Cánh đồng huyền thoại bên dòng sông mẹ ở Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Từ một vùng lau sậy, một cánh đồng trù phú đã hình thành, đem lại ấm no cho hàng ngàn người dân. Câu chuyện ấy, cho đến bây giờ vẫn được nhắc đến như một huyền thoại.
Hành trình mở đất
Hơn 40 năm trước, dưới dãy Chư Yang Sing, nơi sông mẹ Krông Ana chảy qua, là một vùng cây cối um tùm, lau sậy bủa vây, bùn lầy ngập quá đầu người… Sau giải phóng, Đăk Lăk vẫn là nơi còn nhiều bất ổn về an ninh, chính trị, cuộc sống người dân còn gặp rất nhiều khó khăn. Thế nên, ngay sau khi về nhận chức Bí thư tỉnh ủy Đăk Lăk (1977-1978), ông Trần Kiên đã nghĩ ngay đến việc nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân. Và ông đã nhận định, chính vùng lau sậy dưới dãy Chư Yang Sing là nơi có thể phát triển thành một cánh đồng thậm chí còn lớn hơn cả cánh đồng Tuy Hòa - Phú Yên (lớn nhất Khu V lúc bấy giờ).
 
Hệ thống bờ vùng được bê tông hóa. Ảnh: Duy Hậu
 
Được sự nuôi dưỡng của sông mẹ, lúa gạo ở Buôn Triết, Buôn Trấp… không chỉ năng suất cao mà chất lượng cũng vượt trội.  Ảnh: Duy Hậu
Ý tưởng phát triển vùng đất này thành cánh đồng lúa của Bí thư Kiên ngay sau đó đã được thực hiện. Hàng ngàn con người từ các cơ quan, đơn vị… được huy động về đây để khai hoang mở đất. Ông Châu Ngọc Ba - Phó Giám đốc Sở Thông tin- Truyền thông tỉnh Đăk Nông- kể lại với chúng tôi: "Ngày đó, chúng tôi được huy động về đây để mở đất. Nhìn vùng đất hoang vu, nơi sình lầy, nơi tua tủa lau sậy, không phải riêng tôi mà nhiều người đã nghĩ rằng đâu dễ gì biến nó thành cánh đồng. Lau sậy phá phía trước đã mọc lại phía sau, không có cách nào triệt tiêu được hết. Thế nhưng chỉ với những dụng cụ thô sơ, hàng ngàn con người bằng sức trẻ của mình đã chinh phục được vùng đất ấy".
Ông Ba kể, bằng sự chỉ đạo quyết liệt của Bí thư Trần Kiên, tất cả cán bộ công nhân viên các cơ quan đơn vị đã thay nhau về đây khai hoang mở mang cánh đồng. Nhiều khi, việc công vụ cũng đem về đây xử lý. Cuộc sống tạm bợ, thiếu thốn, gian khổ không thể kể hết, nhưng trong không khí hừng hực nơi đây đã khiến những thanh niên như ông đã quên đi mọi cực nhọc. Vỡ được đất ra, muốn đưa hạt lúa xuống con người đôi lúc kéo cày, bừa, dùng chân để giẫm cho cỏ cây lún sâu dưới bùn… Ngày vất vả đắp bờ, dọn cỏ, đêm lại phải thay nhau thức đuổi chim, chuột… phá hoại cây trồng. Bệnh tật, ốm đau thậm chí những hi sinh khác đã xảy đến với nhiều người. Nhưng đến khi cây lúa mọc lên mang về cái ăn cho người dân cũng là lúc hạnh phúc vỡ òa ở họ. 
Trong một lần trò chuyện với chúng tôi, ông Dương Thanh Tương - nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk,  cũng nhớ rõ từng chi tiết về những tháng ngày hào hùng ấy. "Khi ấy tôi là Bí thư Tỉnh đoàn, kiêm chỉ huy trưởng thanh niên xung phong trực tiếp tham gia công trường Buôn Triết. Xác định thanh niên là lực lượng xung kích mũi nhọn, chúng tôi đã huy động khoảng 3.000 thanh niên chủ yếu là học sinh, sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên, Trường Cao đẳng Sư phạm, Trường Trung học Sư phạm... về đây khai hoang. Mỗi người tự trang chuẩn bị cho mình những thứ cần thiết sau khi nhận nhiệm vụ lên đường. Thời đó, phương tiện lao động còn thô sơ, hầu như không có máy móc, chủ yếu là cuốc, xẻng. Chúng tôi cứ người nối người, hàng nối hàng, từng khối đất được chuyền tay nhau để đắp đập... Đến lúc làm lu, lèn, do không có máy móc, thanh niên các buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số gần đấy đưa voi để giẫm, lèn. Rồi đến khi khai hoang, cày đất cũng phải dùng đến sức người...”.
