Cảm thức cà phê Phố núi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- 1. Sớm nay, phố trở mình heo may. Mùa cũng vừa chạm ngõ qua vệt nắng loang loáng trong xao xuyến sắc dã quỳ. Chúng tôi ngồi lại cùng nhau nơi quán quen thưởng thức ly cà phê buổi sớm, cùng nghe nhịp phố trong những bình yên.

Tôi không nghiện cà phê, cũng không sành về cà phê. Đã từng có lần, tôi không phân biệt được từng loại cà phê, chỉ là, tôi thích uống cà phê và cảm nhận nó, thưởng thức nó trong những trạng huống xúc cảm khác nhau. Mỗi người có một sở thích thưởng thức cà phê, cho nên dùng loại cà phê nào, ngồi ở quán nào lại tùy theo từng người. Có người chọn cho mình loại cà phê pha phin, người muốn ép máy nguyên chất màu cánh gián thơm nồng có hậu vị ngọt bùi lưu nơi đầu lưỡi. Có một liên tưởng theo tôi khá là tương cận khi ví cà phê như cách con người trải qua cuộc sống: không thể thiếu cái đắng của thất bại, vị chua chua của những khó khăn, gian nan và khi đã vượt qua hết thảy thì cái còn lại chính là hậu vị ngọt ngào.

Thưởng thức một ly cà phê phố núi trong buổi sáng giao mùa. Ảnh Mai Ka
Thưởng thức một ly cà phê Phố núi trong buổi sáng giao mùa. Ảnh Mai Ka


Sau nhiều lần quan sát, tôi nhận thấy, cùng một chiếc máy ép cà phê, cùng một loại cà phê, một thời điểm, nhưng tâm thế người pha lại hoàn toàn khác nhau. Người đam mê với cà phê sẽ cho ra một ly cà phê đậm đà, người đang vui sẽ mang đến một ly hân hoan, người từ tốn sẽ mang đến ly cà phê dịu ngọt, người thảnh thơi cho ta một ly cà phê thơm phức, người đang yêu cho ta một ly cà phê hạnh phúc… Bởi vậy, giữa người bán-người mua, người pha-người uống, cà phê tưởng xa mà hóa gần, hóa ra qua lại cộng sinh với nhau đến thế.

Cùng một thương hiệu, cùng một người pha nhưng cảm giác đầu tiên của người chưa uống cà phê hay đã uống quen rồi mà lỡ sáng ấy chưa kịp một ngụm cũng giống nhau nhé. “Xưa nếu uống cà phê vào là tôi cứ như người mất hồn, nay tôi lại cứ như người mất hồn nếu chưa uống cà phê”-nhà phê bình văn học Hoàng Đăng Khoa đã viết như thế trong bài “Cũng tại cà phê”. Trích dẫn như vậy để thấy một thú vị khi thức uống này đã kích thích các neuron thần kinh nhạy cảm và dẫu chưa hay đã từng, mới uống hay đã đam mê, thì cà phê giúp ta sáng suốt nhìn nhận, giúp ta làm phép thử nhận thức về các neuron của con người một cách chuẩn xác nhất.

2. Bên ly cà phê, tôi nhận ra thời gian trôi đi rất nhẹ. Người ta ngược xuôi đâu đó, chứ mình mắc chi giống họ. Người dù bận rộn với công việc nhưng đã trót mê đắm thức uống này rồi thì sớm mai nào cũng phải dành ra mươi phút cho nó. Người thảnh thơi thì uống muộn hơn, nhưng cũng trong một khung giờ nhất định, chỗ ngồi cố định, mười ngày như một. Cũng có người không hẳn là thích cà phê, nhiều khi không uống được thức uống đặc trưng của vùng đất bazan này nhưng vẫn tìm đến quán để được đắm mình vào phố trong mỗi sớm mai. Dẫu không gian mới hay cũ, xa hay gần, đến rồi đi, quên hay nhớ... thì cái gần gụi cũng từ đó mà tự thân gắn kết. Tôi nhớ mùa hè của tuổi trẻ, bên ly cà phê mình đã đọc cuốn “Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối” của Patrick Modiano một cách say mê như thế nào. Tôi như bay trong những quán cà phê đến từ Palmiers, Le Bouquet, La Pergola, Le Conde… Tôi thấy thời gian trôi qua rất khẽ, rất nhẹ với quán cà phê có những vị khách kỳ lạ nhất, là sợi dây gắn kết cuộc đời những con người tưởng như xa xôi ấy. Mỗi cuộc đời, mỗi số phận sống cùng tôi trong lối văn chương ảo diệu, ở quán cà phê của tuổi trẻ đã qua.

