Bước tạo đà của ngành du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm 2017 đánh dấu một năm thành công của du lịch Gia Lai với những kết quả nổi bật. Nhiều điểm đến đã trở thành “hiện tượng” khi lượng khách tham quan tăng đột biến.

“Ghi điểm” từ lễ hội hoa  
    
Năm 2017, toàn tỉnh đón trên 500 ngàn lượt khách (tăng 22% so với năm 2016), trong đó khách trong nước và quốc tế đều tăng. Tổng doanh thu từ du lịch đạt 245 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước, nộp ngân sách gần 23 tỷ đồng. Ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, cho biết: “Du lịch Gia Lai có bước khởi sắc là nhờ vào nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo tỉnh dành cho ngành du lịch. Bên cạnh đó, chúng tôi đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 116/QĐ-UBND về phát triển du lịch tỉnh giai đoạn 2017-2020, tham mưu Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch hành động số 43-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn… Trên cơ sở đó, ngành du lịch tiến hành xây dựng chương trình hành động cụ thể, triển khai thực hiện các quy hoạch, đề án về du lịch”.

 

Ảnh: Đ.T
Ảnh: Đ.T

Theo đó, trong năm 2017, ngành du lịch đã tổ chức nhiều hoạt động thu hút sự quan tâm của người dân và du khách như: công bố các sự kiện du lịch 2017 và 10 điểm đến hấp dẫn nhất tỉnh do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) bình chọn; bình chọn và công bố điểm du lịch nổi bật của địa phương như: Công viên Đồng Xanh, Khu Di tích sinh thái Hoàng Vân, Nhà máy Thủy điện Ia Ly.

Đặc biệt, lần đầu tiên những lễ hội như “Tuần lễ cỏ hồng Đak Đoa 2017”, “Lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya 2017” được tổ chức đã trở thành sự kiện thu hút lượng khách du lịch tăng đột biến. Đã rất lâu, du lịch Gia Lai mới chứng kiến không khí sôi động đến như vậy. Hoạt động này cũng trở thành kênh quảng bá hiệu quả, đánh dấu xu hướng du lịch mới của người dân. Ngoài ra, một địa phương cũng đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách như: huyện Kbang tổ chức “Ngày hội văn hóa cồng chiêng 2017” và một số hoạt động văn hóa của đồng bào Bahnar tại Làng kháng chiến Stơr; thị xã An Khê tổ chức “Lễ hội hát Cầu Huê”...

Du lịch có bước khởi sắc đáng kể trong năm 2017, theo ông Nguyễn Đức Hoàng còn phải kể đến hoạt động liên kết, kết nối với các doanh nghiệp lữ hành ở các thành phố lớn lẫn doanh nghiệp trong tỉnh theo hướng chuyên nghiệp hơn. Ngành du lịch đã phối hợp tổ chức các đoàn famtrip (hình thức du lịch tìm hiểu, làm quen, tiếp thị), khảo sát du lịch dành cho các điểm đến mới nổi như núi lửa Chư Đăng Ya, đồng cỏ hồng Glar, di chỉ khảo cổ học An Khê, các thác nước mới phát hiện… Từ đó, các đơn vị lữ hành đã hình thành thêm những tour, tuyến mới phục vụ du lịch.

Thay đổi hướng tiếp cận

Nhìn lại một năm thành công của ngành du lịch tỉnh, không khó để nhận ra sức hút từ những lễ hội văn hóa-du lịch gắn với các điểm đến mới nổi. Điều này cho thấy xu hướng du lịch của người dân có sự thay đổi rõ rệt, đó là hình thức du lịch quay về với thiên nhiên, khám phá hoa cỏ, những điểm đến mang vẻ đẹp tự nhiên và chưa có sự tác động của bàn tay con người. Với mục tiêu đạt 600 ngàn lượt khách du lịch, doanh thu 300 tỷ đồng trong năm 2018, ngành du lịch xác định cần có chiến lược quảng bá, thay đổi hướng tiếp cận du khách, đầu tư hợp lý để du lịch có thể “cất cánh” trong năm mới. “Năm 2018, chúng tôi sẽ triển khai đề án “Nghiên cứu thị trường khách du lịch” theo hướng tiếp cận gần hơn với thị hiếu du lịch của người dân. Từ đó, xây dựng kế hoạch quảng bá, thu hút mạnh mẽ, rộng rãi hơn”-ông Nguyễn Đức Hoàng khẳng định.

Ngành du lịch cũng đặt ra tiêu chí bảo tồn, tôn trọng tự nhiên, tránh để các điểm du lịch sinh thái đang thu hút khách du lịch hiện nay bị tác động quá nhiều bởi bàn tay con người, gây “mất lòng” du khách. Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho biết thêm, ngành du lịch đã đề xuất với tỉnh và các địa phương khi xây dựng công trình ở các điểm du lịch như: Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, núi lửa Chư Đăng Ya, đồng cỏ hồng Glar… phải phù hợp với không gian và cảnh quan tự nhiên. “Phải giữ nguyên được sự hoang sơ của tự nhiên thì điểm đến mới có sức hút và phục vụ cho mục tiêu phát triển du lịch bền vững”-ông Hoàng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ngành du lịch cũng có chiến lược quảng bá dài hơi khi chủ động kết nối, gửi văn bản đến các địa phương về kế hoạch hoạt động cụ thể trong năm 2018, từ đó các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh sẽ có kế hoạch kết nối, đưa khách đến. Ngoài ra, ngành sẽ tăng cường quảng bá trên mạng xã hội để phù hợp với hướng tiếp cận thông tin mới của người dân.

Nếu như năm 2017 đánh dấu rất nhiều chuyến khảo sát du lịch và ít nhiều thành công khi đã có một số tour, tuyến mới được hình thành; phát hiện thêm những điểm du lịch mới hấp dẫn như thác Mơ (huyện Ia Grai)... thì trong năm 2018 công tác này tiếp tục được ngành du lịch đặc biệt quan tâm. Song song với hoạt động này, ngành sẽ tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực ở các địa phương nơi có các điểm du lịch thu hút khách. “Nếu các địa phương đồng hành, đồng lòng, quyết tâm làm, du lịch Gia Lai chắc chắn sẽ có bước khởi sắc hơn”-ông Nguyễn Đức Hoàng kỳ vọng.

Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

(GLO)- Chiều 9-12, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Lịch-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh đã có cuộc khảo thực tế tại huyện Ia Grai để đánh giá tiềm năng phát triển du lịch nâng cấp Lễ hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên cấp tỉnh.

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Ban tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk và Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 cho biết, Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP năm 2025 sẽ được tổ chức với quy mô lớn, với nhiều hoạt động hấp dẫn.