Cánh diều tuổi thơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chiều nay, bầu trời cao xanh và căng gió. Những đứa trẻ lại tung tăng ra cánh đồng trước nhà. Đứa trải diều, đứa thu dây, căn chỉnh. Rồi gió lên, chúng hùa nhau chạy lăng quăng và hò hét ầm ĩ khi cánh diều gặp gió bay vút lên nền trời thăm thẳm.
Tôi ngắm lũ trẻ đùa mà vui vì mình cũng từng có những ngày như thế. Trò chơi thả diều tuổi thơ của chúng tôi là trò của mùa hè. Ký ức về những cánh diều no gió bay vút lên trời cao theo tôi như giấc mơ nối những con diều tri thức.
Đồng quê mùa gặt cũng là mùa hè. Những cánh ruộng khi ấy chỉ còn trơ gốc rạ. Chiều mùa hè gió thổi vi vu và trời cao lồng lộng. Đàn bò thơ thẩn nhặt nhạnh từng gốc lúa sót lại, còn chúng tôi tụ tập thả diều. Để có những con diều bắt mắt là công sức của cả nhà. Buổi trưa, ba sẽ tranh thủ chẻ tre làm khung. Nan cột diều phải chọn tre thẳng, vót tròn khéo và đều tay thì diều mới cân. Ba vót, lên khung, còn chúng tôi sẽ tìm báo cũ, vở cũ của năm học vừa xong xé ra rồi dán. Hồ dán hồi ấy cũng không có, phải nhờ mẹ quấy bằng bột mì hay bốc ít hạt cơm còn sót lại trong nồi cơm của bà. Còn dây diều thì đủ thứ, lúc thì xin những sợi cước câu cá của ông ngoại nối lại, khi thì tìm nhà nào đó đang xây nhà xin rút dây từ những bao xi măng… Chúng tôi hí hoáy tô vẽ rồi dán diều hết mấy buổi trưa.
Minh họa: KIM HƯƠNG
Minh họa: KIM HƯƠNG
Làm xong diều thì thấp thỏm đợi khi có gió. Có khi mấy ngày liền trời cứ im phắc. Những lúc ấy tụi trẻ con hờn ông trời ghê lắm. Mang diều ra rồi lại cất đi. Có bữa, vừa chia nhau về nhà hết thì trời nổi gió. Chỉ một cơn gió mà tập hợp tụi nhỏ nhanh hơn lời mẹ gọi. Chúng tôi chạy ra, vừa căng được dây, diều hun hút bay thì trời tối thui, mưa chực ập đến. Vậy là cả hội thu dây quay về. Có hôm đang hăng, diều no gió bay cao vút thì đứt dây khiến bầy trẻ tiếc hùi hụi. Mất sạch vốn lẫn lãi, cả nhóm lại chia nhau làm lại từ đầu. Có hôm mải chạy theo diều nên thằng Tèo bạn tôi ngã xuống bờ ruộng, miệng va vô hòn đá tảng bị sứt răng. Giờ nó làm bác sĩ nha khoa của một bệnh viện lớn, hàm răng trắng tinh đều như bắp nhưng cái răng sứt đó nó vẫn giữ. Lâu lâu nó lại chụp hình gởi vô nhóm của xóm cũ để tụi tôi gọi lại cái tên cũ “Tèo sứt” rồi cả hội cùng cười.
Ký ức rồi cũng bay xa như những con diều no gió. Những kỷ niệm tuổi thơ như sợi dây diều níu giữ để những cánh diều kia không lơ là mà bay mất. Như thằng Tèo sứt bạn tôi, dù ở cách xa ngàn cây số nhưng mỗi dịp đầu hè nó lại nhắn rằng nhớ Gia Lai quá, nhớ tiết trời ở đó, nhớ cánh đồng tuổi thơ và cả hòn đá làm cho nó có biệt danh độc đáo như bây giờ.
Chúng tôi lớn dần lên. Những ô chữ, cơm nguội, giấy màu dán diều ấy đã lùi lại quá khứ.
Chiều nay ra phố, tôi lựa cho con trai một con diều. Diều bây giờ đủ màu sắc, kích cỡ, thêm cuộn dây cước nữa là năm mươi ngàn. Con hào hứng mang diều ra đồng nhờ các anh chị lớn thả giúp, cho chỉ nắm dây rồi chỉ trỏ. Tôi đọc được trong mắt con trẻ niềm vui tuổi thơ. Nhìn con, tôi như gặp lại mình thuở nhỏ, thuở mà tôi phải ước nhiều lắm, mong nhiều lắm mới có được một con diều be bé bay chấp chới dưới trời đầu hè.
TẠ NGỌC ĐIỆP

Có thể bạn quan tâm

Xếp sách nghệ thuật

Xếp sách nghệ thuật

(GLO)- Như một kiến trúc sư với nguyên vật liệu là sách, các nhân viên Thư viện tỉnh Gia Lai đã dày công sáng tạo và mô phỏng thành công nhiều công trình văn hóa-lịch sử đẹp mắt nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền về văn hóa đọc.
Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

(GLO)- Đất trời Tây Nguyên trong bung biêng thanh âm cồng chiêng, men cay rượu cần nồng nàn, vấn vít, nhịp xoang quyến luyến, tay nắm tay chẳng rời... được nhà thơ Ngô Thanh Vân một lần nữa nhắc đến trong bài thơ "Vào hội".

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...