Cầu nối để thanh niên thoát nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong những năm qua, Đoàn Thanh niên huyện Ia Grai đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện triển khai công tác vay vốn ủy thác đến đông đảo đoàn viên thanh niên (ĐVTN), đặc biệt là đối tượng thanh niên nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua triển khai thực hiện, chương trình cho vay vốn ủy thác đã đạt được những kết quả thiết thực.

Được các anh ở Huyện Đoàn Ia Grai giới thiệu, chúng tôi đến thăm vườn cà phê của anh Ksor Lớt ở làng Ngai Ngó, xã Ia Hrung. Anh Lớt hồ hởi cho biết: “Năm 2009, khi ra riêng lập nghiệp, gia đình có cho mình một mảnh đất nhưng không biết lấy tiền đâu mà đầu tư cây trồng. Lúc ấy qua kênh của Đoàn Thanh niên, mình được Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện cho vay 5 triệu đồng để đầu tư vào trồng cây cà phê. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, gia đình mình mua dần thêm đất để trồng cà phê. Mình còn tìm tài liệu về kỹ thuật chăm sóc cà phê để nghiên cứu và áp dụng. Hiện gia đình mình có 3 ha cà phê đã cho thu hoạch, mỗi năm thu nhập hơn 200 triệu đồng, cuộc sống từ đó cũng ổn định hơn”.

 

Đoàn viên thanh niên huyện Ia Grai giúp nhau phát triển kinh tế. Ảnh: H.Đ.T
Đoàn viên thanh niên huyện Ia Grai giúp nhau phát triển kinh tế. Ảnh: H.Đ.T

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay trên địa bàn huyện Ia Grai đã có hàng trăm gia đình thanh niên có thu nhập 300-500 triệu đồng/năm từ kinh tế vườn, trong khi xuất phát điểm của họ là chỉ hơn 10 triệu đồng vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội. Để ĐVTN tiếp cận được với nguồn vốn, những năm qua, Huyện Đoàn Ia Grai đã làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các quy định của Ngân hàng trong việc cho vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác nhằm phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, cải thiện đời sống.

Đồng thời nêu các gương cá nhân, tập thể điển hình trong việc thực hiện tốt công tác ủy thác, gương thanh niên sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, mang lại hiệu quả kinh tế cao, vươn lên làm giàu chính đáng tại địa phương... Từ khi triển khai thực hiện nguồn vốn vay ủy thác với Ngân hàng Chính sách Xã hội, hàng năm các xã đều có kế hoạch vay vốn, các đối tượng vay vốn được lựa chọn kỹ nhằm phát huy hiệu quả và đảm bảo an toàn cho đồng vốn vay. Nhiều Đoàn xã có cách làm hiệu quả nên đã thu hút được nguồn vốn để tạo điều kiện giúp thanh niên phát triển kinh tế. Anh Đào Duy Bình-Bí thư Đoàn xã Ia Hrung cho biết, nguồn vốn mà thanh niên xã được vay hiện nay là 6 tỷ đồng, gồm 240 hộ vay với 5 tổ quản lý.

Từ nguồn vốn vay, các hộ thanh niên đã đầu tư phát triển sản xuất, chủ yếu là chăn nuôi bò sinh sản, heo, trồng và chăm sóc cà phê, hồ tiêu, tạo thu nhập ổn định, từ đó nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất của quê hương mình. Hiện nay trên địa bàn huyện Ia Grai có 46 tổ tiết kiệm và vay vốn trong thanh niên với tổng dư nợ hơn 32 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 2.000 hộ gia đình ĐVTN.

Anh Rơ Chăm Loh-Bí thư Huyện Đoàn Ia Grai: “Qua theo dõi, chúng tôi thấy nguồn vốn do ĐVTN vay đều được sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả, đúng cam kết với ngân hàng. Thời gian tới chúng tôi sẽ làm việc với các ngành nhằm tạo điều kiện để các tổ chức cơ sở Đoàn nhận được nhiều nguồn vốn vay hơn; đề nghị Ngân hàng Chính sách Xã hội tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho ĐVTN đồng bào dân tộc thiểu số vay phát triển kinh tế”.

Hà Đức Thành

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Từ những thực vật hoang dại, nhưng với sự sáng tạo và bàn tay khéo léo, nhiều startup đã cho ra đời những sản phẩm bất ngờ. Không chỉ nâng tầm giá trị tài nguyên sẵn có, họ còn tạo cơ hội đưa sản phẩm vươn xa.

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.