"Cây đại thụ" của làng Ó

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- “Già Chiêk không chỉ là một đảng viên gương mẫu, một người có uy tín với dân làng mà còn là một tuyên truyền viên xuất sắc”-ông Rơ Châm Phie-Bí thư Đảng ủy xã Ia Dom (huyện Đức Cơ) nhận xét như vậy về già làng Ó.  

Năm 18 tuổi, chàng thanh niên Rơ Châm Chiêk tình nguyện nhập ngũ và trở thành chiến sĩ an ninh vũ trang Đồn 23 (nay là Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh). Sau 4 năm cầm súng bảo vệ biên giới, Rơ Châm Chiêk trở về làng và lấy vợ. Trước khi trở thành già làng, già Chiêk đã nhiều năm làm Phó Trưởng Công an xã rồi Trưởng thôn nên mọi chuyện lớn nhỏ trong làng, già đều tường tận. Già bảo, làng Ó vài năm trở lại đây đã có nhiều đổi khác, người già, phụ nữ đều cần mẫn với công việc nương rẫy; thanh niên ngoài thời gian làm công nhân ở Công ty 72 (Binh đoàn 15) cũng tranh thủ phát triển kinh tế gia đình.

 

Già Chiêk (ngoài cùng bên phải) cùng Bộ đội Biên phòng trò chuyện với dân làng. Ảnh: P.D
Già Chiêk (ngoài cùng bên phải) cùng Bộ đội Biên phòng trò chuyện với dân làng. Ảnh: P.D

Để người dân trong làng ngày càng đoàn kết, yêu thương nhau, ngay khi được tín nhiệm bầu làm già làng, già Chiêk đã nghĩ ra cách vận động mỗi dòng họ thành lập một tổ, có tổ trưởng, tổ phó. Nhiệm vụ của các tổ trưởng, tổ phó là tuyên truyền, vận động, nhắc nhở các thành viên trong dòng họ phải chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao tinh thần cảnh giác, không để kẻ xấu lợi dụng, kích động, lôi kéo. Đặc biệt, thành viên các tổ phải khuyên nhủ con cháu không được “bắt vợ”, “bắt chồng” khi chưa đủ tuổi pháp luật cho phép; vợ chồng phải sống thuận hòa và quan tâm đến con cái, không để con cái tụ tập, quậy phá gây mất trật tự thôn, làng. Cách làm này của già đã giúp tình hình an ninh trong làng ngày càng ổn định. Anh Rơ Mah Mom (người dân làng Ó) cho hay: “Bà con trong làng ai cũng tin và nghe theo già Chiêk. Nhờ có già thường xuyên nhắc nhở, vận động nên bà con đã chịu khó trồng, chăm sóc cây cà phê, điều, mì để vươn lên thoát nghèo; thanh niên trong làng cũng không còn tụ tập ăn chơi mà đa phần đều xin đi làm công nhân”.

Không chỉ tuyên truyền để bà con trong làng chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, già Chiêk còn tích cực vận động người dân, nhất là những người có nương rẫy gần khu vực đường biên tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới. “Người dân làng Ó có khá nhiều nương rẫy ở gần khu vực chốt Bắc của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh nên trong mỗi cuộc họp hay các buổi gặp gỡ, già đều vận động bà con nâng cao tinh thần cảnh giác, khi đi làm nương rẫy nếu phát hiện có người lạ vào khu vực đường biên, cột mốc thì báo ngay cho lực lượng Biên phòng để kịp thời ngăn chặn, xử lý”-già Chiêk chia sẻ. Bên cạnh đó, già cũng nhắc nhở bà con trong quá trình lao động sản xuất gần khu vực đường biên, nếu gặp phải mưa, bão cần trợ giúp thì tìm đến các trạm, chốt của Đồn Biên phòng để được giúp đỡ vì Bộ đội Biên phòng cũng như người con của làng... Nhắc lại vụ việc xảy ra cuối năm 2016, già nói, do người dân còn chủ quan với mưa bão, ngủ lại chòi rẫy trong đêm nên mới bị nước lũ cuốn trôi xe máy và bị cô lập trên cây. “May nhờ có Bộ đội Biên phòng ứng cứu kịp thời trong đêm, 6 người dân làng mình mới an toàn trở về, nếu không chẳng biết sao”-già Chiêk bỏ lửng câu nói.

Nói về già Chiêk, Thượng úy Đỗ Quang Cường-Đội trưởng Đội Công tác Vận động Quần chúng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, cho rằng: “Già là nhân tố tích cực cùng cấp ủy, chính quyền và Bộ đội Biên phòng trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác, tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, trật tự an ninh thôn, làng... Dù tuổi cao sức yếu nhưng chẳng kể ngày hay đêm, mỗi khi làng có việc già đều có mặt kịp thời và bằng uy tín của mình, già giải quyết mọi việc rất thấu tình đạt lý”.

Phương Dung

Có thể bạn quan tâm