 Trong buổi sang mùa, ly cà phê cùng tình thân cứ thế đầy theo năm tháng. Cà phê thì không thể làm trì hoãn hay gác lại mọi việc khi người ta vì nhau mà đến, hẹn nhau mà gặp, xa mấy cũng gần, gắng mà chạy xe mấy vòng đường, qua vài con dốc, ngang qua cũng mười mấy quán cà phê khác chỉ để cùng nhau một điểm dừng cũ, để bên nhau trong thương mến tình thân. Có khi hôm ấy bạn cùng mình nỗi niềm, không gian cũng chừng im ắng, mỗi người mỗi việc, theo đuổi những mối bận tâm riêng. Ly cà phê là cái cớ để gặp nhau, kể cho nhau nghe những nắng mưa cuộc đời. Rồi cứ thế cùng nhau ngắm phố hay an nhiên tự tại với chính mình.

3. Pleiku của tôi cũng là nơi như thế, nơi luôn có những quán cà phê nhẹ nhàng như hơi thở, nơi chỉ vài chiếc ghế bên bộ bàn ghế kê vội vỉa hè xanh mát cỏ cây, thông xanh đất đỏ, đồi cao núi xa… nơi cất giữ niềm vui và là trạm ký gửi những nỗi buồn cho cuộc đời.

Với tôi, mỗi ly cà phê như một câu chuyện biết kể kỷ niệm. Đấy cũng có thể là câu chuyện kể về cuộc đời tôi và bạn, có khi khác lại nhắc nhớ về mỗi mùa thành phố ngang qua. Bên ly cà phê, tôi như hiền dịu với cả những niềm đau, quên hẳn những buốt giá, nhọc nhằn. Cuộc sống đôi khi học cách quên và uống tan nỗi buồn cũng đơn giản từ những cảm xúc trong veo đó chớ đâu.

 

NGUYỄN THỊ DIỄM
 

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

(GLO)- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành Quyết định số 61/2004/QĐ-UBND quy định mức tỷ lệ phần trăm (%) để tính đơn giá thuê đất, mức đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, mức đơn giá thuê đất đối với đất có mặt nước trên địa bàn tỉnh.

Những mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân Ia Rtô

Những mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân Ia Rtô

(GLO)- Hưởng ứng cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, xã Ia Rtô (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã triển khai một số mô hình hay nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức, tự lực vươn lên phát triển kinh tế.

Ia Ka đa dạng giải pháp hỗ trợ giảm nghèo

Ia Ka đa dạng giải pháp hỗ trợ giảm nghèo

(GLO)- Những năm qua, xã Ia Ka (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo.

Kông Chro mùa gió

Kông Chro mùa gió

(GLO)- Những dãy núi cứ thế hiện ra huyền ảo trong sương sớm. Mặt trời mùa gió thắm nhẹ vén màn mưa để trải ánh vàng xuống miền đất của người Bahnar phía rừng già. Và tôi đã có những ngày mê đắm nơi vùng đất Kông Chro.

Các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã có thể gửi ý kiến về các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất thông qua hệ thống Google form. Ảnh: Hà Duy

Gia Lai: Tiếp nhận kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp qua Google form

(GLO)- Sở Kế hoạch và Đầu tư vừa có Công văn số 3260/SKHĐT-DN đề nghị các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã và các Hội nghề nghiệp triển khai tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của các nhà đầu tư, doanh nghiệp qua hệ thống Google form.

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

(GLO)- Sáng 6-11, tại TP. Pleiku, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo khoa học di tích lịch sử “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947, xã Kông Bơ La, huyện Kbang” nhằm hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền đề nghị xếp hạng di tích quốc gia.