Làm quen với áp lực thi
Ngày 24 và 25-5 vừa qua, hơn 14.400 học sinh lớp 12 của 50 trường THPT, Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh, 8 trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên cấp huyện và gần 300 thí sinh tự do trên toàn tỉnh đã tham gia đợt thi thử tốt nghiệp THPT năm 2024 do Sở GD-ĐT tổ chức.
Thí sinh làm bài theo đề thi chung của Sở GD-ĐT với nội dung và cấu trúc bám sát đề thi tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 mà Bộ GD-ĐT đã công bố.
Thông qua kết quả thi thử và xét thử tốt nghiệp, các trường, đơn vị sẽ tiếp tục phân loại, tăng cường ôn thi nước rút cho những học sinh, học viên có nguy cơ rớt tốt nghiệp THPT. Ảnh: M.T |
Ở hệ THPT, thí sinh làm 4 bài thi gồm: Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh và 1 trong 2 tổ hợp Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).
Thí sinh hệ giáo dục thường xuyên làm 3 bài thi: Ngữ văn, Toán và 1 tổ hợp tự chọn; riêng môn Tiếng Anh, thí sinh có thể đăng ký thi thử hoặc không thi tùy nhu cầu. Trong đó, môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận; các môn còn lại theo hình thức trắc nghiệm.
Trong đợt thi thử này, Trường THPT Pleiku đã tổ chức thành 26 phòng thi, mỗi phòng bố trí 24 học sinh và 2 giám thị như kỳ thi tốt nghiệp THPT hàng năm. Theo Hiệu trưởng Nguyễn Đình Trung, đây là cơ hội để các em học sinh và giáo viên làm công tác thi tập dượt, chuẩn bị thật tốt cho kỳ thi chính thức sắp đến.
Em Hoàng Hiền Diệu (lớp 12C1) cho hay: “Với em, việc tham gia các đợt thi thử có ý nghĩa vô cùng thiết thực. Qua đây, em biết được mình đang hổng kiến thức ở đâu, còn thiếu sót chỗ nào để kịp thời củng cố, bổ sung trước khi bước vào kỳ thi chính thức”.
Tương tự, em Rah Lan Đai (lớp 12A2, Trường THPT Nguyễn Du, huyện Krông Pa) chia sẻ: Trước đây, mỗi khi nghĩ đến kỳ thi tốt nghiệp là em lại thấy lo lắng. Tuy nhiên, nhờ sự động viên, hỗ trợ của thầy-cô giáo và trải qua các kỳ thi thử, em dần thích nghi với áp lực về thời gian làm bài cũng như khắc phục được tâm lý khi vào phòng thi. Em cũng từng bước định hình rõ ràng và nắm chắc hơn về các dạng đề, cấu trúc đề thi; nhận ra được những chỗ kiến thức mình còn thiếu để tập trung ôn luyện. Hy vọng, em sẽ đạt được kết quả tốt trong kỳ thi quan trọng cuối cấp.
Còn với các học viên lớp 12 tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh như em Phan Phúc Phước, việc tham gia đầy đủ các đợt thi thử là cơ hội để chuẩn bị tốt tâm thế cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.
“Cách đây 2 năm, em từng phải bỏ lỡ kỳ thi quan trọng cuối cấp này do tai nạn giao thông. Sau khi sức khỏe ổn định, em đăng ký học lại lớp 12 tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh và quyết tâm thi đậu tốt nghiệp để có thể theo đuổi ngành Tâm lý xã hội ở bậc đại học. Thông qua 2 đợt thi thử, em đã điều chỉnh kế hoạch ôn tập sát với thực lực của mình. Em cũng cảm thấy tự tin hơn vào việc lựa chọn tổ hợp các môn thi hiện tại”-Phước bày tỏ.
Tăng cường ôn tập
Trước khi Sở GD-ĐT tổ chức đợt thi thử tốt nghiệp THPT chung cho toàn tỉnh, các đơn vị, trường học đều đã tổ chức ít nhất 1 đợt thi thử cấp trường hoặc cụm trường. Trên cơ sở đó, các trường phân loại và tăng cường ôn tập “nước rút” đối với những học sinh có nguy cơ rớt tốt nghiệp.
Đợt thi thử được tổ chức như kỳ thi tốt nghiệp THPT chính thức, đảm bảo an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế. Ảnh: M.T |
Hiệu trưởng Trường THPT Pleiku cho hay: Năm học 2023-2024, toàn trường có 14 lớp 12 với 621 học sinh. Sau đợt thi thử cấp trường vào cuối tháng 1-2024, nhà trường tiến hành phân loại học sinh để dạy phân hóa phù hợp, quyết tâm nâng cao chất lượng bài thi. Từ 14 lớp ban đầu, nhà trường đã chia nhỏ thành 85 nhóm lớp tương ứng với 9 môn thi tốt nghiệp THPT.
