Cha mẹ 'xoay' trong kỳ nghỉ hè vắng lặng' nhất lịch sử thời bình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Học sinh đang có một kỳ nghỉ hè "vắng lặng" nhất trong lịch sử thời bình. Còn cha mẹ vừa sôi sùng sục với chuyện cơm áo gạo tiền thời COVID, vừa đau đầu nghĩ cách trông con.

 Dịch COVID-19 đã và đang nhấn chìm mọi kế hoạch nghỉ hè của các gia đình dành cho con.
Dịch COVID-19 đã và đang nhấn chìm mọi kế hoạch nghỉ hè của các gia đình dành cho con.


Bản tin càng dày, con phố càng thưa

Bản tin thời sự sáng, trưa, chiều, tối liên tục cập nhật số ca mắc COVID mới và những ca tử vong đầu tiên. Khu phố tôi có nhiều người đi du lịch về, trong đó có cả những người đi du lịch Đà Nẵng. Như một phản xạ tự nhiên, các gia đình đều "nhốt" con trong nhà, buộc chúng phải dè chừng với thế giới bên ngoài. Con phố tôi ở trước đây luôn rộn ràng tiếng í ới của con trẻ, huỳnh huỵch bước chân của những trận bóng đá, bóng rổ, náo nức với những vòng quay xe đạp, nay vắng lặng, thưa thớt đến không ngờ.

Con tôi biết tin bạn Bi đã đi du lịch về liền chạy sang chơi, gặp cho đỡ nhớ. Nhưng nhà bạn đang tự cách ly, con gõ cửa hoài không được vào liền đứng khóc ngon lành. Nhìn sang nhà các bạn khác cũng là những cánh cửa đóng im ỉm. Cậu bé 8 tuổi lau nước mắt chạy về nhà hỏi mẹ: "Mẹ ơi, con không được chơi với các bạn, còn chuyến đi về quê thăm ông bà thì sao?".

Thật đáng tiếc! Bố mẹ đã lên kế hoạch cho con về Bắc để thăm quê nội, quê ngoại. Mong muốn con có một mùa hè rời xa thành thị, về với cánh đồng lúa, bờ đê, bên những cánh diều chao nghiêng và đàn bướm bay lượn. Kỳ nghỉ quê hương ấy cũng đành gác lại năm sau khi bố mẹ quyết định hủy chuyến bay vào ngày chót.

Không chỉ chóng mặt với những bản tin thời sự, những kế hoạch bị đảo lộn, tôi còn khá bối rối khi nhận được thông báo từ trường học của con: "Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh CovId-19, trường tạm dừng hoạt động sinh hoạt hè cho đến khi có thông báo mới. Học phí hè sẽ được hoàn trả khi nhà trường hoạt động trở lại".

Liên tiếp những ngày sau là thông báo ngừng học của trung tâm tiếng Anh, của lớp luyện võ, lớp học đàn. Con tôi chính thức ngừng học "toàn tập" và ở nhà hoàn toàn. Đứng trước thực tại ấy, tôi có một sự "bối rối không hề nhẹ".

Cuộc chiến với tivi, iPad

Không thể nghỉ làm, tôi đành để con ở nhà một mình, thỉnh thoảng đảo về kiểm tra cho yên tâm. Nhưng ở nhà cả ngày, con đọc sách đọc truyện, lắp lego mãi cũng chán. Đành phải chiều con cho xem tivi, iPad, mà đã cho xem thì khó kiểm soát được về thời gian, đặc biệt là khó tránh được những nội dung xấu trên mạng.

Tôi lại phải nghĩ cách tách con ra khỏi tivi, iPad. Trước tiên là tìm sự trợ giúp từ người thân. Tôi có chị gái làm việc ở nhà, trông 3 đứa con. Ngày nào đi làm, tôi gửi con qua đó cho chị em chúng bày trò chơi với nhau, tự quản nhau. Nhưng được vài ngày đầu vui chơi trong yên ấm hòa bình, mấy ngày sau chúng đã đánh nhau, cãi nhau suốt ngày, không thể cứ làm trọng tài hòa giải mãi được.

Tôi bèn kiểm tra lại mạng lưới bạn bè gần nhà của mình, lập một nhóm gia đình có lịch sử di chuyển, tiếp xúc an toàn. Sau đó chúng tôi thống nhất luân chuyển bọn trẻ mỗi ngày một nhà, đến phiên nhà ai thì phải bố trí người giám sát, trông coi, đồng thời chuẩn bị đồ chơi, đạo cụ cho chúng. Được cái mỗi nhà có một cái lạ, cái hay riêng nên bọn trẻ cũng đỡ bị nhàm chán, và cũng thực hiện đúng quy củ, ít gây lộn hơn.

Nhà nào có không gian rộng thì chúng tôi tổ chức lớp học tại gia, cố định khung giờ trong tuần, mời thầy cô giáo dạy tiếng Anh và những môn năng khiếu như dạy đàn, trống, vẽ... tới nhà, vừa học vừa chơi với tụi nhỏ. Do các trung tâm đều phải đóng cửa, thầy cô cũng rất nhớ học trò nên sẵn lòng tới nhà dạy cho các em. Nhờ những giải pháp này, nhóm phụ huynh chúng tôi cũng yên tâm được phần nào.

Tất nhiên không thể trông đợi hoàn toàn vào những nhóm chung. Về phần mình, tôi cố gắng sắp xếp để cùng con vận động ít nhất 2 giờ/ngày nhằm nâng cao thể lực và sức đề kháng. Buổi sáng sớm tôi chọn bãi biển vắng người, cho con tắm biển 1 tiếng rồi mới đi làm. Chiều về đưa con ra những cung đường vắng để chạy bộ, chơi trò đuổi bắt. Được vận động như vậy, con cảm thấy khỏe khoắn và vui vẻ đối diện với những giải pháp tình thế trong mùa Covid.

Nhiều địa phương đang bước vào "đỉnh dịch", kỳ nghỉ hè vẫn còn nửa tháng thử thách phía trước. Các bậc cha mẹ khác có kế sách nào hay, xin vui lòng chia sẻ!

 


Hãy buông bớt chuyện kiếm tiền

Trong kỳ nghỉ hè tại gia này, con cái rất cần cha mẹ dành thời gian cho chúng. Không cần phải cùng nhau đi ăn nhà hàng sang trọng, không cần đến những khu du lịch 5 sao, không cần phải nhăm nhăm dạy con những kiến thức to tát. Rất đơn giản, con tôi chỉ cần mẹ ở bên, vui đùa, âu yếm, nằm bên nhau đọc truyện tranh, thi nhau kể chuyện, oẳn tù xì để búng tai... Nếu có thể, hãy buông bớt chuyện kiếm tiền để ở bên con nhiều nhất. Có được thứ quý nhất của cha mẹ là thời gian và tình thương, con trẻ sẽ chẳng thèm đến tivi hay iPad nữa.


Theo LÂM BÌNH (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

(GLO)- Tổng số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm mạnh từ 1.800 vụ (năm 2014) xuống còn 44 vụ (6 tháng đầu năm 2024) đã cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận trong nỗ lực đẩy lùi, “hạ nhiệt” thực trạng này bằng sự chung tay từ nhiều phía.
An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.
Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về hôn nhân và gia đình. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được kéo giảm.