Food Coordinator (Điều phối thực phẩm tự nhiên). Khi hiểu hơn về công dụng của trà thảo mộc trong việc cải thiện sức khỏe tinh thần, Lan học thêm về Medical Herb (Thảo dược học).
 
Cô gái 9X luôn giữ vững tinh thần trong những ngày làm việc tại Nhật Bản. Ảnh: NVCC
Cô gái 9X luôn giữ vững tinh thần trong những ngày làm việc tại Nhật Bản. Ảnh: NVCC
Trong 3 năm làm ở mảng chăn nuôi lợn, Lan được phân công làm ở bộ phận sản xuất rau hữu cơ. Vì thiếu nhân sự, cô phải đảm nhận việc phụ trách chính trong khi hiểu biết về rau hữu cơ vẫn còn mù mờ. Với cô, đây là giai đoạn áp lực nhất khi vừa phải tự mày mò kiến thức để cáng đáng việc ở công ty, vừa tham gia nhiều khóa học khác nhau. Do đó, có lúc cô bị quá tải và gần như trầm cảm.
Tuy vậy, Lan vẫn quyết không để quá trình học hỏi thành “muối bỏ bể” nên tiếp tục học thêm về Organic Cosmetic (Mỹ phẩm hữu cơ). “Có lần những người nông dân lớn tuổi trố mắt khi chứng kiến đứa con gái như tôi lại tự mình lái được chiếc máy cày John Deere. Vậy mới nói, nếu nghĩ mình chỉ làm được việc nhẹ, tôi rốt cuộc sẽ không làm được gì”, Lan kể
Từ đây, nhận thấy mình cần có kỹ năng chuyên môn vững vàng, Lan tiếp tục học sâu hơn ở 2 khóa học Herbal Therapist và Senior Herbal Therapist của Hiệp hội Japan Medical Herb Association. Cô nói, dù Việt Nam chưa có quy định cụ thể về các bằng cấp cô đang học, lại phải bỏ hàng chục triệu để học, bản thân vẫn sẽ kiên định đến cùng. “Nếu tôi không làm thì sẽ có người khác làm thôi nhưng lại mất nhiều năm nữa. Ai cũng giữ suy nghĩ đó thì làm sao có thể mau trở về cống hiến cho quê hương?”, Lan tâm niệm.
Cho thảo mộc thêm đời sống mới
Trở về Việt Nam vào tháng 7.2021, Lan nhận thấy mình như “hạt cát” trên thị trường nông nghiệp. Không rành về kinh doanh, mất hết những mối quan hệ khi xưa, lại gặp áp lực từ phía gia đình, hành trình khởi nghiệp “đơn thương độc mã” của Lan gặp vô vàn khó khăn.
Tuy vậy, cô vẫn vững tin khởi nghiệp từ mảnh vườn gia đình để lại. Đây là vườn cà phê, nhưng sau khi nghỉ hưu, bố Lan đã chặt hết cây trồng, xây dựng tường rào bao quanh. Lan cho biết, bản chất vườn là đất sét pha cát, không phải đất đỏ màu mỡ nhưng có thể trồng thảo mộc nếu được cải tạo tốt. Nghĩ vậy, cô bắt tay trồng theo mô hình vườn rừng, cắt cỏ thấp để giữ ẩm đất, sử dụng phân chuồng hoai mục để tạo độ dinh dưỡng cao cho cây trồng. Ngoài ra, cô tận dụng những tán bơ có sẵn để xen vào các loại thảo mộc, nhờ vậy trên cùng một mảnh đất có thể thu được sản lượng gấp đôi.
 
Cây hoa cúc tím (Echinacea) là loại thảo mộc có nguồn gốc từ Bắc Mỹ được Lan trồng thử nghiệm tại vườn. Ảnh: NVCC
Cây hoa cúc tím (Echinacea) là loại thảo mộc có nguồn gốc từ Bắc Mỹ được Lan trồng thử nghiệm tại vườn. Ảnh: NVCC
Sau nhiều lần trồng thử nghiệm, khu vườn của Lan giờ đã được lấp đầy bằng những loại thảo mộc như bạc hà, bụp giấm, riềng, tía tô đất, sả chanh pháp, hương thảo… Hiện tại, sản phẩm của Lan chia thành 2 mảng: Một là các sản phẩm trà thảo mộc phối trộn nhiều loại giúp duy trì sức khỏe cũng như phòng ngừa, hỗ trợ điều trị các bệnh do lối sống sinh hoạt; hai là các sản phẩm chăm sóc da, tóc ứng dụng thảo mộc thiên nhiên.
Cô chia sẻ: “Về trà lá dâu tằm, tôi lấy nguyên liệu là lá những cây dâu tằm lâu năm mà ở Việt Nam thường bị chặt bỏ. Sau đó, tôi đem về xử lý, sấy theo phương pháp riêng sao cho chất dinh dưỡng, dược tính của lá vẫn nguyên vẹn. Trà bột lá dâu tằm rất được ưa chuộng ở Nhật vì giúp phòng và hỗ trợ kiểm soát bệnh tiểu đường nên tôi cũng muốn phổ biến ở Việt Nam”.
 
