Bữa cơm gia đình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong bữa cơm tối, con trai tôi kể: “Bạn Mận cùng lớp con không chỉ ăn sáng ở quán mà cả bữa trưa, bữa tối nữa, ngày nào cũng vậy mẹ ạ!”.

Tôi hỏi thêm thì được biết, mẹ cháu Mận thường xuyên công tác xa nhà, công việc của người bố lại bận rộn. Vì vậy, bố con thường ăn sáng ở một quán ăn nào đó trên đường đi học. Buổi chiều, bố cũng dẫn con ra ngoài ăn. Hôm nào bố bận tiếp khách thì oder thức ăn nhanh về nhà cho con.

Tôi chợt nhớ mới hồi chiều, tôi và mấy chị đồng nghiệp chuyện trò với nhau về việc nội trợ. Chị Lan tâm sự: “Nhà chị sống chung nhiều thế hệ. Dù có bận đến mấy thì cũng phải cơm canh ngày 3 bữa. Các cụ quen nếp cũ rồi, không đổi được”. Còn chị Vân thì lại thở dài: “Em ước một bữa cơm gia đình mà khó quá! Cả tuần nay chồng em làm ca đêm, bọn trẻ đi học, mình em đi về chẳng buồn nấu cơm, ăn qua loa hàng quán cho xong!”.

Cuộc sống thường ngày với bao bộn bề, lo toan. Mỗi ngày, chúng ta có rất nhiều công việc cần giải quyết. Thời buổi hiện đại, chỉ cần một cuộc gọi là thức ăn, nước uống được ship đến tận nhà, rất tiện. Thế nên, đôi khi, chúng ta cứ mải lao vào công việc cùng những kế hoạch, mục tiêu… mà quên đi rằng đã lâu rồi gia đình chưa có một bữa cơm đầy đủ các thành viên.

Tôi sinh ra ở làng quê nghèo. Cả tuổi thơ không biết đến bữa ăn nơi nhà hàng là gì. Nhưng đổi lại, tôi tận hưởng diễm phúc ngọt ngào là ngày nào cũng ăn cơm mẹ nấu. Buổi sáng, mẹ dậy sớm hơn cả nhà, nhóm bếp thổi cơm. Chị Hai thường được mẹ gọi dậy theo để phụ việc. Bữa sáng và bữa trưa thường diễn ra nhanh hơn vì mọi người còn phải đi làm, đi học. Còn bữa chiều thảnh thơi, cả nhà ngồi bên nhau, vừa ăn cơm vừa trò chuyện.

Bữa cơm ngày ấy chỉ đơn giản với món rau muống luộc, dĩa dưa muối xổi, bát nước luộc rau vắt chút chanh làm canh. Hôm nào sang hơn thì thêm dĩa cá kho. Bên hiên nhà, cả nhà quây quần bên nhau trong bữa cơm gia đình, nghe đứa em trai khoe chiến tích buổi chiều chăn trâu cùng đám bạn đánh trận giả, nghe cha dặn dò cái đức làm người, nghe mẹ chỉ dạy nết ăn nết ở.

Tôi đang chăm 2 con nhỏ, đứa lớn đi học bán trú, đứa bé cũng đi nhà trẻ. Trẻ con bây giờ hầu như đứa nào cũng thích thú với những món ăn vặt bên ngoài. Thi thoảng, tôi cũng chiều các con, đổi không khí bữa ăn bằng cách đến những quán có món mà chúng thích. Hôm nào bận rộn không thể sắp xếp được, tôi cũng oder thức ăn nhanh cho con.

Những bữa ấy, dù tiết kiệm được thời gian nấu nướng nhưng khi nhìn chiếc lồng bàn đậy phần ăn đã nguội các con để dành cho tôi, những thành viên trong gia đình người đóng cửa phòng đọc sách, con cái đứa xem ti vi, đứa chơi đồ chơi. Và, tôi lại thấy trong lòng trống trải quá chừng.

Tôi cho rằng, để gia đình hòa thuận, êm ấm, những thành viên thấu hiểu nhau, biết chia sẻ, biết yêu thương nhau, xích lại gần nhau thì bữa cơm gia đình có một vai trò hết sức quan trọng. Còn gì vui hơn khi mỗi ngày, sau tan sở, vợ chồng con cái trở về, chồng quét nhà, vợ nấu cơm, các con giúp mẹ thu dọn quần áo. Đến bữa tối, chồng giúp vợ bưng tô canh vừa múc, con cái đứa lấy chén, đứa so đũa… cả nhà cùng ăn cơm.

Chiều qua, tôi cũng vừa từ chối một lời mời để trở về nhà, thắp lửa nấu cơm cho gia đình.

Có thể bạn quan tâm

'Dân số vàng' và nhân lực trẻ

'Dân số vàng' và nhân lực trẻ

Trong báo cáo đánh giá tác động dự án Luật Dân số đang được lấy ý kiến, Bộ Y tế cho biết dự luật sẽ không quy định số con đối với mỗi cặp vợ chồng mà trao quyền quyết định cho mỗi gia đình, gắn với trách nhiệm chăm sóc và nuôi dạy con tốt.
Hàng xóm kể gì về kẻ dùng xyanua đầu độc người thân?

Hàng xóm kể gì về kẻ dùng xyanua đầu độc người thân?

Khi Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thị Hồng Bích (38 tuổi) để điều tra về tội “Giết người”, người dân ở xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch nơi nghi phạm cư trú không khỏi bàng hoàng với thủ đoạn tàn độc của người phụ nữ này.
Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về hôn nhân và gia đình. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được kéo giảm.
Các đội thi thuyết trình về sản phẩm tái chế của mình trước Ban Giám khảo cuộc thi

Gia đình chị Nguyễn Thị Hường giành giải nhất hội thi “Gia đình chung tay bảo vệ môi trường” thị xã An Khê

(GLO)- Nhân kỷ niệm 23 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001-28/6/2024), ngày 24-6, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) thị xã An Khê tổ chức Hội thi “Gia đình chung tay bảo vệ môi trường”. Gia đình chị Nguyễn Thị Hường-hội viên phụ nữ xã Cửu An xuất sắc giành giải nhất hội thi.