Cần giải pháp khắc phục sạt lở bờ sông Ba

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tại huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai), hàng trăm héc ta đất sản xuất của người dân ở ven sông Ba đã bị dòng nước cuốn trôi. Thực trạng đó đòi hỏi các ngành, địa phương cần có giải pháp khắc phục nhằm bảo vệ tài sản của người dân.
Đất sập từng ngày
Sông Ba chảy qua 12 xã, thị trấn của huyện Krông Pa với tổng chiều dài 45 km. Không chỉ cung cấp nguồn thủy sản phong phú, sông Ba còn phục vụ nước tưới cho hàng ngàn héc ta hoa màu. Tuy nhiên, trước tác động của biến đổi khí hậu cùng hệ lụy từ khai thác tài nguyên rừng, khoáng sản đã khiến dòng chảy sông Ba thay đổi, bờ sông liên tục sạt lở trong những năm qua khiến nhiều diện tích đất sản xuất của người dân bị nước cuốn trôi. Các xã bị ảnh hưởng nặng nề là Chư Rcăm, Ia Rsươm, Ia Rsai, Chư Gu… 
Sông Ba đã xâm lấn gần hết đất sản xuất của gia đình ông Rơ Lah Kem (buôn H’Lang, xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa). Ảnh: Nguyễn Quang
Sông Ba đã xâm lấn gần hết đất sản xuất của gia đình ông Rơ Lah Kem (buôn H’Lang, xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa). Ảnh: Nguyễn Quang
Theo ông Rơ Lah Kem (buôn H’Lang, xã Chư Rcăm), trước đây, lòng sông Ba chỉ rộng hơn chục mét. Nhưng hiện nay, do bờ sông sạt lở, lòng sông rộng gần 100 m. “Vào mùa mưa, nước chảy xiết, hai bên bờ sông bị sạt lở, lòng sông rộng ra thêm vài mét. Cứ như vậy, sau vài năm, hàng trăm héc ta đất sản xuất của người dân dọc hai bên bờ sông bị nước cuốn trôi. Nhà mình có 1,8 ha đất trồng mì do ông bà để lại. Do bị dòng sông xâm lấn, giờ chỉ còn hơn 2 sào. Đất sản xuất không còn, nguồn thu nhập chính bị giảm sút khiến cuộc sống của gia đình gặp nhiều khó khăn. Mình mong chính quyền hỗ trợ đất sản xuất hoặc con giống để phát triển chăn nuôi, ổn định cuộc sống”-ông Kem nói.
Rẫy mì khoảng 2 ha của gia đình ông Rơ Châm Bia cách đó không xa cũng đã bị “sông hóa” toàn bộ. Ông Bia buồn bã cho biết: “Mỗi khi vào mùa mưa bão là gia đình mình lại nơm nớp lo sợ đất sản xuất bị nước cuốn trôi. Mình có 2 đám rẫy diện tích khoảng 2,9 ha nằm ven sông Ba nhưng hiện chỉ còn rẫy mì khoảng 9 sào cách đây khoảng 1 km là chưa bị biến thành sông. Mong chính quyền các cấp có giải pháp để khắc phục tình trạng sạt lở hoặc có phương án hỗ trợ đất sản xuất cho gia đình cũng như người dân trong làng”.
Loay hoay tìm hướng khắc phục
Theo ông Hà Văn Đường-Chủ tịch UBND xã Chư Rcăm, sông Ba đoạn qua địa bàn xã có chiều dài khoảng 4,5 km. Từ nhiều năm nay, cứ đến mùa mưa, tình trạng sạt lở bờ sông Ba càng thêm nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến sản xuất cũng như đời sống của người dân. Theo thống kê, đến nay, khoảng 100 ha đất sản xuất của người dân dọc bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng. Có hộ mất trắng đất sản xuất, trở thành hộ nghèo. Xã kiến nghị cấp trên hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số có đất bị sông Ba xâm lấn, cuốn trôi. Hiện tình trạng sạt lở chưa có giải pháp ngăn chặn hữu hiệu.
Xã Chư Rcăm là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng của tình trạng sạt lở bờ sông Ba. Ảnh: Nguyễn Quang
Xã Chư Rcăm là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng của tình trạng sạt lở bờ sông Ba. Ảnh: Nguyễn Quang
Ngày 25-5-2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1051/KH-UBND về triển khai thực hiện Đề án phòng-chống sạt lở bờ sông, bờ suối đến năm 2030. Theo đó, trong giai đoạn 2021-2030, từ nguồn ngân sách trung ương, tỉnh sẽ đầu tư hơn 2.100 tỷ đồng để triển khai xây dựng 16 dự án kè chống sạt lở tại các khu vực đặc biệt nguy hiểm cần xử lý cấp bách.
Ông Võ Ngọc Châu-Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa-cho biết: Qua rà soát, trên lưu vực sông Ba đoạn qua huyện Krông Pa hiện có 13 vị trí sạt lở với tổng chiều dài hơn 22 km, chiều sâu khu vực sạt lở từ 10 m đến 15 m. Hiện huyện chưa thống kê hết diện tích đất nông nghiệp bị thiệt hại, bởi cứ mùa mưa đến là diện tích đất bị sạt lở lại tăng thêm. Để hạn chế nguy cơ ảnh hưởng tính mạng, tài sản của dân, huyện đã có tờ trình gửi UBND tỉnh đề nghị di dời tái định cư cho người dân vùng sạt lở. Cụ thể, đầu năm 2021, từ nguồn vốn dự phòng ngân sách trung ương và địa phương hơn 19 tỷ đồng, huyện đã triển khai Dự án sắp xếp, ổn định dân cư buôn H’Lang. Hiện 102 hộ dân của buôn H’Lang đã di dời về nơi ở mới, cách nơi ở cũ hơn 1 km. Đồng thời, huyện cũng đã đầu tư 8,8 tỷ đồng để làm bờ kè chống sạt lở mố cầu Lệ Bắc. Ngoài ra, điểm sạt lở tại mố cầu treo Ia Rsai (xã Ia Rsai) cũng đã được tỉnh đồng ý cấp 3 tỷ đồng để khắc phục.
“Để khắc phục tình trạng này, Phòng đã tham mưu UBND huyện đề xuất nhiều phương án xây dựng bờ kè chống sạt lở dọc sông Ba. Tuy nhiên, kinh phí đầu tư quá lớn, trong khi nguồn lực của địa phương còn hạn hẹp, chưa đáp ứng được nên huyện mới chỉ triển khai làm những vị trí xung yếu. Trước mắt, huyện khuyến cáo người dân có đất canh tác dọc hai bên bờ sông nên trồng những cây ngắn ngày để hạn chế thiệt hại. Đồng thời, tập trung nguồn lực di dời những hộ dân sống tại khu vực thường xuyên xảy ra ngập lụt, sạt lở đến nơi ở mới an toàn”-ông Châu cho hay.
NGUYỄN QUANG

