(GLO)- Đã gần 2 tuần sau khi cơn bão số 15 đi qua nhưng hậu quả của nó vẫn còn hiện hữu: Những cánh đồng bị bồi lấp, những vạt hoa màu bị cuốn trôi, dập nát, các công trình thủy lợi bị hư hỏng nặng… Dòng nước dữ đã đẩy cuộc sống hàng ngàn hộ dân khu vực phía Đông tỉnh vào cảnh khốn khó, người dân đang khẩn trương khắc phục để ổn định cuộc sống và sản xuất.
Nước đi, khó khăn ở lại
Mặc dù nước lũ đã rút cách đây cả chục ngày nhưng 2 sào ruộng của ông Lê Hữu Thủy (tổ 5-phường An Bình-thị xã An Khê) vẫn chưa thể tái sản xuất. “Cả nhà mấy miệng ăn quanh năm chỉ trông chờ vào 2 sào lúa nước và 3 sào rau màu, vậy mà rau chuẩn bị vào kỳ thu hoạch đã bị lũ cuốn trôi, 2 sào ruộng vừa mới gieo sạ đã bị cát bồi lấp hết”-vẻ mặt buồn bã, ông Thủy ngậm ngùi nói.
Người nhà anh Quý thu hoạch cải ngọt sau khi lũ đi qua. Ảnh Lê Hòa |
Ông Thủy cho biết thêm, 2 sào lúa nước của gia đình ông do nằm sát suối Bãi Linh nên năm nào có mưa lớn cũng bị cát, sỏi bồi lắp. Khác với mọi năm, chỉ cần nước rút 3-4 ngày là đã có thể gieo cấy lại được, năm nay nước lũ ngập nặng khiến cho đất cát và sỏi đá bồi lấp quá dày. “Giờ ruộng vẫn còn đọng nước, máy múc và trâu bò chưa thể đưa xuống ruộng nên mùa này coi như không thể gieo trồng”-ông Thủy nói trong lo lắng.
Cùng chung cảnh ngộ với ông Thủy, 1 sào ruộng của chị Trần Thị Mai Minh (tổ 1, phường An Bình-thị xã An Khê) đến nay cũng chưa thể gieo sạ kịp vụ Đông Xuân vì tuy ruộng đã được hốt hết cát sỏi bồi lấp do lũ nhưng nước từ các thửa ruộng trên cao vẫn đổ về, trời vẫn còn mưa. Chị Minh cho biết: “Không chỉ riêng mình tôi mà hầu hết các hộ có chân ruộng thấp đều chưa thể gieo sạ được vì nước vẫn chưa thực sự rút hết và còn liên tục đổ về từ các gò cao”.
Nhà chị Thủy đang xới lại phần diện tích rau vừa bị nước cuốn trôi để trồng mới. Ảnh Lê Hòa |
Vừa nhanh tay xới lại mấy luống rau bị đất cát vùi lấp, chị Trần Thị Kim Thủy (thôn Tân Hòa, xã Tân An, huyện Đak Pơ), kể: “Nhà chỉ có 3 sào để cấy lúa, từ đầu vụ đến giờ tôi đã phải sạ đến lần thứ 3 rồi. Mỗi lần mưa lớn lại bị ngập, cuốn trôi hết. Trận lũ vừa rồi không chỉ lúa mà cả đám ớt, rau màu mới trồng cũng bị nước cuốn sạch”.
Còn hộ gia đình anh Cù Văn Quý ở cùng thôn lại xót xa vì lứa rau thất bát. Hơn 3 sào cải ngọt vừa đến ngày thu thì trúng lũ, dập nát gần hết. “Nếu trời yên thì đám rau này ít cũng phải thu được trên 2 tấn cải, giờ mưa lũ dập hết, bòn mót ráng lắm chỉ được không đầy 7 tạ rau. Số tiền bán cải không đủ tiền đầu tư nói chi công cán”- anh Quý bày tỏ.
Cần nhanh chóng hỗ trợ cho người dân
Ông Đinh Ngọc Thắng-Chủ tịch Hội Nông dân phường An Bình (thị xã An Khê), cho biết: Đợt mưa lũ, trên địa bàn phường đã có 8 ha lúa đã gieo sạ bị lũ cuốn trôi, phải gieo lại; trên 32 ha rau màu đến kỳ thu hoạch bị hư hại hoàn toàn (một số khác bị giảm sản lượng như đậu cô ve, bắp sú…). Đặc biệt, có 2 ha đất bị cát, đá bồi lấp không thể gieo trồng được trong vụ Đông Xuân này. Hiện nước chưa rút hết, người dân đang tranh thủ dọn ruộng và làm đất ở một số diện tích đã khô ráo để cấy lại cho kịp thời vụ. Ngoài ra, nhiều tuyến đường vận chuyển nông sản của phường đã bị hư hỏng nặng khiến cho việc vận chuyển nông sản của người dân gặp nhiều khó khăn.
Nhiều thửa ruộng tại thị xã An Khê vừa mới gieo sạ đã bị lũ cuốn trôi. Ảnh Hồng Thương |
Chỉ tính riêng trong ba lĩnh vực: Nông nghiệp, thủy lợi, thủy sản, đợt lũ vừa qua đã gây thiệt hại tại địa bàn thị xã An Khê ước tính khoảng 8,97 tỷ đồng. Trong đó có 28,1 ha lúa đã xuống giống bị ngập và hư hỏng hoàn toàn; 221,3 ha ruộng bị sạt lở, bồi lấp; 43,3 ha hoa màu bị cuốn trôi, 19,9 ha cây công nghiệp bị thiệt hại; gần 35 tấn lương thực bị hỏng… Ông Mang Văn Tý-Trưởng phòng Kinh tế thị xã An Khê, cho biết: “Vụ Đông Xuân này người dân sẽ đối diện với nhiều khó khăn, nhiều hộ thiếu giống để gieo lại. Đặc biệt là sự hư hỏng nặng của các công trình ao, bàu, đập, kênh mương thủy lợi, nếu không khắc phục, sửa chữa kịp thời sẽ không đảm bảo cung cấp nguồn nước tưới phục vụ cho sản xuất. Vì vậy địa phương rất mong nhận được sự hỗ trợ sớm từ phía tỉnh để người dân còn kịp sản xuất”.
Còn tại huyện Đak Pơ, theo thống kê sơ bộ, mưa lớn đã khiến hơn 173 ha cây trồng tại các xã Tân An, Phú An, Yang Bắc bị ngập úng; ước thiệt hại 1,185 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có gần 175 ha diện tích hoa màu bị giảm năng suất và nhiều công trình thủy lợi, đường giao thông, trạm bơm… bị hư hỏng nặng. Đến nay, diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân của huyện mới chỉ đạt 209/6.480 ha. Trước thiệt hại của cơn bão lũ gây ra, chính quyền địa phương đã chủ động phối hợp với nông dân, hướng dẫn bà con khắc phục hậu quả bão lũ cũng như hỗ trợ bước đầu cho các hộ bị thiệt hại. Song song với đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cũng khuyến cáo bà con sử dụng gieo cấy một số giống ngắn ngày cho kịp thời vụ, nạo vét lại kênh mương…
Mưa lũ đi qua đã để lại nhiều hậu quả nặng nề. Người dân đang rất cần sự chung tay, chia sẻ trách nhiệm từ chính quyền địa phương cũng như các đơn vị liên quan.
Lê Hòa-Hồng Thương