3 năm sau, bên dòng sông mẹ ấy cuối cùng cũng đã có hàng chục ha lúa mọc lên, hình thành nên những cánh đồng Buôn Triết (huyện Lăk, Đăk Lăk), Buôn Trấp (huyện Krông Ana, Đăk Lăk), Đức Xuyên (huyện Krông Nô, Đăk Nông)... Cũng từ đó, hơn 6 vạn dân từ các tỉnh Thái Bình, Quảng Nam, Bình Định... đi kinh tế mới về đây hình thành các xã như Buôn Triết, Buôn Tría, Ea Bông, Quảng Điền, Bình Hòa..., dần trở thành một nơi dân cư đông đúc trù phú.
Nên vựa lúa Tây Nguyên
Những ngày cuối tháng 4.2019, chúng tôi về lại vùng đất này chứng kiến một sự đổi thay đến ngỡ ngàng. Từ thị trấn Buôn Trấp chạy dọc ra cánh đồng tháng Mười (tên khác của cánh đồng Buôn Trấp), hàng chục xe tải xe kéo nối đuôi nhau tấp nập chở lúa về thị trấn. Nơi hoang vu, lau sậy, đỉa vắt… ngày xưa giờ là cánh đồng thẳng cánh cò bay với diện tích lên đến 1.000ha.
Từ thị trấn Buôn Trấp, một chiếc cầu hoành tráng được bắc qua sông nối liền với cánh đồng tháng Mười. Bên trong cánh đồng, hệ thống kênh mương, bờ vùng, bờ thửa đang dần được bê tông hóa chắc chắn, thênh thang. Chị Lê Thị Hằng - Phó phòng NNPTNT huyện Krông Ana, cho biết, từ năm 2014, khi có hệ thống đê bao sông Krông Ana (với kinh phí hơn 300 tỷ đồng), cánh đồng tháng Mười tăng lên sản xuất lúa hai vụ, năng suất lúa hàng năm trên dưới 15 tấn/ha. Hiện lúa là một trong hai cây chủ lực của địa phương.
Từ cánh đồng này, dọc theo bờ sông Krông Ana là hàng ngàn ha lúa cũng đang vào vụ thu hoạch ở Buôn Triết, Buôn Tría (huyện Lăk, Đăk Lăk), Quảng Phú, Đức Xuyên (huyện Krông Nô, Đăk Nông). Ông Lã Như Kỷ - một tỷ phú lúa ở xã Buôn Tría, bồi hồi nhớ lại: "Từ Buôn Triết, Buôn Tría, chạy dọc xuống Buôn Trấp rồi Đức Xuyên, Quảng Phú ngày xưa chỉ toàn lau sậy. Nhổ cây phía trước, cây phía sau đã mọc lên như thách đố. Có ai ngờ nơi ấy bây giờ thành vựa lúa của Tây Nguyên. Bây giờ, nông dân trồng lúa chúng tôi không kham khổ như xưa, mọi thứ đã được cơ giới hóa. Đồng ruộng cũng được nhà nước đầu tư ngày càng bài bản, nên năng suất, chất lượng lúa cũng ngày càng được nâng cao".
Trần Văn Linh (xã Buôn Triết) - nông dân tham gia khai hoang cánh đồng Buôn Triết hơn 40 năm trước, vui mừng nói với chúng tôi: "Với 3ha lúa hai vụ, mỗi năm gia đình tôi thu hàng chục tấn lúa. Hiện tôi chuyển diện tích này cho con trai, nó trồng lúa, đào ao thả cá, nuôi vịt, mỗi năm thu gần 1 tỷ đồng".
Ngoài ông Kỷ, ông Linh trên những cánh đồng mà ngày xưa cán bộ và nhân dân vất vả khai hoang giờ ngày càng xuất hiện nhiều tỷ phú nhờ cây lúa. Được sông mẹ mang phù sa, dưỡng chất từ Chư Yang Sing về nuôi dưỡng, không chỉ năng suất lúa nơi đây vượt trội mà chất lượng cũng thơm, ngon lạ thường. Gạo Lăk, gạo Krông Ana được nhiều người đánh giá rất cao. Trong đó, lúa gạo ở cánh đồng Buôn Triết đã có thương hiệu, chỉ dẫn địa lý trên thị trường.
Bên dòng sông mẹ Krông Ana giờ đây không ai còn phải lo thiếu cái ăn. Bởi nơi ấy giờ đã trở thành vựa lúa của Tây Nguyên.
Duy Hậu (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.