Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh: Nâng cao chất lượng công tác tham mưu, phối hợp thực hiện công tác dân tộc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 4-1, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác dân tộc năm 2022; sơ kết 1 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 và triển khai nhiệm vụ năm 2023.

Đồng chí Hầu A Lềnh-Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và các Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đồng chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị tại điểm cầu Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch, đại diện Ban Dân tộc tỉnh và lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị liên quan.

Năm 2022, Ủy ban Dân tộc đã thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc, tham mưu, triển khai thực hiện tốt nhiều nội dung công việc có trọng tâm, trọng điểm, sát với thực tế, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Trong năm, Ủy ban Dân tộc được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao xây dựng 8 đề án và đã cơ bản hoàn thành, trong đó hoàn thành việc tham mưu xây dựng Báo cáo về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025; sửa đổi 7 thông tư, xây dựng đề án chuyển đổi số và ban hành các văn bản hướng dẫn theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương, thể hiện sự đổi mới tư duy về xây dựng và thực hiện chính sách dân tộc. Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền và phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số được tăng cường; hợp tác quốc tế về công tác dân tộc tiếp tục được đẩy mạnh...

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai. Ảnh: Anh Huy
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai. Ảnh: Anh Huy

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, căn cứ tiến độ phân bổ, giao vốn, Ủy ban Dân tộc đã gửi văn bản đến các địa phương về việc đôn đốc triển khai thực hiện giao vốn và báo cáo việc giao kế hoạch vốn của Chương trình. Đồng thời có tờ trình xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện.

Tại tỉnh Gia Lai, hiện còn 45.688 hộ nghèo (chiếm 12,09% tổng số hộ dân trong tỉnh), số hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số là 40.475 hộ (chiếm 25,58% tổng số hộ đồng bào dân tộc thiểu số toàn tỉnh). Tỉnh có 1 huyện nghèo, 43 xã đặc biệt khó khăn, 7 xã biên giới, 384 thôn, làng đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, Tỉnh ủy-HĐND-UBND tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản để các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch triển khai. Tuy nhiên, việc phân bổ vốn để triển khai thực hiện Chương trình năm 2022, nhất là vốn sự nghiệp còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện. Mặt khác, phần vốn được giao vào cuối năm, nên hiện nay mới bắt đầu tiến hành làm các quy trình, thủ tục thực hiện Dự án, Tiểu dự án.

Tại hội nghị, đại diện các bộ, ban, ngành, địa phương đã nêu lên một số khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025: Trung ương chậm giao vốn đầu tư thực hiện năm 2022 làm ảnh hưởng đến giao kế hoạch, tiến độ giải ngân, thanh quyết toán; chưa giao vốn sự nghiệp cả giai đoạn 2021-2025, vì vậy địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng các dự án sử dụng vốn sự nghiệp thực hiện chương trình, nhất là việc lựa chọn, xác định quy mô các dự án có thời gian thực hiện trong nhiều năm. Việc triển khai thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 612/QĐ-UBND của Ủy ban Dân tộc về phân định các xã, thôn đặc biệt khó khăn nhưng chưa có chính sách chuyển tiếp nên việc triển khai các chính sách dân tộc gặp nhiều khó khăn...

Để công tác dân tộc, chính sách dân tộc được triển khai thực hiện đầy đủ, toàn diện, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đề nghị các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, các địa phương tiếp tục quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng về công tác dân tộc, chính sách dân tộc; các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh; phối hợp để cụ thể hóa các chương trình, đề án thành các chính sách cụ thể, hỗ trợ cho các chương trình mục tiêu và nhiều chính sách đang triển khai thực hiện đảm bảo toàn diện hơn. Năm 2023, Ủy ban Dân tộc sẽ tổng kết và đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số văn bản, trong đó có Nghị định số 05/2011/NĐ-CP về công tác dân tộc, vì vậy đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương phối hợp, hỗ trợ Ủy ban Dân tộc để tham mưu Chính phủ ban hành nghị định mới thay thế phù hợp với tình hình thực tiễn. Đồng thời tiếp tục phối hợp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kịp thời sửa đổi, bổ sung Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 và Quyết định số 612/QĐ-UBDT của Ủy ban Dân tộc phê duyệt danh sách các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 phù hợp với tình hình mới.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cũng đề nghị cơ quan làm công tác dân tộc các cấp tiếp tục đổi mới về tư duy nhận thức; nâng cao hiệu quả chất lượng công tác tham mưu phối hợp, tổ chức triển khai thực hiện công tác dân tộc; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong công tác nắm tình hình, tham mưu, tổ chức thực hiện các chính sách dân tộc được đảm bảo...

ANH HUY

Có thể bạn quan tâm

Thí sinh Nhữ Thị Nhạn đạt giải nhất kỳ thi thứ 7 tìm hiểu 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Thí sinh Nhữ Thị Nhạn đạt giải nhất kỳ thi thứ 7 tìm hiểu 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

(GLO)- Ban tổ chức Cuộc thi tìm hiểu “70 năm Chiến thắng Điện Biên phủ và 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh-Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn” với chủ đề “Điện Biên Phủ và đường Hồ Chí Minh-Ý chí, trí tuệ Việt Nam” vừa có thông báo kết quả thí sinh đạt giải tại kỳ thi thứ 7.