(GLO)- Thời gian qua, tỉnh ta có nhiều hoạt động hỗ trợ các đối tượng yếu thế trong xã hội nhưng vẫn còn không ít những bất cập, khó khăn. Theo đó, việc thành lập một trung tâm công tác xã hội là rất cần thiết.
Nỗi lòng cha mẹ
Suốt 7 năm qua, vợ chồng anh Nguyễn Văn Vượng (làng Dăng, xã Ia O, huyện Ia Grai) hết sức khổ tâm khi con trai là Nguyễn Gia Huy mắc bệnh tâm thần kinh, co giật, bại não. “Vợ chồng tôi đã mang con đi khắp các bệnh viện trong nước nhưng không thể cứu chữa được. Mỗi lần nhìn con lên cơn co giật, vợ chồng tôi như đứt từng khúc ruột”-anh Vượng nghẹn ngào kể.
Rất nhiều phụ nữ là đối tượng yếu thế cần sự trợ giúp của các dịch vụ CTXH. Ảnh: Đ.Y |
Theo Nghị định 136/2013/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ, cháu Huy thuộc đối tượng được hỗ trợ với mức khuyết tật đặc biệt nặng và người chăm sóc nuôi dưỡng cháu cũng được hỗ trợ. Suốt 3 năm qua, tuy cháu Huy đã được Hội đồng xét duyệt xã Ia O công nhận nhưng huyện Ia Grai vẫn chưa ra quyết định cho cháu hưởng chế độ. Đợi chờ quá lâu, sáng 8-12-2017, vợ chồng anh Vượng đã phải chở con tới Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Ia Grai kiến nghị. Chị Ngát mẹ cháu Huy nói: “Chẳng ai mong con bệnh tật để hưởng chế độ của Nhà nước. Nhưng vì không may nên giờ cả đời con khổ, mà bố mẹ còn đau khổ hơn thế gấp nhiều lần. Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ cho các đối tượng khuyết tật, cán bộ thực thi chính sách phải giúp dân chứ đằng này cứ đùn đẩy”.
Trao đổi về hồ sơ hỗ trợ khuyết tật của cháu Huy, ông Ngô Khôn Tuấn-Phó Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Ia Grai, cho biết: “Do Hội đồng xét duyệt của xã Ia O làm chưa đúng thủ tục đối với hồ sơ của cháu Huy nên khi gửi lên huyện không được xét duyệt. Tới đây, chúng tôi sẽ đôn đốc, hướng dẫn xã Ia O bổ sung thêm hồ sơ để cháu Huy được nhận chế độ trong thời gian sớm nhất”.
Đó chỉ là một trong số hàng ngàn đối tượng xã hội cần được hỗ trợ. Tuy nhiên, do cán bộ văn hóa-xã hội kiêm nhiệm nhiều việc nên nhiều đối tượng đủ điều kiện hưởng chế độ trợ cấp vẫn chưa được quan tâm.
Cần lắm một trung tâm công tác xã hội
Triển khai Đề án phát triển nghề công tác xã hội (CTXH), tỉnh ta mới thành lập được một phòng dịch vụ CTXH tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội Tổng hợp tỉnh. Tuy nhiên, Phòng chỉ có 4 người, cơ sở vật chất, trang-thiết bị còn thiếu thốn. Mạng lưới cộng tác viên CTXH ở cấp xã cũng chưa hình thành, chủ yếu do đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa-xã hội cơ sở đảm nhiệm.
Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010-2020 (Đề án 32) nhằm tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của nghề CTXH tại Việt Nam. Hiện nay, có 34 tỉnh, thành đã thành lập trung tâm CTXH. Tại buổi làm việc ở tỉnh ta mới đây, ông Công Hoàng Thuận-Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng Nghiệp vụ (Trường Đại học Lao động-Xã hội-cơ sở II) cho biết, theo Đề án 32, đến năm 2020 bắt buộc tỉnh nào cũng phải thành lập Trung tâm CTXH.
Toàn tỉnh có trên 27 ngàn người là đối tượng yếu thế, gồm: người già cô đơn; người khuyết tật; người đơn thân nuôi con nhỏ thuộc hộ nghèo; trẻ mồ côi; người nhiễm HIV/AIDS thuộc hộ nghèo; trẻ em đặc biệt cần được bảo vệ, chăm sóc và hàng ngàn đối tượng phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình; trẻ em bị bạo hành… |
Việc thành lập một trung tâm CTXH trên địa bàn tỉnh ta hiện nay là rất cần thiết. Trung tâm CTXH sẽ là địa chỉ giải quyết các vấn đề xã hội và cung cấp dịch vụ CTXH cho cá nhân, gia đình, nhóm, cộng đồng trên địa bàn tỉnh với 4 chức năng: phòng ngừa, can thiệp hỗ trợ, phục hồi, phát triển. Một chuyên viên của Phòng Bảo trợ Xã hội (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội) cho hay, hàng năm, số lượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người già và người khuyết tật; vấn đề HIV/AIDS, tệ nạn xã hội, nghiện rượu, nạn bạo hành trong gia đình, thất nghiệp, lạm dụng trẻ em, sức khỏe tâm thần... đều gia tăng. Vì vậy, nếu có trung tâm CTXH thì những vấn đề phát sinh kể trên sẽ được giải quyết kịp thời, góp phần tích cực vào thực hiện an sinh xã hội và xây dựng một xã hội hiện đại.
Đinh Yến