(GLO)- Bằng những lời chào mời hấp dẫn, nhiều người muốn làm giàu nhanh chóng đã tham gia vào các hệ thống bán hàng đa cấp. Hình thức kinh doanh này như vòi bạch tuộc vươn rộng, ngày càng lôi kéo nhiều người vào cảnh mất tiền, mất niềm tin với người thân, bạn bè.
Từ những sản phẩm thông thường...
Dù không tổ chức hoạt động rầm rộ, công khai như trước đây, tuy nhiên nhiều người vẫn lén lút tham gia kinh doanh đa cấp. Thống kê của cơ quan chức năng của tỉnh cho thấy hiện có 27 doanh nghiệp kinh doanh đa cấp có chi nhánh hoạt động trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, trong số này chỉ có 3 đơn vị có địa chỉ hoạt động. Sản phẩm bán dưới hình thức đa cấp chủ yếu là các mặt hàng tiêu dùng, các loại thuốc bồi bổ sức khỏe, thực phẩm chức năng, máy hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe…
Chi nhánh Công ty Thiên Ngọc Minh Uy bị cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai xử lý. Ảnh: H.T |
Những sản phẩm này được thổi phồng về giá trị, công dụng; phần lớn hoạt động chào mời, mua bán sản phẩm được thực hiện tại nhà hoặc các quán cà phê… Mặc dù các cơ quan chức năng của tỉnh đã tích cực vào cuộc xử lý các cơ sở, chi nhánh kinh doanh đa cấp vi phạm và đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhưng hoạt động kinh doanh đa cấp trên địa bàn tỉnh vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp.
Thời gian qua, Chi cục Quản lý Thị trường tỉnh đã phối hợp với ngành chức năng tiến hành kiểm tra phát hiện, xử phạt hành chính 3 đơn vị gồm: Chi nhánh Công ty Thiên Ngọc Minh Uy; Công ty cổ phần Thương mại Phúc Gia Bảo; Chi nhánh Công ty TNHH Thương mại Lô Hội vi phạm về hoạt động kinh doanh đa cấp với số tiền hơn 300 triệu đồng. Trong đó, Chi cục Quản lý Thị trường tỉnh đề xuất Cục Quản lý Cạnh tranh Bộ Công thương xử phạt 240 triệu đồng và rút giấy phép kinh doanh đối với Chi nhánh Công ty Thiên Ngọc Minh Uy. Lý do là nhiều mặt hàng Công ty này kinh doanh không có nguồn gốc xuất xứ, hàng nhập lậu, không tuân thủ quy định về phương thức bán hàng.
Ông Phạm Ngọc Dự-Phó Trưởng phòng Quản lý Thương mại (Sở Công thương) cho biết: Bản chất của bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua là bất chính. Các doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã dùng chiêu bài thổi phồng công năng của sản phẩm để dụ dỗ, lôi kéo người tham gia mua sản phẩm. Họ được phía các công ty hứa hẹn mang lại lợi nhuận cao, cho rằng đây là cách làm giàu nhanh chóng. Nhưng thực chất là những lời hứa suông, là cách để các đơn vị kinh doanh đa cấp lách luật nhằm huy động vốn. Các sản phẩm được đơn vị kinh doanh đa cấp đăng ký với Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương) có niêm yết giá cụ thể, nhưng khi bán ra thị trường thì giá cao hơn gấp nhiều lần. Do được sự thỏa thuận giữa người mua và người bán, các cơ quan quản lý và lực lượng chức năng khó xác định sự biến tướng của hoạt động này để xử lý.
Đến kinh doanh tài chính đa cấp
Đặc biệt, thời gian gần đây, xuất hiện tình trạng hoạt động kinh doanh tài chính đa cấp, điển hình là vụ “Sân chơi giao dịch tiền ảo, huy động vốn qua trang Wed FXMT4” xảy ra ở thị xã An Khê mới đây, khiến nhiều người phải chịu cảnh trắng tay. Tại “sân chơi” này, để có 1 bít hay còn gọi là “mã” đăng ký trên sàn giao dịch, người chơi phải bỏ ra khoảng 10 triệu đồng, sau 5 ngày đầu sẽ nhận lãi hơn 2 triệu đồng. Kể từ tháng thứ 2 trở đi, lợi nhuận sẽ hơn 15 triệu đồng/tháng. Ngoài lợi nhuận khổng lồ từ “miếng mồi” lãi suất, nếu người chơi lôi kéo thành công nhiều người tham gia sẽ được chiết khấu phần trăm hoa hồng. Tuy nhiên, sau khi nhiều người đổ dồn đầu tư số tiền lên đến hơn 20 tỷ đồng thì cuối tháng 6-2016, trang Wed FXMT4 biến mất.
Phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh) đã điều tra, xác minh 45 trường hợp tham gia hoạt động kinh doanh đa cấp, ký hơn 165 hợp đồng với Công ty Kinh doanh Đa cấp Phúc Gia Bảo 68 và Phúc Gia Bảo 868 với số tiền tham gia 14,5 tỷ đồng. Vụ việc đã được chuyển Cục Cảnh sát Kinh tế (Bộ Công an) điều tra, xử lý theo quy định. |
Mặc cảm với gia đình, bạn bè, một số nạn nhân chọn cách im lặng hoặc suy nghĩ sự đã rồi, tiếp tục vay mượn đầu tư vào các sân chơi khác để gỡ gạc và ngày càng lún sâu vào nợ nần. Đó là cơ hội để các đối tượng lừa đảo và những sàn giao dịch “tiền ảo” còn đất sống dưới nhiều vỏ bọc hấp dẫn khác.
Thượng tá Bùi Bá Quát-Phó Trưởng phòng An ninh Kinh tế (Công an tỉnh) chia sẻ: “Kinh doanh tài chính đa cấp là hình thức huy động vốn đã và đang để lại nhiều hệ lụy, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân cũng như an ninh trật tự tại cơ sở. Ngoài thị xã An Khê, chúng tôi còn phát hiện hoạt động kinh doanh tài chính đa cấp tại huyện Ia Grai, huyện Đak Pơ, TP. Pleiku… Trong khi các lực lượng chức năng đang tập trung điều tra, xác minh vụ việc, thiết nghĩ, mọi người cần hết sức cảnh giác trước các chiêu thức dụ dỗ tham gia các hình thức kinh doanh đa cấp và đầu tư tài chính đa cấp, tránh trở thành “miếng mồi” cho các đối tượng lừa đảo.
Hữu Trường