Buộc bồi thường hàng trăm tỷ đồng vì mất rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngày 1-4, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Nông cho biết, kết quả rà soát 11 doanh nghiệp được giao đất, giao rừng để triển khai các dự án nông lâm, trong tổng số gần 3.900ha được rà soát, đánh giá có tổng diện tích rừng bị phá gần 1.200ha, tương đương với số tiền phải bồi thường thiệt hại gần 139 tỷ đồng.
Nhiều diện tích rừng sau khi giao cho các doanh nghiệp quản lý, bảo vệ bị phá trắng, khai thác gỗ tràn lan.
Nhiều diện tích rừng sau khi giao cho các doanh nghiệp quản lý, bảo vệ bị phá trắng, khai thác gỗ tràn lan.
Theo đó, các doanh nghiệp được chọn để thống kê thiệt hại về rừng và tính toán giá trị thiệt hại (bao gồm giá trị về lâm sản và giá trị về môi trường) đều là những doanh nghiệp được giao đất, giao rừng để thực hiện các dự án nông lâm kết hợp nhưng lại có nhiều sai phạm trong quản lý, công tác bảo vệ rừng không hiệu quả dẫn đến việc rừng bị tàn phá với diện tích lớn, trong thời gian dài mà không được ngăn chặn, xử lý.
Điển hình như Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Vĩnh An được giao hơn 1.400ha rừng, đất rừng tại huyện Cư Jút vào năm 2005 để trồng cao-su, trồng rừng và khoanh nuôi, bảo vệ rừng. Tuy nhiên, sau 15 năm, Công ty này để mất hơn 580ha rừng. Theo tính toán của cơ quan chức năng, tổng giá trị thiệt hại của diện tích rừng này là gần 53,5 tỷ đồng.
Tương tự, Công ty cổ phần Thiên Sơn được UBND tỉnh Đắk Nông giao hơn 420ha rừng, đất rừng tại huyện Đắk G’Long để khoanh nuôi, bảo vệ rừng và sản xuất nông lâm nghiệp kết hợp. Sau hơn 10 năm, tổng diện tích rừng được giao cho Công ty này bị xóa trắng hơn 120ha. Theo tính toán của cơ quan chức năng, tổng giá trị thiệt hại của diện tích rừng này là gần 26 tỷ đồng…
Trong số 11 doanh nghiệp được xác định phải bồi thường tổng số tiền gần 139 tỷ đồng, đến nay mới chỉ có ba doanh nghiệp, đơn vị bồi thường với tổng số tiền hơn 600 triệu đồng. Các đơn vị còn lại chưa bồi thường và cũng không có ý kiến phản hồi.
Hiện nay, bên cạnh việc yêu cầu doanh nghiệp nộp tiền bồi thường thiệt hại, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Nông cũng đề xuất UBND tỉnh Đắk Nông cho phép doanh nghiệp lựa chọn phương án trồng lại rừng để bồi thường. Theo đề xuất, các doanh nghiệp được giãn thời gian nộp tiền bồi thường, hoặc giãn thời gian trồng rừng tối đa không quá 10 năm. Riêng các doanh nghiệp không bồi thường, không hợp tác sẽ khởi kiện ra tòa để giải quyết theo quy định.
CHẤN HƯNG (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm