Bò tót lai của dân giúp... nghiệm thu đề tài!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Để đạt mục tiêu đề tài là tạo ra 3 con bò tót lai F2, dự án đã mua 1 con bò tót lai F2 của 1 hộ dân và xin lấy mẫu 2 con bò tót lai F2 của một người dân khác đưa đi giám định nhiễm sắc thể
Ngày 8-10, Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) tỉnh Ninh Thuận cho biết đã có báo cáo kiểm tra về đàn bò tót lai F1 đang được nuôi dưỡng để nghiên cứu ở tỉnh này mà báo chí phản ánh thời gian qua.
Sản phẩm chính là 3 con bò tót lai F2
Ông Lê Kim Hùng, Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Ninh Thuận, cho biết dự án nghiên cứu về bò tót lai được phân thành các giai đoạn. Giai đoạn 2012-2014, UBND tỉnh Ninh Thuận và UBND tỉnh Lâm Đồng cùng thống nhất liên kết đầu tư thực hiện đề tài: "Nghiên cứu giám định di truyền và đánh giá khả năng phát triển của bò lai F1 giữa bò tót và bò nhà tại vùng rừng giáp ranh tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng" với kinh phí hơn 2,1 tỉ đồng. Trong đó có mua 10 bò tót lai F1 (5 con đực, 5 con cái) của người dân.
Kết quả nghiên cứu và tài sản của đề tài này sau đó được chuyển sang đề tài cấp nhà nước "Khai thác và phát triển nguồn gien bò quý hiếm tại vùng rừng giáp ranh 3 tỉnh Ninh Thuận - Lâm Đồng - Khánh Hòa" với sự hợp tác của 3 tỉnh này, kinh phí 6,8 tỉ đồng. Sản phẩm chính là 40 con bò lai F2 có bộ nhiễm sắc thể 2n = 60 nhằm mục tiêu lấy tinh trùng gieo cấy cho đàn bò nhà, nâng cao thể trạng đàn bò. Tuy nhiên, phía Khánh Hòa không thực hiện nên đề tài không có sản phẩm chính đã đề ra.
 
Đàn bò lai do Trung tâm Ứng dụng khoa học - công nghệ tỉnh Lâm Đồng quản lý
Đàn bò lai do Trung tâm Ứng dụng khoa học - công nghệ tỉnh Lâm Đồng quản lý
Đến năm 2018, Bộ KH-CN quyết định điều chỉnh kinh phí giảm còn 2,5 tỉ đồng, sản phẩm chính là bò tót lai F2 điều chỉnh giảm còn 3 con.
Thế nhưng, phương thức giao phối trực tiếp giữa bò đực lai F1 và bò cái lai F1 của dự án không sinh ra được bò tót lai F2. Còn việc thụ tinh nhân tạo cho bò cái lai F1 cũng không thực hiện được do bò tót cái lai F1 quá hung dữ, không ai dám lại gần.
Trong khi đó, bò tót đực lai F1 của dự án (con số 3) sổng chuồng, giao phối với bò nhà của ông Nguyễn Văn Tích (ngụ thôn Bạc Rây 2, xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận) thì cho ra 1 con bò lai F2. Một nông dân khác ở cùng địa phương là ông Nguyễn Văn Chuẩn chăn thả tự nhiên đàn bò tót cái lai F1 thì vẫn giao phối với bò đực nhà cho ra 2 con bò tót lai F2. Hiện nay, ở Phước Bình có 3 con bò tót lai F2 này. Cả ba đều có bộ nhiễm sắc thể 2n = 60 và ADN giống bò tót lai F1 đến 97%.
Đến năm 2019, Bộ KH-CN nghiệm thu đề tài với kết quả đạt yêu cầu. "Mục tiêu của dự án là tìm con đực F2 hoặc F3 có 2n = 60 gửi vào các đơn vị huấn luyện bò giống chuyên nghiệp để lấy tinh nhằm phối với đàn bò nhà nhằm nâng cao thể trạng đàn bò" - ông Hùng nói.
