(GLO)- Nhiều năm nay, hàng chục hộ dân sinh sống tại khu núi Đá Lửa (thuộc thôn An Định, xã Cửu An, huyện Đak Pơ) phải ngày ngày lưu thông trên con dốc thẳng đứng men theo triền núi đầy gồ ghề và lầy lội. Ước mong về một tuyến đường bê tông sạch đẹp để thuận tiện đi lại và vận chuyển nông sản dường như vẫn còn quá xa xôi với bà con nơi đây.
Giữa tiết trời mưa nắng bất chợt của những ngày cuối tháng ba, con đường độc đạo vòng vèo dài khoảng 6 cây số từ trung tâm xã Cư An vào khu núi Đá Lửa trở nên trơn trượt hơn bình thường. Ngay cả người có kinh nghiệm “chinh chiến” trên tuyến đường này suốt hơn 30 năm qua như ông Đặng Văn Bửu mà vẫn bị nó “làm khó”. “Mùa nắng con đường được sửa chữa sơ nên đi lại còn tương đối chứ bước qua mùa mưa rồi thì chịu, chạy xe máy còn khổ chứ nói chi đến xe 4 bánh, hầu như phương tiện không thể vào đến nơi để chở nông sản”-ông Bửu than thở.
Theo người dân ở đây cho biết, với chiều dài 6 km của tuyến đường, đáng lẽ ra họ chỉ mất khoảng 10 đến 15 phút đi xe máy là đến nơi nhưng rất nhiều năm qua, để vượt hết quãng đường này, họ phải mất 30 phút nếu trời nắng, còn trời mưa thì phải di chuyển từ 45 đến 60 phút. Bà Lê Thị Nguyệt, cũng là một cư dân ở khu núi Đá Lửa, lắc đầu ngán ngẩm: “Trời cứ mưa liên tục là đi chẳng được, đường nó lầy, nó lún, xe chở nông sản bị lật thường xuyên, khổ lắm. Giờ chúng tôi chỉ trông mong sao Nhà nước làm cho dân con đường bê tông cứng cáp, sạch đẹp là mừng rồi”.
Khu núi Đá Lửa có diện tích khoảng 860 ha với hơn 25 gia trại. Ở đây, mía là cây trồng chủ lực với 80% diện tích; còn lại là các loại cây ăn quả và cây công nghiệp như: na, xoài, cà phê, tiêu, điều… Thế nhưng nông sản người dân làm ra cứ đến kỳ thu hoạch đều bị thương lái ép giá với duy nhất 1 lý do: đường xấu, vận chuyển khó khăn. Còn nếu lựa chọn phương án tự đưa hàng hóa ra ngoài đường quốc lộ để bán thì người dân phải chịu thêm khoản chi phí cho mỗi chuyến trung bình là 100.000 đồng. Lợi nhuận thu về, vì thế cũng rất thấp.
Từ đầu đường Quốc lộ 19 vào khu núi Đá Lửa chỉ có được 1.200 mét đường bê tông xi măng. Đoạn đường này được làm từ năm 2000 với tổng kinh phí 2,6 tỷ đồng do Nhà nước đầu tư làm 100%. Tuy nhiên, do nguồn vốn có hạn nên chỉ làm được khúc đầu vào thôn, còn 6 km đường đất còn lại kia thì nhiều năm nay vẫn là nổi “ám ảnh” của người mỗi khi qua lại, nhất là con dốc dài tầm 3 cây số tính từ khu núi Đá Lửa trở ra. Không chỉ có độ dốc cao, khu vực này còn lởm chởm nhiều đá và rất trơn trượt khi mưa về.
|
Sau chuyến đi tìm hiểu thực tế, UBND huyện Đak Pơ đã tuyên truyền, huy động người dân cùng Nhà nước góp công góp của để xây dựng con đường bê tông, phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất. Ông Huỳnh Văn Hơn-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ cho hay: “Nhằm giải quyết khó khăn trong quá trình vận chuyển nông sản của bà con khu vực này, huyện định hướng sẽ kêu gọi vốn từ 3 nguồn là nhà máy, Nhà nước và người dân để làm đường. Trước mắt, UBND huyện đã có kế hoạch sẽ tiến hành làm 1 km đường bê tông vào khu Núi Đá Lửa vào giữa năm 2017”.
Hy vọng tuyến đường sẽ sớm được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh để vùng đất đầy tiềm năng kinh tế như khu núi Đá Lửa có điều kiện thuận lợi hơn để “thay da đổi thịt”. Điều đó không chỉ thỏa lòng ước mong bấy lâu của người dân địa phương mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của xã Cư An nói riêng, huyện Đak Pơ nói chung ngày càng phát triển.
Hồng Thi