Cá Đá sông Ba

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Với chiều dài 388 km, sông Ba bắt nguồn từ sườn núi Kon Plông (Kon Tum) và Kông Ka King hùng vĩ, chảy qua các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên đến cửa sông Đà Giang rồi hòa mình vào biển Đông. Nó không chỉ nổi tiếng vì cảnh đẹp, về tiềm năng thủy điện to lớn mà còn nổi tiếng với “đặc sản bình dân” cá Đá sông Ba…
Những ngày cuối năm, khi tiết trời trở lạnh, chúng tôi có dịp cùng lão ngư Nguyễn Văn Thành (phường Tân An, thị xã An Khê, Gia Lai) xuôi dọc sông Ba buông lưới để đánh bắt và tìm hiểu về cá Đá. Hơn 30 năm với nghề chài lưới nên ông hiểu rất rõ về đặc tính của loài cá có giá trị kinh tế trên dòng sông này. Ông vẫn gọi cá đá là “đặc sản bình dân” được ưa chuộng nhất tại các địa phương có sông Ba chảy qua.
Ảnh: Lê Anh
Ảnh: Lê Anh
Sở dĩ hơn 10 năm trở lại đây cá đá “lên ngôi” một phần cũng do những loài cá quý như cá duồng, cá chình mun, cá chình hoa, cá chình nhọn, cá mòi, cá roái… đã bắt đầu đi vào “dĩ vãng” vì chúng trở nên rất hiếm gặp.
Tay buông lưới nhưng ông Thành vẫn không quên chỉ cho chúng tôi về tập quán sinh sống và cách đánh bắt loài cá này. Cá Đá là loài sống theo bầy đàn, chủ yếu tập trung những nơi có thác ghềnh, nước chảy xiết và có độ sâu từ 3 mét đến 4 mét để ăn rong rêu trên đá. Con lớn nhất cũng chỉ bằng ngón tay cái, có màu xanh đen của rong rêu.
Để đánh bắt cá Đá, ngư dân phải sắm những tay lưới có mắt lưới rất nhỏ (ông vẫn gọi là lưới cá trắng) được làm từ những sợi cước mảnh mai, khi buông lưới cần chú ý không nên buông thẳng vào dòng nước, mà chỉ vây quanh những nơi có lèn đá vì đó là nơi kiếm ăn của cá.
Nhưng để đánh bắt được nhiều nhất là vào mùa nước lớn, lúc đó cá Đá sẽ bước vào mùa sinh sản nên tìm vào hai bên bờ sông và bờ ruộng để đẻ trứng. Khi đó ngư dân chỉ cần dùng vợt, đơm, đó là có thể bắt, có khi lên đến hơn 10 kg/lần… Nói đến đây, giọng ông trở nên trầm xuống: “Đó là những cách đánh bắt mà hơn 10 năm về trước mới làm được, vì cá đá còn nhiều. Còn bây giờ do bị đánh bắt quá mức, nhất là bằng xung điện cùng với sự thay đổi của dòng chảy và ô nhiễm nguồn nước nên cá đá không còn bao nhiêu cả, nên chỉ cần mỗi lần đánh bắt được 1 kg đến 2 kg là có thể đem đến các nhà hàng tiêu thụ. Hiện nay, giá của loài cá này từ 140.000 đồng/kg đến 160.000 đồng/kg nên bị đánh bắt ngày càng nhiều hơn…”.
Ảnh: Lê Anh
Ảnh: Lê Anh
Do sống ở những nơi nước chảy, nên thịt của cá Đá rắn chắc, có vị thơm, béo. Nhưng tuyệt nhất là trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 10 âm lịch đây là mùa sinh sản của cá nên chúng mang trong mình rất nhiều trứng và xương cá cũng trở nên mềm-vị béo của cá cũng tăng lên. Với những người sành ăn, khi chế biến chỉ cần rửa sạch cá, để nguyên ruột, vì loài cá này chỉ ăn rong rêu nên ruột có vị đắng thanh, góp phần cho hương vị của cá trở nên độc đáo hơn.
Cá đá có thể chế biến bằng nhiều cách, như ướp cá với muối ớt sau đó nướng trên than hồng và chấm với nước mắm gừng, hoặc chiên giòn… nhưng ngon nhất vẫn là cá Đá kho tộ trong niêu đất ăn với cơm nóng. Vì khi đó, hương vị cá Đá mang đủ vị mặn của nước mắm đồng (nước mắm làm từ cá đồng), vị ngọt của đường, vị cay của tiêu và chút ngậy của mỡ heo cùng với mùi thơm và vị béo của thịt cá tạo cho người ăn có cảm giác ngon miệng.
Những ai đã từng đặt chân đến các địa phương nơi có sông Ba chảy qua, thì không thể nào bỏ qua “đặc sản bình dân” cá Đá sông Ba.
Lê Anh

Có thể bạn quan tâm

Bên dòng Đăk Bla

Bên dòng Đăk Bla

Sông Đăk Bla thường được gọi với tên gọi “Dòng sông chảy ngược” cùng những truyền thuyết, thần thoại. Thế nhưng, không chỉ có sự độc đáo và bí ẩn đầy hấp dẫn, Đăk Bla còn là dòng sông mang lại sự trù phú, ấm no với những bãi bồi xanh mướt cây trồng và tiềm năng kinh tế du lịch đang được “đánh thức”.

Bắt chồng giữa đại ngàn

Bắt chồng giữa đại ngàn

Nằm nép mình dưới chân núi Voi hùng vĩ, thôn Đarahoa hiện có hơn 340 hộ dân sinh sống, trong đó 80% là đồng bào dân tộc K’Ho. Không chỉ nổi bật bởi khung cảnh đại ngàn thơ mộng, Đarahoa còn gìn giữ một trong những phong tục đặc sắc bậc nhất của người K’Ho, tục "bắt chồng".

Kết nối rừng và biển

Kết nối rừng và biển

Cùng với việc sáp nhập tỉnh, câu chuyện giao thông kết nối biển - rừng giữa các tỉnh Nam Tây nguyên với khu vực Duyên hải Nam Trung bộ cũng rất được người dân quan tâm, với mong mỏi có thể sớm "sáng uống cà phê ở rừng chiều tắm biển".

Hỏi cây K'nia

Hỏi cây K'nia

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Quang Tuệ, người có vốn hiểu biết đáng nể về Tây Nguyên, vừa gặp tôi và than: "Em đang tìm làm một vệt clip về cây K'nia mà giờ khó tìm quá, hầu như đã hết".

null