Bò lai F2, F3 đều là của dân
Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Như Chương, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KH-CN Lâm Đồng, khẳng định: Dự án kết thúc với kết quả giữ được 10 con bò lai F1 ban đầu và có thêm 3 con bò lai F2. Oái oăm là cả 3 con bò tót lai F2 đều là của dân. Trong đó 1 con mua lại của hộ ông Tích và 2 con của hộ ông Chuẩn. "Vì đây là dự án cấp quốc gia nên dự án có ký kết hợp tác với hộ ông Chuẩn" - ông Chương nói rồi cho rằng với kết quả đạt được "đã chứng minh bò rừng lai F1 có khả năng sinh sản được, vì trước đây nhiều nhà khoa học cho rằng các con F1 không sinh sản được!".
 
Bò lai F1 của gia đình ông Nguyễn Văn Chuẩn chăn thả tự nhiên Ảnh: NHƯ THỪA
Bò lai F1 của gia đình ông Nguyễn Văn Chuẩn chăn thả tự nhiên Ảnh: NHƯ THỪA
Ông Lê Xuân Thám - nguyên Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Lâm Đồng, chủ nhiệm đề tài - còn cho hay việc 1 con bò đực của dự án phá chuồng ra ngoài lai tạo với bò cái nhà ông Tích sản sinh ra F2, đương nhiên thuộc về dự án. "Con đực là của dự án, con cái là bò nhà của người dân, tức là sản phẩm bò F2 là của dự án. Nhưng đẻ ở nhà dân thì chúng tôi buộc phải mua lại. Tôi khẳng định 8 năm nuôi nhốt giữa thế hệ F1 (đực với cái) không sinh sản được" - ông Thám nói.
Ông Thám còn cho rằng việc lai tạo bò tót F1 ra F2 nói cho cùng là giúp cho người dân. "Năm 2012, cá nhân tôi mà không lao vào để làm việc ấy rồi chứng minh ra như thế thì các nhà khoa học lúc này có ai tin đâu. 8 năm rồi chúng tôi đã làm và bây giờ vẫn giữ lại được đàn bò 10 con F1 đó" - ông Thám nói.
Trong khi đó, ông Chuẩn lại cho rằng bò F2 của gia đình ông là do gia đình tự lai tạo được, không dính líu gì bên dự án. "Khi tôi lai tạo xong, bên dự án về mượn mấy con bò của tôi lấy máu và mẫu tai để đi giám định gien có phải đúng F2 hay không, thì tôi cho mượn. Rồi họ cũng nói với tôi đúng là F2. Chớ có kết hợp cái gì đâu. Chớ hợp tác thì sao lúc triển khai đề tài họ không thông báo hay trao đổi gì với tôi cả. Họ chỉ xin cái mẫu để đáp ứng… vô chỗ đó thôi" - ông Chuẩn nói.
Hiện nay, ông Chuẩn có đến 17 con bò tót lai mập ú. Trong đó F1 còn 3 con, F2 là 2 con và F3 đến 12 con. "Bò tôi là phải thả rông, ăn đầy đủ thì nó mới lai tạo. Chớ bò mà đem nhốt suốt, cho ăn lại thiếu thốn như thế thì lấy gì mà lai tạo" - ông Chuẩn cho hay. 
Tiếp tục nghiên cứu
Ông Nguyễn Công Vân, Giám đốc Vườn Quốc gia Phước Bình, cho biết UBND tỉnh Ninh Thuận vừa có quyết định tạm cấp kinh phí 100 triệu đồng để vườn chăm sóc, nuôi dưỡng đàn bò tót lai trong vòng 3 tháng. Hiện tại đàn bò đang có dấu hiệu dần hồi phục. Sở KH-CN tỉnh Ninh Thuận đang kiến nghị UBND tỉnh Ninh Thuận phê duyệt "Đề án khung nhiệm vụ KH-CN về quỹ gien cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025". Trong đó có dự án: "Bảo tồn, sử dụng bền vững nguồn gien bò tót lai F1 giai đoạn 2021-2025".
Nếu được duyệt, đơn vị sẽ nuôi theo mô hình bán tự nhiên, chăn thả để bò có điều kiện giao phối tự nhiên. Với điều kiện rộng rãi, thoải mái và no đủ, hy vọng bò lai F1 có thể cho ra F2, F3 như của người dân.
Như Thừa - Đình Thi - Hồng Ánh (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm