Sau nhiều bài học thất bại trong kinh doanh thương mại, chàng trai 9X Nguyễn Anh Võ vẫn kiên trì với con đường trồng nấm hữu cơ. Có lẽ chính sự kiên trì đó là chìa khoá mang lại thành quả là doanh thu 800 triệu đồng mỗi năm, cung cấp 15 tấn nấm ra thị trường TP HCM mỗi tháng.
Đứng dậy sau vấp ngã
Là một người con của vùng đất Quảng Ngãi, nhưng gia đình Nguyễn Anh Võ lại sớm chuyển đến sinh sống và lập nghiệp tại TP.HCM. Từ nhỏ, Võ đã ấp ủ khao khát được kinh doanh, khởi nghiệp. Vì vậy, khi còn đang theo học khoa Kinh tế, trường Đại học Kinh tế TP.HCM, Võ đã tự thành lập công ty riêng chuyên kinh doanh giày, dép.
|
Nguyễn Anh Võ - CEO trang trại Nấm Xanh tại TP.HCM. Nguyễn Anh Võ đang thu hái nấm bào ngư-1 trong những loại nấm ăn trồng với sản lượng lớn tại trang trại. |
Tiếp cận với phương thức bán hàng online từ những ngày đầu, nên công việc kinh doanh của Võ khá thuận lợi, doanh thu công ty lên tới 2 tỷ đồng/tháng.
Tuy nhiên, do thành công đến quá sớm, cộng với việc thiếu kinh nghiệm quản lý, nhất là xem thường tài chính công ty nên Võ sớm thất bại. “Trắng tay ở tuổi 25, tôi nhận ra rằng, thành công nếu đến quá dễ dàng thì ta thường không biết trân trọng” – Võ chia sẻ.
Năm 2017, bỏ lại những hào quang quá khứ, chàng trai trẻ chân ướt chân ráo tiến vào lĩnh vực nông nghiệp với việc trồng nấm ăn, nấm dược liệu và kinh doanh nấm.
Hơn 1 năm học hỏi, năm 2018, Võ hợp tác với 2 người bạn thành lập trang trại mang tên Nấm Xanh tại huyện Hóc Môn, TP.HCM. Tại đây, Võ bắt đầu làm từ những công việc nhỏ nhất từ trộn mùn, vào bịch phôi, cấy meo, đi giao nấm... Công việc ngày nào cũng lặp đi lặp lại từ 5h30 sáng đến tận 1h đêm.
Võ cho biết: “Lúc đó rất mệt mỏi, nhưng trong tôi chỉ suy nghĩ một điều duy nhất là không có thành công nào trải đầy hoa hồng, vạn sự khởi đầu nan. Tôi cùng anh em cố gắng, xây dựng nông trại Nấm Xanh theo tiêu chuẩn VietGAP để mang lại nguồn nấm ăn, nấm dược liệu tốt nhất cho sức khỏe người tiêu dùng”.
|
Phôi nấm tại nhà xưởng của nông trại Nấm Xanh. |
Việc tham gia trực tiếp vào các công việc trong xưởng giúp anh tiết giảm chi phí nhân công và quản lý được chất lượng sản phẩm nấm các loại. Tuy nhiên, do chưa nắm chắc kỹ thuật trồng nấm và việc thay đổi thời tiết môi trường, nên những mẻ nấm đầu tiên của Nấm Xanh hỏng tới 60%, khiến Võ thua lỗ khoảng 600 triệu đồng. Đây là số vốn rất lớn với nhóm bạn trẻ 9X, nhưng Võ và các cộng sự vẫn không nản chí, cả nhóm xác định theo con đường nông nghiệp là phải lâu dài.
Chủ động trong cuộc chơi khởi nghiệp
Ngoài việc duy trì trại nấm, Nguyễn Anh Võ còn đầu tư thời gian đi học hỏi thêm kỹ thuật trồng nấm. Sau khi tìm hiểu thị trường, anh nhận ra rằng, điều quan trọng nhất đối với nấm là chất lượng. Do đó, anh đầu tư công nghệ trồng nấm sạch.
