Bữa cơm gia đình

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- 1. Đến giờ, tôi vẫn nhớ mãi những bữa cơm ngày tôi còn nhỏ. Ngày mà nhà còn nghèo xác xơ. Vào những ngày mưa lâm thâm, gió bấc lạnh hun hút, con gà mẹ nuôi lười biếng rặn ra một, hai quả trứng bé xíu xiu. Hai quả trứng xíu xiu ấy phải trộn thêm bột đậu nành (chế độ dành hỗ trợ cho trẻ con chống suy dinh dưỡng) mới đủ một đĩa trứng trông đầy đặn, màu vàng nhạt giữa mâm cơm. Món ăn ấn tượng đến mức mấy chục năm không ăn vẫn không quên được, vì tuy gọi là trứng rán nhưng món ấy toàn mùi bột đậu nành ngầy ngậy chán ngán. Và canh rau muống là món thường trực bốn mùa, bởi mẹ có hẳn một vườn rau muống nho nhỏ tự cấy trồng. Mùa nào rau cũng tốt.
Đêm đến, một cây đèn dầu thắp lên leo lét, thi thoảng gió len vào phòng vẫn đủ sức thổi tắt ngọn đèn. Mẹ lập cập tìm bật lửa để thắp sáng, con gái vô tư nói: “Có đĩa trứng thôi, không cần đèn cũng xén được mỗi người một miếng là hết rồi, cần chi đèn hở mẹ?”. Nhiều lần, câu nói của con khiến mẹ cười chảy nước mắt, chẳng biết vì vui hay buồn.
 Bữa cơm sum họp bên gia đình là cầu nối yêu thương, gắn kết tình cảm của các thành viên với nhau. Ảnh: K.N.B
Bữa cơm sum họp bên gia đình là cầu nối yêu thương, gắn kết tình cảm của các thành viên với nhau. Ảnh: internet
2. Ngày trước, đôi khi tôi vẫn tỏ ra khó chịu, áy náy vì chuyện mẹ cứ ngồi bên mâm cơm đợi mọi người ăn xong xuôi. Lẽ ra mẹ có thể đi nghỉ sớm hơn, vì mẹ hay bị nhức lưng. Nhưng bao giờ mẹ cũng là người cuối cùng đứng dậy. Bên mâm cơm mà bố tôi còn cà kê khá lâu ấy, mẹ ngồi đan áo, trò chuyện, đôi khi lẩm nhẩm hát: “Hoa đẹp Chăm Pa đã bao tháng ngày, hoa đây người đấy…”. Đó là khúc hát gắn với thời tuổi trẻ của mẹ ngày còn đi công nhân hỏa tuyến bên Lào.
Thực ra thì sau đó, có hàng tá việc để mẹ làm chứ không phải quá rảnh rang. Nhưng mẹ vẫn nán lại như thế bên mâm cơm mỗi ngày. Giờ nghĩ lại, nếu ngày ấy mẹ tôi vội rời mâm cơm thì chắc chẳng bao giờ tôi nghe được một câu hát khiến lòng mình cảm thấy được sẻ chia đến vậy: “Hoa đẹp Chăm Pa đã bao tháng ngày, hoa đây người đấy…”. Đó là câu hát mà sau bao nhiêu tháng ngày mỗi khi nghĩ về, tôi lại nhớ ánh mắt tươi vui tỏa lan trên gương mặt mẹ suốt mỗi bữa cơm. Hình như chưa bao giờ mẹ mang một khuôn mặt phiền muộn vào bữa ăn gia đình.
Có lần, bố chồng tôi bức xúc nói, muốn biết nền nếp một gia đình, hãy nhìn vào mâm cơm. Đó là lúc ông bà vào chơi nhà nhưng con trai đi nhậu với bạn, các cháu đứa đi ăn với bạn, đứa đang chui trong phòng riêng không xuống nhà vì chưa thấy đói. Chỉ có bố mẹ chồng ngồi ăn với con dâu. Nếu không có cớ ngồi ăn chung với nhau, ông bà có khi cũng chẳng gặp mặt thằng cháu mình, vì dù chung nhà nhưng khác phòng. Cứ ra khỏi nhà thì thôi, về nhà là cháu lại chui vào “ốc đảo” của mình. Không ngồi chung bữa cơm là từ chối sẻ chia với nhau rồi.
3. Chúng ta tốn khá nhiều thời gian cho một bữa ăn. Nhưng đó là thứ nên tốn. Không chỉ để ăn, mà còn để chia sẻ. Vì thế, dù có tiết kiệm bất cứ khoảng thời gian nào trong ngày thì cũng không nên tiết kiệm những giờ phút dành cho một bữa ăn, nhất là bữa ăn với gia đình.
Chiều tối qua, khi đưa con đi tập ở một lò võ, mắt tôi cay sè khi thấy người đàn ông tuổi ngoài 50 hí hửng nói như reo: “Tập xong rồi, về ăn cơm với mẹ thôi”. Khuôn mặt anh tràn ngập niềm vui, bất chấp lưng áo ướt đầm mồ hôi vì vất vả luyện tập. Điều bình dị của người đàn ông ấy là ước mơ không thể chạm tới của tôi. Bởi mẹ tôi đã đi xa.
Ai đó đã nói về quá khứ và tương lai rằng: Bạn không thể tạo ra tương lai nhưng hoàn toàn có thể tạo ra quá khứ ngọt ngào, bởi đơn giản ngày hôm nay sẽ là quá khứ của ngày mai. Rồi đây, ký ức của con cái tôi có ngọt ngào hay không khi nhớ về bữa cơm gia đình là do sự để tâm của chính tôi ngày hôm nay. Vì thế, tôi luôn cố thu xếp để cùng ăn với các con mình, nhìn con tỉ mẩn xúc ăn, kể những câu chuyện không đầu không cuối. Và mắt vẫn thường xuyên cười tít lại khi nghe con nịnh nọt rằng mẹ nó nấu ăn ngon tuyệt. Tôi trân trọng từng khoảnh khắc ấy, bởi biết rằng, trong đời này ai mà tránh được cái ngày chẳng còn được ăn cơm cùng những người thương yêu.…
 KHÔI NGUYÊN THẢO

Có thể bạn quan tâm

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

(GLO)- Tổng số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm mạnh từ 1.800 vụ (năm 2014) xuống còn 44 vụ (6 tháng đầu năm 2024) đã cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận trong nỗ lực đẩy lùi, “hạ nhiệt” thực trạng này bằng sự chung tay từ nhiều phía.
An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.
'Dân số vàng' và nhân lực trẻ

'Dân số vàng' và nhân lực trẻ

Trong báo cáo đánh giá tác động dự án Luật Dân số đang được lấy ý kiến, Bộ Y tế cho biết dự luật sẽ không quy định số con đối với mỗi cặp vợ chồng mà trao quyền quyết định cho mỗi gia đình, gắn với trách nhiệm chăm sóc và nuôi dạy con tốt.
Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về hôn nhân và gia đình. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được kéo giảm.