Khởi nghiệp với bánh tét nhưng anh Kim Ngọc Vạn Phát (26 tuổi, H.Long Hồ, Vĩnh Long) đã có sự cách tân để ‘làm đẹp’ cho loại bánh dân gian này.
|
Anh phát khởi nghiệp từ tình yêu với cái nghề làm bánh truyền thống của mẹ. Ảnh: Thanh Duy |
Yêu nghề làm bánh truyền thống
Anh Phát kể, 25 năm trước, từ những ngày gia đình còn khó khăn, mẹ anh đã gắn bó với những đòn bán bánh tét để mưu sinh. “Mẹ cực nhọc, dãi nắng, dầm mưa đến những bãi xe để mời chào khách. Anh em tôi có tiền ăn học đàng hoàng cũng nhờ vào gánh hàng rong bánh tét của bà. Vì vậy, khi trưởng thành, tôi quyết định khởi nghiệp từ loại bánh dân gian này”, anh Phát tâm sự.
Vì yêu vị bánh quê hương, yêu nghề truyền thống của mẹ, sau khi tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Anh Trường ĐH Cần Thơ, anh Phát không đi xin việc mà về quê tìm tòi hướng đi "cách tân" để nâng tầm thương hiệu bánh tét của gia đình.
|
Bánh tét ngũ sắc được anh Phát sáng tạo theo hình thức "bình cũ rượu mới". Ảnh: Thanh Duy |
Chia sẻ về lý do chọn nghề, Phát bày tỏ: “Trước đây, tôi thường giúp mẹ mang bánh tét qua Cần Thơ bán. Nhiều người đến ủng hộ, gửi lời cảm ơn làm tôi rất vui. Khách nước ngoài cũng rất yêu thích hương vị bánh truyền thống quê mình. Trong khi đó, mẹ đã lớn tuổi rồi, tôi nghĩ, nếu nghề này mất đi thì tiếc lắm”.
Với quyết tâm đó, anh Phát nhiều lần đi tham gia các hội chợ thương mại, hội bánh dân gian để học hỏi những kinh nghiệm, chia sẻ từ những nghệ nhân làm bánh. Song song đó, chàng trai 9X tích cực đi thu nhận ý kiến của khách hàng, cập nhật thị hiếu người tiêu dùng trên internet.
Cải tiến hương vị, diện mạo
Khi nối nghiệp, anh Phát sáng tạo theo hướng 'bình cũ rượu mới". Tuy vẫn giữ quy trình gói bánh theo hình thức thủ công truyền thống, nhưng anh cải tiến về hương vị, diện mạo thành bánh tét ngũ sắc Vĩnh Long.
|
Diện mạo đẹp mắt của bánh tét ngũ sắc được nhiều người ưa chuộng. Ảnh: Thanh Duy |
“Tôi nghĩ, diện mạo của bánh tét cổ truyền cần được chú trọng hơn để tạo nét đặc sắc, sự bắt mắt giúp sản phẩm dân gian này không chỉ là món ăn chơi trong gia đình, mà còn trở thành món quà tặng mang dấu ấn miền Tây. Tôi muốn quê hương mình có thêm sản phẩm ẩm thực đặc trưng để gợi nhớ thương cho những ai đã từng đến đây”, anh Phát nói.
Tích lũy dần kinh nghiệm và qua nhiều lần thất bại, anh Phát mới tìm được công thức hoàn chỉnh bánh tét ngũ sắc, "hiện đại" hơn về diện mạo, song hương vị truyền thống vẫn đáp ứng theo tiêu chí "thuận" thiên nhiên: màu cam từ quả gấc, sắc xanh từ lá bồ ngót, màu đỏ từ trứng muối, sắc vàng từ đậu xanh và màu tím từ lá cẩm.
So với cách làm của mẹ, điểm mới còn nằm ở chỗ anh Phát sử dụng nếp sống để định hình cấu trúc bánh được đẹp mắt hơn. Anh chia sẻ, cách giữ độ tươi của các gam màu khi đã nấu chín bánh được xem là khâu khó nhất và cũng là bí quyết thành công của sản phẩm.
Đưa đặc sản quê nhà đi xa
Chàng trai quê Vĩnh Long cho biết, bánh tét ngũ sắc có giá thành cao hơn nhưng được nhiều người ưa chuộng bởi diện mạo độc đáo. Trước đây, mỗi ngày, mẹ anh chỉ bán được khoảng 200 - 300 đòn, nay với sản phẩm cách tân, con số tăng lên 400 - 500 đòn/ ngày.
Thành công của bánh tét ngũ sắc còn nằm ở việc anh Phát tranh thủ quảng bá sản phẩm vào các dịp hội chợ thương mại, hội bánh dân gian. Theo chàng trai Khmer, đây là cơ hội tốt để lắng nghe góp ý của nhiều đối tượng khách hàng để ngày càng hoàn thiện sản phẩm hơn.
“Trong dịch Covid-19 thì khó chưa từng có. Khâu tiêu thụ bánh chững lại, tôi đã lập trang Fanpage giới thiệu sản phẩm trên mạng xã hội, đẩy mạnh việc bán lẻ, huy động nhóm shipper giao hàng tận nơi để tự gỡ khó cho đầu ra”, anh Phát thông tin.
Khởi nghiệp với loại bánh dân gian, anh Phát thấy vui vì đang góp phần giữ gìn bản sắc ẩm thực dân tộc. Tuy nhiên, chàng trai quê Vĩnh Long còn nhiều trăn trở đó là làm cách nào để sản phẩm có thể bảo quản lâu, có thể chuyển bánh đi xa hơn mà hạn chế sự hư hỏng, chất lượng bánh vẫn được đảm bảo.
“Tôi đang thử nghiệm một số phương thức như hút chân không, sấy nhiệt, sấy ly tâm… để bánh tét ngũ sắc có thể có mặt khắp mọi miền đất nước, qua đó lan tỏa được hình ảnh và góp phần nâng tầm giá trị của loại bánh dân gian Nam bộ”, chàng trai khởi nghiệp với bánh tét chia sẻ.
Theo Thanh Duy (TNO)