Mỗi môn sẽ gồm các nhóm nguy cơ cao (học sinh có bài thi dưới 3 điểm), có nguy cơ (từ 3 đến dưới 5 điểm), trung bình (từ 5 đến dưới 7 điểm) và nâng cao (từ 7 điểm trở lên). Riêng những em trên 8 điểm có thể lựa chọn việc tự học hoặc ôn tập tại trường. Đối với đợt thi thử theo đề chung của Sở GD-ĐT lần này, nhà trường đang tiến hành chấm thi và xét thử tốt nghiệp; qua đó, tiếp tục phân loại và tập trung ôn tập cho các em đến ngày thi.
Với 52% học sinh lớp 12 là người dân tộc thiểu số, Trường THPT Nguyễn Du đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp (trong đó có việc tổ chức thi thử) nhằm nâng cao tỷ lệ tốt nghiệp THPT và điểm số các bài thi.
Thầy Trần Văn Thế-Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: Việc tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT giúp học sinh đúc rút kinh nghiệm làm bài thi, ổn định tâm lý, điều chỉnh thời gian và lượng kiến thức từng môn thi; đồng thời, thấy được khả năng hiện tại đối với các môn thi và có phương pháp ôn luyện phù hợp. Giáo viên bộ môn và nhà trường cũng sẽ đánh giá được quá trình dạy học, ôn tập; có cơ sở phân loại học sinh, xây dựng kế hoạch phụ đạo phù hợp với năng lực học tập của các em, góp phần nâng cao tỷ lệ tốt nghiệp THPT.
“Sau đợt thi thử lần thứ nhất do trường tổ chức, toàn trường có gần 30 em lớp 12 có nguy cơ rớt tốt nghiệp. Nhà trường đã tổ chức những em này thành 1 lớp riêng; đồng thời, phân công giáo viên chủ nhiệm, tổ trưởng, giáo viên có chuyên môn vững để tham gia củng cố, bổ khuyết kiến thức cho các em, nhất là các môn có nhiều điểm thấp như: Tiếng Anh, Lịch sử, Ngữ văn”-thầy Thế thông tin.
Việc tham gia kỳ thi thử tốt nghiệp THPT giúp nhiều học sinh Trường THPT Nguyễn Du (huyện Krông Pa) chuẩn bị tốt tâm thế cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: M.T |
Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Võ Văn Tiên cũng bày tỏ sự phấn khởi khi ở cả 2 đợt thi thử tốt nghiệp THPT, hầu hết học viên khối 12 của Trung tâm đều dự thi.
“Đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy nhận thức của học viên về tầm quan trọng của kỳ thi tốt nghiệp THPT đang từng bước được nâng cao. Năm nay, Trung tâm có 2 lớp 12 với 101 học viên. Chúng tôi đã và đang triển khai nhiều giải pháp ôn tập nhằm phấn đấu tỷ lệ học viên đậu tốt nghiệp THPT đạt 82%”-ông Tiên nêu quyết tâm.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Văn Long: Hiện nay, các trường, đơn vị đang tổ chức chấm thi và xét thử tốt nghiệp THPT. Số liệu sẽ được tổng hợp, báo cáo vào cuối tháng 5. Dựa trên kết quả này, lãnh đạo Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục có sự chỉ đạo sát sao tại hội nghị giao ban 4 cụm thi tốt nghiệp THPT dự kiến diễn ra vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6 nhằm chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi chính thức.
Trao đổi với P.V, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Văn Long cho biết: Sau 1 năm trao quyền chủ động cho các trường, năm nay, Sở GD-ĐT quyết định tổ chức trở lại đợt thi thử tốt nghiệp THPT theo đề chung của Sở. Việc tổ chức thi thử nhằm hướng đến mục tiêu nâng cao tỷ lệ tốt nghiệp THPT và điểm trung bình các bài thi; là cơ hội để cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh có sự tập dượt trước kỳ thi chính thức.
Thông qua kết quả thi thử, Sở GD-ĐT sẽ đánh giá tình hình thực tế để kịp thời điều chỉnh, bổ sung, chỉ đạo các giải pháp tăng cường ôn tập và các nội dung liên quan khác trong 3 tuần còn lại trước kỳ thi.
Cũng theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, trong đợt thi thử vừa qua, Sở GD-ĐT đã tổ chức biên soạn đề, in sao đề thi đảm bảo theo quy trình, đúng tiến độ, an toàn, bảo mật. Sở cũng đã thành lập đoàn kiểm tra và chia làm 3 tổ, tiến hành kiểm tra tại hầu hết điểm thi thử. Nhìn chung, các điểm thi đều thực hiện tốt quy trình tổ chức thi. Cán bộ coi thi và thí sinh đều thực hiện nghiêm quy chế thi.
Bên cạnh đó, qua theo dõi và kiểm tra thực tế, Sở GD-ĐT cũng đã chỉ ra một số hạn chế trong khâu bố trí cán bộ giám sát thi, việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ coi thi, quán xuyến các khâu tổ chức thi… và đã kịp thời nhắc nhở, đề nghị các đơn vị khắc phục.