(GLO)- Có những trường hợp lao đao chỉ vì vướng nợ vài chục triệu đồng; có nhà mất hết ruộng rẫy, cơ nghiệp chỉ vì đánh liều vay nóng lãi suất cao lấy tiền đầu tư làm ăn. Nguyên nhân cũng bởi thiếu hiểu biết mà “nhập cuộc” tín dụng đen…
Ông X. (xã Ia Peng, huyện Phú Thiện) có đến gần chục ha đất mía. Cách đây 5-7 năm, mía cho nguồn thu rất khá. Dành dụm được khoảng 100 triệu đồng chuẩn bị xây nhà, vụ thu mía chưa tới nhưng nghe thầy “phán” đến tuổi làm nhà đẹp, ông X. chấp nhận vay lãi nóng lấy tiền mua nguyên-vật liệu xây nhà ngay. Ai dè, giá mía năm đó rớt thê thảm, sau khi trừ chi phí đầu tư vẫn còn lỗ khiến ông điêu đứng. Trong khi đó, căn nhà cứ phình to theo tư duy “một lần làm, một lần khó”.
Minh họa: DZŨNG |
Phần vay nóng đã leo lên mức hơn 200 triệu đồng, ông X. mới tá hỏa vì lãi mẹ đẻ lãi con, không tiền nào chịu thấu. Biết không thể cầm cự mãi, ông quyết định bán ruộng mía lấy tiền trả nợ. Khổ thay, mía mất giá thì giá bán ruộng phải giảm, thậm chí tìm chả ra người chịu bỏ tiền mua ruộng mía, chật vật lắm ông mới bán được gần 7 ha, đủ số tiền trả vay lãi suất “nóng”. “Nhà làm thiếu có 200 triệu đồng, cứ nghĩ bán mía bù lại ai dè “bay” luôn ruộng mía. Đã mất nhiều tiền lãi, bán ruộng vội vàng cũng mất tiền đâu kém. Lỗ chồng lỗ. Chỉ vì vội vàng, vay tiền tín dụng đen mới khốn khổ như thế”-ông X cay đắng nhớ lại.
Ông X. chỉ là một trong số rất nhiều người “lãnh đủ” vì vướng vào tín dụng “đen”. Họ chẳng khác những “chị Dậu thời nay”, lãi mẹ đẻ lãi con và dồn vào đường cuối cùng là phải bán đi nhà cửa, ruộng rẫy. Với nông dân thu nhập chỉ nhìn vào hoa lợi từ đồng ruộng, tín dụng đen quả thực là một cỗ máy hút tiền khủng khiếp, đẩy họ đến con đường cùng nhanh nhất…
Tín dụng đen không còn xa lạ với nhiều người, từ nông thôn đến thành thị. Là một kênh đầu tư siêu lợi nhuận, tín dụng đen đang biến tướng dưới rất nhiều hình thức khác nhau, từ vay tiền mặt lãi suất cao đến cầm cố tài sản, giấy tờ tùy thân… Ở nông thôn, tín dụng đen còn núp bóng dưới các kênh đầu tư: mua trả chậm, mua trả góp, đầu tư vật tư nông nghiệp… Mặc dù khoác lên mình tấm áo choàng màu sắc khác nhau thì bản chất vẫn là cho vay nặng lãi. Và để an toàn hoạt động, người cho vay luôn căn chỉnh để lãi suất luôn ở mức không để cơ quan chức năng có thể “sờ gáy”.
Với người vay, không phải họ không nhìn ra vay tín dụng đen lãi suất cao gấp 2-3 lần, thậm chí gần chục lần lãi suất ngân hàng. Ở nông thôn Gia Lai hiện nay, mức lãi suất tín dụng đen thường được tính bằng năm hoặc tháng tùy nhu cầu. Hình thức tính lãi theo năm dao động từ 20% đến 30%/năm tùy trường hợp. Khách hàng tín dụng đen thường là nhà nông thiếu tiền đầu tư, phải đi vay trực tiếp bằng tiền mặt. Lãi cao nhưng bù lại người dân có thể vay được nhiều vốn hơn và đặc biệt là không cần tài sản thế chấp, không thủ tục rườm rà, thanh toán lãi khi trả gốc. Nếu không vay tiền mặt thì tiền lãi được tính vào số tiền mua nợ vật tư, cây con giống… Mức lãi được thỏa thuận thường là gấp 2-3 lần mức lãi suất ngân hàng đang áp dụng. Nếu được mùa, được giá nông dân còn chút lời. Nếu thua lỗ, nông dân lâm vào cảnh nợ nần vì lãi suất “nóng”.
Với những trường hợp cần tiền đột xuất: đau ốm bệnh tật, cưới hỏi, ma chay hay cầm cố tài sản giá trị thấp như điện thoại, xe cộ… mà gia chủ không có tiền phải vay “nóng”, lãi suất được tính theo ngày. Mức thấp thường là 2 ngàn đồng/triệu/ngày, cao hơn có thể 3-9 ngàn đồng/triệu/ngày; thậm chí có trường hợp là 20-50 ngàn đồng/triệu/ngày khi người vay quá cần thiết… Bởi vậy, không khó hiểu vì sao khi “dính” vào tín dụng đen, nhiều người lại nhanh chóng lâm vào tình cảnh khốn cùng… Biết rõ là vậy nhưng tín dụng đen vẫn nở rộ khắp nơi. “Nhà tôi có đất đai nhưng chỉ là giấy mua bán viết tay, chưa làm sổ đỏ. Vậy thì ngân hàng nào cho vay khi tài sản thế chấp chưa được Nhà nước công nhận sở hữu hợp pháp, chưa kể thủ tục vay ngân hàng nghe nói rườm rà, nhiêu khê… Biết là cực, là làm nuôi lãi nhưng chúng tôi vẫn phải chọn”-ông X. tỏ nỗi niềm.
Ngại thủ tục ngân hàng, đất đai sở hữu chưa hoàn thiện pháp lý… những lý do như ông X. đưa ra chắc hẳn cũng là điều khiến nhiều nông dân chấp nhận “làm mồi” cho tín dụng đen. Thực tế hiện nay, khi tất cả các địa phương đều đẩy mạnh việc cấp sổ đỏ công nhận quyền sử dụng đất cho người dân, các ngân hàng đua nhau mở các phòng giao dịch tại các huyện, thì rõ ràng đó không phải là lý do chính đáng. Hơn ai hết, chỉ khi nào “cởi trói” được những rào cản từ quan niệm và suy nghĩ của chính mình, nông dân mới có thể nói không với tín dụng đen.
Hải Lê