(GLO)- Dòng sông Sê San huyền thoại trải dài từ thượng nguồn tỉnh Kon Tum xuống hạ lưu giáp biên giới Việt Nam-Campuchia (thuộc địa phận tỉnh Gia Lai của Việt Nam và tỉnh Ratanakiri-nước bạn Campuchia). Sê San không chỉ là “dòng sông điện” mà còn có vô số các loại thủy sản đặc hữu, trong đó có rất nhiều loại cá quý hiếm, thơm ngon nức tiếng như cá anh vũ, cá sọc dưa, cá lăng, cá chiêng, cá mõm lợn... Được sinh sống trong môi trường tự nhiên trong lành của đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ nên các loại cá trên sông Sê San là loại thực phẩm sạch, an toàn và rất bổ dưỡng.
Ảnh: Hoàng Cư |
Cá sọc dưa có tên khoa học là Probarbus Jullieni. Loại cá này có rất nhiều vảy cứng, gần giống như vảy cá chép. Điểm khác biệt dễ nhận thấy là cá sọc dưa có 5-7 chiếc sọc màu nâu sẫm nằm dọc theo 2 bên thân từ đầu đến đuôi. Chúng có thể sống tới 50 năm, dài gần 2 mét, cân nặng tới 70 kg. Chúng thường sinh sống ở những con sông lớn như: Mê Kông, Sêrêpok, Sê San...
Môi trường sống lý tưởng nhất của cá sọc dưa là những lưu vực sông nước chảy xiết, có nhiều thác ghềnh... Vào đầu mùa mưa hàng năm, chúng thường ra khỏi nơi trú ẩn, di cư ngược dòng lên thượng nguồn tìm kiếm thức ăn. Hiểu biết được tập tính này, người dân sinh sống ở 2 bên bờ sông Sê San đã đi săn bắt cá sọc dưa bằng nhiều cách. Già làng Rơ Châm Íp (làng Bloi, thị trấn Ia Ly, huyện Chư Pah) cho biết: “Trước năm 1965, cá sọc dưa bơi từng đàn trên sông Sê San. Thời đó, dân làng và bộ đội dùng những cây lao đâm cá sọc dưa lên làm thịt ăn thoải mái. Bây giờ, các nhà máy thủy điện ngăn sông và nhiều người đánh bắt nên thỉnh thoảng mới gặp loại cá quý này”.
Hiện nay, chợ Ia Ly (huyện Chư Pah), chợ làng Lân (xã Ia O, huyện Ia Grai), các nhà hàng đặc sản ở Pleiku... thường hay bày bán đặc sản cá sọc dưa. “Các món ăn chế biến từ cá sọc dưa luôn được khách hàng lựa chọn. Vào ngày Tết, quán “cháy hàng” cá sọc dưa. Biết vậy, năm nay, chúng tôi sẽ lưu trữ nguyện liệu cá sọc dưa trong tủ lạnh để bán cho thực khách”-chị Bùi Thị Sang Đông-chủ quán Lộc Vừng (TP. Pleiku) cho biết.
Hoàng Cư