Bên cạnh đó, Võ tập trung phát triển thị trường tiêu thụ nấm. Anh cho rằng, trồng nấm thì có nhiều người làm được, tuy nhiên, hầu hết nông dân mới chỉ tập trung vào kỹ thuật trồng nấm mà hoàn toàn bị động ở mảng thị trường tiêu thụ, hay nói cách khác là chưa biết làm thị trường cho nấm. Do đó, nhiều người thất bại và sớm bỏ cuộc giữa chừng.
Để chủ động ở cuộc chơi này, người sản xuất phải trả lời được 5 câu hỏi: Who – Where – When – What – How? (tức là khách hàng là ai? Họ ở đâu? Bán cho họ bằng cách nào? Khi nào họ lấy hàng? Đặc biệt là lợi thế cạnh tranh của sản phẩm rao sao?). Khi xác định được 5 điều này sẽ không còn lo đầu ra nữa.
|
Trồng nấm heo tiêu chuẩn VietGAP và biết cách đầu tư phát triển thị trường tiêu thụ, sản phẩm nấm sạch của Nguyễn Anh Võ đã vào được hệ thống siêu thị hiện đại. Những lứa nấm ăn, nấm dược liệu tại trang trại ngày càng nâng cao về sản lượng và chất lượng, trong đó có nấm bào ngư. |
Không "ngồi im" đợi khách hàng, Võ lên kế hoạch đi chào hàng tại các chợ đầu mối. Sau khi chọn được các chợ mục tiêu, mỗi ngày Võ trực tiếp mang nấm đi chào từng sạp hàng, mỗi sạp hàng Võ đều tặng 1kg nấm để họ thấy được chất lượng của mình, kèm với đó là xin thông tin chủ sạp. “Việc chào hàng này đã giúp tôi giải quyết được 2 vấn đề, thứ nhất là có thông tin các mối lấy hàng, thứ 2 là ước lượng được lượng nấm đem về kho mỗi ngày” – Võ nói.
Ngoài ra, Võ còn tăng cường viết bài giới thiệu ở các trang mạng, đẩy nấm lên bán tại các sàn thương mại điện tử, tới chào hàng tại các hệ thống siêu thị lớn.
Công việc khởi sắc khi tháng 10/2019, Nấm Xanh nhận được hợp đồng cung cấp nấm cho một tập đoàn lớn sau khi vượt qua các kỳ kiểm tra chất lượng sản phẩm.
“Khi đó tôi đã không tin vào mắt mình. Chỉ biết rằng, trong suốt quãng đường về 20km tôi đã khóc như một đứa trẻ, khóc vì quá sung sướng và hạnh phúc, khóc vì nhóm đã đạt được thành công bước đầu, vì những cố gắng trong suốt hơn một năm đã có thành quả” – Võ bồi hồi nhớ lại.
Tiếp nối thành quả đầu tiên đó, Nấm Xanh vẫn kiên trì với phương thức sản xuất nấm sạch. Hiện nay, Nấm Xanh có 2 nông trại lớn tại khu vực huyện Hóc Môn (TP HCM) và tỉnh Long An, mỗi nông trại trồng nấm quy mô 2.500 m2, và đang cung cấp sỉ các loại nấm linh chi, nấm bào ngư, nấm rơm và bột nấm cho một số nơi chuyên kinh doanh cùng một số chuỗi thương hiệu siêu thị và cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch.
|
Hiện nay, Nấm Xanh đang dồn lực, tập trung phát triển các sản phẩm nấm chế biến, trong đó có nấm linh chi. |
Võ phân tích, phân khúc khách hàng của nấm rất lớn. Tuy nhiên, nhược điểm của sản phẩm nấm này là thời gian bảo quản ngắn và khó bảo quản khi vận chuyển xa. Do đó, các sản phẩm từ nấm chế biến sẽ khắc phục được toàn bộ những hạn chế này. Ngoài các sản phẩm trên, Võ còn có dự định sản xuất thêm các sản phẩm chế biến từ nấm như nấm đóng lon, ruốc nấm, giò chả nấm…
"Nấm Xanh sẽ phát triển trang trại theo hình thức liên kết chuỗi trong sản xuất, và tập trung vào mảng sản phẩm chế biến, ngoài chiếm lĩnh thị phần khách hàng trong nước, mục tiêu xa hơn là thị trường nước ngoài." - CEO Nấm Xanh Nguyễn Anh Võ chia sẻ.
Theo Hồng Ân (Dân Việt)