Có thể bạn quan tâm

Gia đình bà Nguyễn Thị Kim Hương (tổ 2, phường Ngô Mây) tự nguyện tháo dỡ hàng rào, hiến đất để mở rộng đường. Ảnh: M.N

An Khê huy động nguồn lực hoàn thiện hạ tầng giao thông

(GLO)- Những năm qua, thị xã An Khê đã tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông từ nội thị đến nông thôn. Nhờ đó, mạng lưới giao thông được kết nối, đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa, đi lại của người dân và giúp địa phương hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Bộ Xây dựng đề xuất phát hành trái phiếu 100.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi nhà ở xã hội. Ảnh nguồn doanhnghieptiepthi.vn

Đề xuất phát hành 100.000 tỷ đồng trái phiếu cho vay mua nhà ở xã hội

(GLO)- Bộ Xây dựng đang xin ý kiến các bộ, ngành về dự thảo Nghị quyết về nguồn vốn ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội quy mô khoảng 100.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu Chính phủ. Đây là lần đầu tiên Bộ Xây dựng đề xuất áp dụng gói nhà ở xã hội bằng phát hành trái phiếu.

Dịch vụ lái xe hộ: An toàn, thiết thực

Dịch vụ lái xe hộ: An toàn, thiết thực

(GLO)- Với phương châm “Bạn uống, tôi lái”, dịch vụ lái xe hộ chuyên nghiệp là giải pháp được nhiều khách hàng lựa chọn sau khi đã sử dụng rượu bia hoặc có nhu cầu đi công tác, du lịch xa để bảo đảm cả người và phương tiện đều an toàn.

Thí điểm cho các loại đất được làm nhà ở thương mại là rất cần thiết

Thí điểm cho các loại đất được làm nhà ở thương mại là rất cần thiết

Ngày 23.11 Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã có văn bản hỏa tốc gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội Thủ tướng Chính phủ Bộ Tài nguyên và Môi trường góp ý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất