Gia Lai: Tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 4

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ủy ban nhân dân tỉnh ngày  27-9 có Công điện gửi các sở, ban, ngành thuộc tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 4 trên địa bàn tỉnh.

Theo nhận định của Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực Tây Nguyên, do ảnh hưởng của bão số 4 khu vực Tây Nguyên sẽ có một đợt mưa to đến rất to kéo dài từ ngày 27 đến 29-9, thời gian mưa tập trung từ đêm 27 ngày 28 đến hết 29-9; khu vực mưa rất to tập trung tại các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, một phần phía Đông, Đông Bắc tỉnh Đắk Lắk. 
Tại tỉnh Gia Lai, khu vực phía Bắc lượng mưa phổ biến từ 150-250 mm, có nơi trên 350mm; khu vực phía Nam 80-150 mm, có nơi trên 250 mm. Từ ngày 27 đến 30- 9, trên sông Ba có khả năng xuất hiện một đợt lũ, đỉnh lũ ở mức báo động 2 đến báo động 3. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất, sụt lún đất trên sườn dốc và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp ven sông ở các khu dân cư dọc theo sông Ba. Các xã, phường: Ia Broăi, Ia Trook, Ia Tul, Kim Tân, Chư Mố, Chư Răng, Pơ Tó, Ia Ma Rơn (huyện Ia Pa); Ia Sao, Đoàn Kết, Hòa Bình, Sông Bờ (thị xã Ayun Pa); Chư Gu, Chư Đrăng (huyện Krông Pa);… có khả năng xảy ra ngập lụt.
Cây xanh bị gãy đổ trên đường Tăng Bạt Hổ (TP. Pleiku). Ảnh: Nguyễn Tú
Cây xanh bị gãy đổ trên đường Tăng Bạt Hổ (TP. Pleiku). Ảnh: Nguyễn Tú

Để chủ động ứng phó, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do bão số 4, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản của nhân dân và Nhà nước; UBND tỉnh yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng-chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh; Ban Chỉ huy Phòng-chống thiên tai các huyện, thị xã, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện nghiêm Công điện số 865/CĐ-TTg ngày 27-9 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 857-CV/TU ngày 24-9 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. 

Trong đó, tập trung triển khai thực hiện ngay các nội dung sau: Các đồng chí là thành viên Ban Chỉ huy Phòng-chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh ngay lập tức xuống địa bàn được phân công phụ trách để trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc kiểm tra công tác ứng phó tại cơ sở cho đến khi cơ bản khắc phục được hậu quả cơn bão số 4; thường xuyên nắm bắt tình hình, kịp thời thông tin, phản ánh nhanh về Thường trực Ban Chỉ huy Phòng-chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Thường trực Tỉnh ủy; trường hợp phát sinh vấn đề cấp bách, trực tiếp báo cáo xin ý kiến của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh để xem xét, chỉ đạo.
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương phân công thành viên UBND cấp huyện xuống từng địa bàn trọng điểm ứng trực để chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác ứng phó tại cơ sở.
Ảnh chụp vệ tinh cơn bão lúc 4 giờ sáng 28-9. Nguồn: NCHMF
Ảnh chụp vệ tinh cơn bão lúc 4 giờ sáng 28-9. Nguồn: NCHMF

Tập trung rà soát, cương quyết sơ tán triệt để tất cả người dân ở khu vực nguy hiểm, nhất là trong các nhà yếu không bảo đảm an toàn, nơi có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu trước khi bão đổ bộ vào (tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sơ tán, trường hợp cần thiết phải tổ chức cưỡng chế sơ tán để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân); chủ động bố trí lực lượng bảo đảm an ninh an toàn, bảo vệ tài sản cho người dân; bảo đảm lương thực, nước uống, an toàn phòng chống dịch cho người dân tại nơi sơ tán đến.

Huy động lực lượng hỗ trợ người dân thu hoạch lúa, hoa màu, thủy sản đến kỳ thu hoạch; chằng chống nhà cửa, trụ sở, kho tàng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ,... để hạn chế thiệt hại khi bão, lũ. Kiểm soát việc đi lại, tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông; hạn chế người dân ra đường trong thời gian bão đổ bộ vào bờ để bảo đảm an toàn.
Tổ chức dự trữ lương thực, thực phẩm tại những khu vực có nguy cơ bị ngập lụt, sạt lở chia cắt khi mưa lũ. Bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng cứu hộ cứu nạn khi có tình huống, nhất là cứu hộ cứu nạn trên sông và những nơi bị chia cắt. Tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, bão; kịp thời báo cáo công tác triển khai ứng phó và tình hình thiệt hại do ảnh hưởng của mưa bão về Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh và tổng hợp, báo cáo tình hình trước 6 giờ và 15 giờ hàng ngày để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

LỆ HẰNG

 

Có thể bạn quan tâm

Miền Bắc rét đến bao giờ?

Miền Bắc rét đến bao giờ?

Hôm nay (2/3) là ngày cuối trong đợt rét đậm nhiều ngày qua ở các tỉnh miền Bắc. Dự báo từ mai (3/3) nền nhiệt tăng lên. Từ 4-5/3, miền Bắc tăng nhiệt mạnh, riêng khu vực Tây Bắc Bộ có khả năng xuất hiện nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất 34-36 độ.
Nam bộ nắng nóng bất thường

Nam bộ nắng nóng bất thường

Trong những ngày Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Nam bộ trải qua đợt nắng nóng gay gắt làm ảnh hưởng đến hoạt động đón năm mới của nhiều người dân. Nhiều khả năng những kỷ lục mới về nhiệt độ sẽ tiếp tục xuất hiện trong các đợt cao điểm nắng nóng sắp tới.