Lan trong một lần thu hoạch lá tầm ma để có nguyên liệu sấy mẻ trà mới
Lan trong một lần thu hoạch lá tầm ma để có nguyên liệu sấy mẻ trà mới
 
Trà Detox được chính tay Lan phối trộn từ những loại thảo mộc quý. Ảnh: NVCC
Trà Detox được chính tay Lan phối trộn từ những loại thảo mộc quý. Ảnh: NVCC
Ở mảng chăm sóc da bằng phương pháp tự nhiên, Lan tâm đắc với sản phẩm xà bông lỏng dầu hạt sở. Cô cho biết, cây sở vốn được trồng nhiều ở Việt Nam nhưng chỉ mới được trồng chủ yếu để lấy hạt ép thành dầu ăn, dầu máy. Nhận thấy dưỡng chất có trong hạt sở tốt cho cơ thể, cô đã “thai nghén” ra xà bông lỏng dầu hạt sở, sử dụng kết hợp tinh dầu phong lữ, oải hương, bạc hà để sản phẩm có độ lành tính với da. Đây cũng là cách để Lan phát huy giá trị nông sản Việt.
 
Sản phẩm xà bông lỏng dầu hạt sở của Lan trong giai đoạn thử nghiệm đã nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng. Ảnh: NVCC
Sản phẩm xà bông lỏng dầu hạt sở của Lan trong giai đoạn thử nghiệm đã nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng. Ảnh: NVCC
Hiện Lan vẫn nỗ lực xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn để có tiềm lực phát triển, đồng thời đẩy mạnh liên kết với các vườn hữu cơ khác. “Ngoài ra, tôi mong sau này có thể mở những buổi workshop hướng dẫn mọi người ứng dụng thảo mộc thiên nhiên để họ biết cách tự blend (phối trộn) trà phù hợp với thể trạng sức khỏe của mình”, Lan hy vọng.
Theo Hiếu Kha (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu “vào mùa”

Dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu “vào mùa”

(GLO)- Những năm gần đây, nhiều học sinh cuối cấp đã lựa chọn hình thức chụp kỷ yếu với đa dạng concept (chủ đề) để lưu giữ kỷ niệm đẹp cùng thầy cô, bè bạn. Tháng 4 là thời điểm dịch vụ này bắt đầu “vào mùa”, các studio cũng bận rộn với lịch trình dày đặc.
Nguyễn Đăng Khang: Nam sinh đa tài

Nguyễn Đăng Khang: Nam sinh đa tài

(GLO)- “Nếu Tin học là chỗ dựa cho phím đàn được thăng hoa thì âm nhạc lại giúp em xua tan đi những căng thẳng sau hàng giờ đắm chìm cùng ngôn ngữ lập trình”-em Nguyễn Đăng Khang (lớp 11C3A, Trường THPT chuyên Hùng Vương) chia sẻ.

Ksor Mác: “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su

Ksor Mác: “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su

(GLO)-

Dù ít tham gia các hội thi, nhưng nhiều công nhân ở Đội sản xuất số 6, Công ty 74, Binh đoàn 15 vẫn thường gọi anh Ksor Mác là "bàn tay vàng" trong đơn vị. Bởi anh không chỉ có kỹ thuật cao trong cạo mủ cao su mà hằng năm anh đều vượt kế hoạch được giao.

Chàng trai dân tộc Cao Lan với 'giấc mơ trà hoa vàng'

Chàng trai dân tộc Cao Lan với 'giấc mơ trà hoa vàng'

Chưa ai ở vùng núi Tuyên Quang từng nghĩ 'rước' chè hoa vàng tự nhiên từ rừng về nhân giống trong vườn nhà. Thế mà chàng trai dân tộc Cao Lan Lương Tiến Trung (thôn Hàm Ếch, xã Thượng Ấm, H.Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) lại thành công hơn mong đợi từ ý nghĩ táo bạo này.
Cặp đôi gen Z làm kênh hoạt hình Việt

Cặp đôi gen Z làm kênh hoạt hình Việt

Hàng chục tập phim hoạt hình, mỗi tập thu hút hàng triệu lượt xem (views) chỉ sau hơn 1 năm thành lập kênh YouTube là thành quả đáng khích lệ với Phạm Thị Hoàng Hảo (sinh năm 1999) và Đặng Trọng Nhân (sinh năm 2000). 
Thợ lái máy đam mê cải tiến kỹ thuật

Thợ lái máy đam mê cải tiến kỹ thuật

(GLO)- Là thợ lái máy nhưng Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Phạm Văn Hùng (Đại đội 4, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Công binh 7, Quân đoàn 3) đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, áp dụng hiệu quả vào công việc của đơn vị và đạt thành tích cao tại các hội thi.
Khấm khá nhờ... rắn độc

Khấm khá nhờ... rắn độc

Nghe tin anh Phan Thanh Bình - ngụ huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng - quyết định nuôi và kinh doanh rắn hổ mang, nhiều người quen biết đã can ngăn vì lo ngại loài này có nọc độc nguy hiểm nhưng anh vẫn thản nhiên.
Nay H’Juh khởi nghiệp từ ẩm thực Jrai

Nay H’Juh khởi nghiệp từ ẩm thực Jrai

(GLO)- Lớn lên bên căn bếp của bà ngoại, chị Nay H’Juh (làng Ốp, phường Hoa Lư, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) yêu vô cùng những món ăn của người Jrai. Năm 30 tuổi, chị mạnh dạn khởi nghiệp từ ẩm thực truyền thống của dân tộc.