Cân nhắc cả yếu tố bản sắc và kinh tế khi sáp nhập 6 quận ở TPHCM

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Các quận 3, 4, 5, 10, 11 và Phú Nhuận (TPHCM) dự kiến phải sáp nhập trong ba năm tới do không đảm bảo tiêu chí diện tích và dân số. Người dân đặt câu hỏi được lợi gì từ việc sáp nhập các quận, còn chuyên gia cho rằng cần cân nhắc kỹ chứ không nên máy móc.

6 quận TPHCM thuộc diện phải sáp nhập vì không đủ tiêu chí về diện tích, dân số theo quy định. Ảnh: Anh Tú

6 quận TPHCM thuộc diện phải sáp nhập vì không đủ tiêu chí về diện tích, dân số theo quy định. Ảnh: Anh Tú

Sáp nhập quận, dân được lợi gì?

Năm 2021, sau khi quận Phú Nhuận nhập phường 11 và phường 12 thành phường 11, anh Tạ Duy Linh (44, quận Phú Nhuận) phải tốn thời gian, tiền bạc để thay đổi thông tin hồ sơ, giấy tờ. “Thậm chí tôi phải bay ra Hà Nội làm thủ tục, hoạt động giao dịch ngân hàng đều phải dừng cho đến khi cập nhật xong” – anh Linh nói.

Phú Nhuận là một trong 6 quận ở TPHCM thuộc diện phải sáp nhập trong 3 năm tới do không đảm bảo tiêu chí về dân số và diện tích. Trước thông tin này, anh Linh lo lắng phải đi đổi giấy tờ thêm lần nữa.

“Thành phố cần tính toán xem nếu sáp nhập thì sẽ mang lại lợi ích gì cho người dân và có cân đong đo đếm được lợi ích đó không. Không đơn giản cứ sáp nhập là sáp nhập vì nó liên quan đến chi phí, thời gian làm lại giấy tờ hành chính của người dân” – anh Linh nói.

Khu vực Hồ Con Rùa tại Quận 3. Ảnh: Anh Tú

Khu vực Hồ Con Rùa tại Quận 3. Ảnh: Anh Tú

Tương tự, chị Nguyễn Thị Lê (42 tuổi, đường Võ Thị Sáu, Quận 3) nêu quan điểm: “Việc sáp nhập các quận là nhằm tinh giản bộ máy. Liệu bộ máy mới có đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân hay không? Sáp nhập để tốt lên thì dân ủng hộ nhưng phải đảm bảo được cuộc sống bình thường, ổn định cho người dân".

Đồng quan điểm, ông Mai Văn Minh (65 tuổi, đường Hoàng Diệu, Quận 4) cho rằng để người dân hiểu và cho ý kiến xác đáng về sáp nhập quận thì họ phải hiểu việc thay đổi có ý nghĩa gì. Trong đó, người dân sẽ được lợi gì, thuận tiện gì từ việc sáp nhập?

“Nếu không có thông tin rõ ràng, người dân dễ nhìn thấy cái phiền hơn là cái lợi. Nếu là sáp nhập để phát triển thì phải có thay đổi thực sự về mặt nội dung, về cách thức quản lý và đời sống của người dân thực sự có lợi hơn chứ đừng chỉ thay đổi hình thức và tên gọi” – ông Minh nói.

Cần cân nhắc kỹ

Theo Nghị quyết 117 năm 2023 của Chính phủ về Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025, các quận phải sắp xếp có diện tích dưới 7km2 và dân số dưới 300.000 người.

6 quận ở TPHCM đều không đạt cả hai tiêu chí trên nên thuộc diện phải sáp nhập, cụ thể: Quận 3 (diện tích 4,92 km2 - dân số hơn 190.000 người), Quận 4 (4,18 km2 - gần 200.000 người), Quận 5 (4,27 km2 - hơn 160.000 người), Quận 10 (5,72 km2 - hơn 240.000 người), Quận 11 (5,14 km2 - hơn 210.000 người) và Phú Nhuận (4,6 km2 – hơn 180.000 người).

Một góc Quận 3 (TPHCM) nhìn từ trên cao. Ảnh: Hữu Chánh

Một góc Quận 3 (TPHCM) nhìn từ trên cao. Ảnh: Hữu Chánh

Trao đổi với Lao Động, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn - chuyên gia về quy hoạch đô thị cho rằng, khi sáp nhập các quận, ngoài yếu tố hành chính, cần xem thêm yếu tố bản sắc đô thị tương đồng và yếu tố kinh tế. “Trước giờ từ tên gọi Sài Gòn đến TPHCM đã hình thành bản sắc, trong đó nhắc đến Quận 1 biết ngay là trung tâm, dịch vụ, thương mại, nhắc đến Quận 3 là biệt thự, khu nhà ở” – ông Sơn nói.

Từ đó, ông Ngô Viết Nam Sơn gợi ý, nếu TPHCM quyết tâm sáp nhập thì có thể nhập Quận 3 vào Quận 1 vì cùng bản sắc trung tâm Sài Gòn ngày xưa. Trong khi đó, Quận 4 tuy giáp Quận 1, nhưng cấu trúc đô thị Quận 4 lại vụn vặt, công trình cấp 3, cấp 4 quá nhiều. Do đó, nếu sáp nhập hai quận này, để chỉnh trang Quận 4 lên ngang tầm Quận 1 sẽ gặp nhiều khó khăn.

“Nếu cứ máy móc dân số hay diện tích không đủ mà sáp nhập đại thì rất đáng tiếc, ảnh hưởng đến bản sắc đô thị và tương lai phát triển của các địa phương này” – ông Sơn nói.

Ông Ngô Viết Nam Sơn cũng cho rằng, cần xem xét ở góc độ TPHCM là một thành phố đặc biệt, đô thị đặc biệt trực thuộc Trung ương. Do đó, nếu như sáp nhập các quận phải nằm trong định hướng phát triển chung của TPHCM trong tương lai chứ không phải dựa trên dân số và diện tích. “Sáp nhập quận nào với quận nào phải cân nhắc kỹ, nghiên cứu khoa học kỹ để có sự chuẩn bị” – ông Sơn nói.

Trao đổi với Lao Động ngày 4.8, ông Huỳnh Thanh Nhân - Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM, khẳng định, tính đến hiện tại, thành phố chưa có phương án cụ thể sắp xếp đối với 6 quận và 142 phường, xã thuộc diện phải sắp xếp.

Hiện Sở Nội vụ đang trong quá trình phối hợp với các quận, huyện và Thành phố Thủ Đức rà soát lại hồ sơ, số liệu. Sau khi có đầy đủ hồ sơ, số liệu mới có cơ sở tham mưu UBND TPHCM xây dựng phương án tổng thể và đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn.

Có thể bạn quan tâm

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Khảo sát của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) cho thấy, tỷ lệ khách hàng mua để ở giảm từ 59,5% của năm 2023 xuống 44,9% trong năm 2024. Đáng chú ý, đã xuất hiện 10% khách hàng đầu tư lướt sóng trong năm 2024, so với chỉ 1,5% trong năm 2023.

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Khép lại một năm với sự phục hồi tích cực nhờ các bước tiến lớn trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, nhiều nhận định cho rằng năm 2024 là một năm bản lề, là nền tảng tạo động lực cho thị trường bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.