Bệnh viện Chợ Rẫy có thể tạm ngưng hoạt động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) hiện gặp nhiều khó khăn trong việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, hóa chất, máy móc hư hỏng không thể sửa chữa buộc phải chuyển bệnh nhân đến cơ sở khác.

Ngày 23-2, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết bệnh viện đã có báo cáo gửi Bộ Y tế về những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện Nghị quyết 144 của Chính phủ về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Theo đó, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết về quản lý trang thiết bị y tế, đã được quy định tại các điều 43, 44, 45 của Nghị định 98 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế, ban hành ngày 8-1-2021. Tuy nhiên, trong thực tế, việc kê khai và công khai giá trang thiết bị y tế chưa thực hiện đầy đủ chi tiết cấu hình tính năng; giá kê khai của trang thiết bị y tế chưa được kiểm soát, có tình trạng giá kê khai cao hơn rất nhiều so với giá bán thực tế. Do vậy, bệnh viện không thể xác định giá trị thật của trang thiết bị y tế, xây dựng giá gói thầu để mua sắm.

Nhân viên y tế thăm khám cho bệnh nhân cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM)

Nhân viên y tế thăm khám cho bệnh nhân cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM)

Đối với sửa chữa, bảo trì, linh kiện thay thế trang thiết bị y tế, hiện chưa có quy định cụ thể, chưa được quản lý giá, chưa có quy định kê khai, công khai giá. Tình trạng này dẫn đến bệnh viện không xác định được giá gói thầu để mua sắm sửa chữa, trong khi việc vận hành trang thiết bị y tế luôn đòi hỏi phải mua sắm linh kiện thay thế sửa chữa, bảo trì.

Thực tế, từ khi Nghị định 98 có hiệu lực thi hành (từ ngày 1-1-2022) đến nay, việc thu thập đầy đủ các báo giá cũng như tham khảo giá kê khai, công khai trên cổng thông tin gặp rất nhiều khó khăn. Hầu hết các trang thiết bị y tế kỹ thuật cao như máy chụp cắt lớp vi tính, máy chụp cộng hưởng từ (MRI), máy siêu âm doppler màu… đều không có đủ 3 báo giá theo quy định để thực hiện đấu thầu mua sắm mới cũng như sửa chữa, bảo trì. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân.

"Bệnh viện thường xuyên trong trạng thái thiếu trang thiết bị y tế, thiết bị hư hỏng không sửa chữa được, phải chuyển bệnh nhân đến cơ sở khác để thực hiện gây rất nhiều khó khăn, phiền toái cho người bệnh" - báo cáo nhấn mạnh.

Đối với số lưu hành, giấy phép nhập khẩu của trang thiết bị y tế, hiện nay hầu hết không còn hiệu lực nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác điều trị người bệnh. Các nhà thầu không thể nhập khẩu được trang thiết bị y tế để cung ứng cho bệnh viện đặc biệt là hóa chất xét nghiệm khí máu, xét nghiệm chẩn đoán nhồi máu cơ tim, vôi sô đa,…

Bên cạnh đó, trang thiết bị y tế (bao gồm cả vật tư y tế, hóa chất,…) là một loại hàng hóa đặc thù của ngành y tế, liên quan trực tiếp đến tính mạng của người bệnh, do đó cần được qui định cụ thể, đầy đủ, rõ ràng, công khai, kịp thời để đáp ứng nhu cầu điều trị cho người bệnh. Tuy nhiên đến nay, Nghị định 98 vẫn chưa được điều chỉnh bổ sung theo điểm a khoản 1 của Nghị quyết 144.

Cũng trong báo cáo, Bệnh viện Chợ Rẫy chỉ rõ "giá gói thầu" là vấn đề mà bệnh viện gặp nhiều khó khăn nhất. Có rất nhiều trang thiết bị y tế, hóa chất và vật tư y tế tiêu hao không thể nhận được đầy đủ 3 báo giá.

Theo lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy, vấn đề này đã gây rất nhiều trở ngại cho công tác điều trị và cấp cứu bệnh nhân. Nếu bệnh viện tiếp tục chờ đợi 3 báo giá thì không thể xây dựng được giá gói thầu. Từ đó, chắc chắn Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ tạm ngưng hoạt động vì không đủ hóa chất để xác định chẩn đoán và không đủ vật tư y tế tiêu hao để điều trị cho người bệnh.

Bệnh viện Chợ Rẫy đã có văn bản số 354 ngày 13-2-2023 gửi Bộ Y tế, Bộ Tài chính để xin hướng dẫn cụ thể các căn cứ thực tế mà bệnh viện thu thập được có đủ cơ sở để xây dựng giá gói thầu nhưng vẫn chưa được sự trả lời hướng dẫn từ các bộ.

Trước thực tế trên, Bệnh viện Chợ Rẫy kiến nghị Bộ Y tế giải quyết các vướng mắc, khó khăn, giúp các bệnh viện có thể triển khai đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế.

Thứ nhất, quản lý giá trang thiết bị y tế, linh kiện thay thế sửa chữa bảo trì,… phải đảm bảo tính công khai khách quan với giá trị thực của thiết bị, phải có cơ quan kiểm soát và chịu trách nhiệm việc kê khai và công khai giá.

Thứ hai, khẩn trương cấp mới/cấp lại/gia hạn số lưu hành, giấy phép nhập khẩu được quy định tại Nghị định 98 để nhanh chóng có vật tư y tế, hóa chất phục vụ điều trị người bệnh.

Thứ ba, về lâu dài, cần thiết xây dựng luật đấu thầu riêng cho ngành y tế hoặc bổ sung chương đấu thầu cho ngành y tế trong Luật đấu thầu.

Có thể bạn quan tâm

4 lợi ích sức khỏe khi chạy bộ 2 km/ngày

4 lợi ích sức khỏe khi chạy bộ 2 km/ngày

Chạy bộ là một trong những hình thức tập luyện phổ biến nhất. Lợi thế của bài tập này là không cần thiết bị tập luyện và bất kỳ ai cũng có thể tập. Tùy vào thể lực của từng người mà có thể chạy với cự li bao xa.

Cảnh báo lây nhiễm HIV kiểu mới tại Gia Lai

Cảnh báo lây nhiễm HIV kiểu mới tại Gia Lai

(GLO)- Nhân Tháng hành động Quốc gia Phòng-chống HIV/AIDS năm 2024, phóng viên Báo Gia Lai đã phỏng vấn ông Bá Tường Đăng Phong-Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh về tình hình và công tác phòng-chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.

Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế, chiều 2711. Ảnh Media Quốc hội. Nguồn vnexpress.net

Người mắc bệnh hiểm nghèo sẽ được chuyển bảo hiểm y tế lên thẳng cấp chuyên sâu

(GLO)- Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, trong đó có điểm mới về thông cấp khám-chữa bệnh với quy định một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu.