Chưa chú trọng khai thác tiềm năng, không có sự đầu tư phát triển nên bước ra thị trường, “cây nhà lá vườn” phải chịu thua thiệt đủ đường! Trái cây Gia Lai vấp phải sự tụt hậu thành thử yếu thế.
Nghịch lý “chở củi về rừng”...
Dạo một vòng quanh Siêu thị Co.op Mart và Vinatex, hay các sạp bán trái cây lớn quanh Trung tâm Thương mại Pleiku đều cay đắng nhận thấy một điều: Thưa thớt trái cây Gia Lai! Không ít sạp không có lấy một loại. Sạp khá hơn, có điểm xuyết vài trái bơ, sầu riêng… nhưng luôn bị bày ở vị trí kém bắt mắt hơn. Trái cây nội tỉnh chủ yếu xuất hiện ở các điểm chợ nhỏ, quán cóc vệ đường. Theo khảo sát của ngành chức năng trên địa bàn TP. Pleiku, tỷ lệ trái cây ngoài tỉnh chiếm đến con số 80%! Trong đó, nhiều loại cây vốn có khả năng phát triển mạnh như sầu riêng, xoài, dưa hấu vẫn phải nhập số lượng không nhỏ, thậm chí trong thời điểm chính vụ.
|
Bao giờ trái cây Gia Lai lên ngôi? Ảnh: L.H |
Lý giải cho vấn đề này, ông Võ Tín- Trưởng phòng Nghiệp vụ Tổng hợp (Chi cục Quản lý Thị trường tỉnh) cho biết: “Dù có lợi thế tiêu dùng ngay trên sân nhà, nhưng trái cây nội tỉnh không có sức cạnh tranh mạnh bằng trái cây ngoại nhập bởi vì tụt hậu. Trong khi chất lượng, hình thức trái cây nhập luôn được nâng lên từng ngày, từng mùa thì trái cây tỉnh nhà vẫn “yên vị” với các giống cây truyền thống, được chăng hay chớ. Phát triển trái cây tỉnh nhà “nghiệp dư” quá, làm sao cạnh tranh được với các sản phẩm “chuyên nghiệp”, vừa có chất lượng lại ổn định trên thị trường!?”.
Chất lượng, hình thức kém!
Điều gì đã làm cho trái cây tỉnh nhà chưa thu hút được nhiều sự lựa chọn của người tiêu dùng? Chị Hương- chủ một sạp bán trái cây trên đường Nguyễn Thiện Thuật (TP. Pleiku), cho biết: “Trái cây Gia Lai không được chuộng, khó bán lắm! Phải bán trái cây ngoại nhập, miền Tây… vừa ngon vừa đẹp mắt mới hấp dẫn được khách hàng”.
Theo một số chủ buôn trái cây, một số loại trái cây Gia Lai như: Sầu riêng (Chư Pah, Ia Grai, Đức Cơ, Phú Nhơn); nhãn (An Khê, Pleiku)… có chất lượng tương đối cao. Tuy nhiên, lại vấp phải điểm yếu là hình thức chưa bắt mắt, không hấp dẫn được người tiêu dùng như trái cây nhập. Hơn nữa, đại đa số loại cây này được trồng bằng hình thức trồng hạt, lượng cây ghép chiếm tỷ lệ chưa cao. Trong khi trên thị trường hiện nay, giá cả các loại trái cây ghép cao hơn rất nhiều so với loại trái cây trồng hạt, người tiêu dùng cũng ưa chuộng các sản phẩm trái cây ghép hơn. Có thể lấy một ví dụ, 1 kg sầu riêng ghép luôn có giá từ 20 ngàn đồng đến 25 ngàn đồng, trong khi sầu riêng trồng hạt chỉ có giá từ 10 ngàn đồng đến 12 ngàn đồng/kg. Ở các huyện phía Đông tỉnh, cây xoài dù có điều kiện lý tưởng để phát triển, nhưng trồng tự phát nên chất lượng không cao, vừa chua, quả lại nhỏ, kém đẹp mắt, luôn bị mất giá hơn so với xoài tỉnh khác. Có thể nói, trái cây Gia Lai đang vấp phải nghịch lý, có thực lực nhưng không có sức cạnh tranh.
Ngay chính trên sân nhà, trái cây Gia Lai bị “lép vế”. Đây không thể đổ lỗi cho tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng khiến “Bụt chùa nhà mất thiêng”, mà nguyên nhân chính là chất lượng và hình thức trái cây tỉnh nhà chưa tốt, không đủ sức cạnh tranh nên chưa thuyết phục được người tiêu dùng.
Tìm lời giải cho bài toán
Tận dụng được lợi thế trời cho để phát triển cây ăn trái là việc làm cần thiết hiện nay khi nhu cầu trái cây đang ngày một tăng; việc đa dạng hóa cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế cho nhà nông đang đặt ra bức thiết. “Trong thời đại phát triển nông nghiệp hàng hóa, khi nhà nông không còn thế “đơn thương độc mã”, thì sự liên kết “4 nhà” đã trở thành yêu cầu bức thiết, đồng thời là giải pháp hữu hiệu. Gia Lai cần phải làm được điều đó nếu muốn phát triển cây ăn trái!”- ông Văn Phú Bộ- Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT (Sở Nông nghiệp và PTNT) khẳng định.
Muốn đánh thức được tiềm năng của cây ăn trái, trước tiên phải phá được thế “liệt” của lĩnh vực này. Làm được điều đó, dĩ nhiên, mũi tiến công đầu tiên thuộc về các ngành chức năng. Phải tìm được “cái bắt tay” giữa Nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp và nhà khoa học mới mong đưa được trái cây Gia Lai thoát khỏi thế bỏ ngỏ và “lép vế”! Cụ thể, nên có chính sách phát triển hợp lý với từng vùng, từng địa phương, chẳng hạn như phát triển các loại cây ăn trái phù hợp với điều kiện trồng xen trong vườn cây công nghiệp đối với các huyện phía Tây; đưa các giống cây ăn trái chất lượng tốt phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng để cải tạo chất lượng sản phẩm trái cây vốn có thế mạnh ở các huyện phía Đông… Trong đó, “4 nhà” phải chú ý tháo gỡ từng bước các khó khăn, từ cây giống,vốn, kỹ thuật và thị trường tiêu thụ.
Khi bài toán phát triển cây ăn trái được thực hiện, chắc chắn rằng, Gia Lai sẽ có thêm một nguồn lợi không nhỏ.
Lê Hòa
Năm 2006, nhờ dự án “Phát triển chuỗi giá trị bơ trái Đak Lak”- Bơ DAKADO (do Bộ Hợp tác và Phát triển kinh tế Đức tài trợ) mà trái bơ Đak Lak được có mặt tại hầu hết các hệ thống siêu thị lớn của cả nước: Metro, Sài Gòn Co.op Mart, Fivi Mart… với mức giá cao gấp chục lần so với trước. Từ một loại trái cây phụ, bơ Đak Lak đã trở thành mặt hàng trái cây cao cấp. Đây được coi là cuộc “lột xác” ngoạn mục của trái cây Đak Lak. Chính sự liên kết ăn ý giữa 4 nhà: Nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp và nhà khoa học đã kịp thời đánh thức tiềm năng của loại trái cây vốn bị bỏ quên. |