(GLO)- Theo thống kê của Sở Y tế Gia Lai, tính đến cuối tháng 6-2017, toàn tỉnh đã ghi nhận 730 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), không có tử vong. So với cùng kỳ năm trước, số ca mắc giảm hơn phân nửa, tuy nhiên, hiện bệnh SXH đã và đang bước vào mùa cao điểm, khả năng các ca mắc sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới, đòi hỏi công tác phòng-chống bệnh phải được tăng cường để tránh gia tăng và lây lan trên diện rộng.
Ông Nguyễn Đình Tuấn-Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Hiện bệnh SXH đã xảy ra tại 40/222 xã, phường, thị trấn của 17 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Các địa phương có số mắc cao gồm TP. Pleiku với 187 ca, tiếp theo là các huyện: Phú Thiện, Chư Prông, Chư Sê, Đức Cơ… Tuy số ca mắc SXH 6 tháng đầu năm nay giảm hơn phân nửa so với cùng kỳ năm trước nhưng thực tế từ cuối tháng 6 trở đi tình hình SXH sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp vì bước vào các tháng cao điểm. Đơn cử như năm 2016, 6 tháng đầu năm số ca mắc SXH trên toàn tỉnh chỉ 1.596 ca nhưng 6 tháng cuối năm số bệnh nhân mắc SXH tăng vọt. Tổng kết năm 2016, toàn tỉnh ghi nhận trên 13.374 ca, trong đó có 1 ca tử vong (tăng hơn 4,4 lần số ca mắc so với cùng kỳ năm 2015).
Vệ sinh môi trường không để muỗi có nơi ẩn nấp, sinh trưởng. Ảnh: N.Y |
Để chủ động phòng-chống SXH, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Y tế Dự phòng tăng cường giám sát tình hình diễn biến của bệnh SXH trên địa bàn tỉnh thời gian đến; phối hợp với các địa phương tập trung phòng-chống SXH và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh SXH theo quy định của Bộ Y tế, không để bệnh lây lan và gia tăng trên diện rộng.
Riêng ngành Y tế TP. Pleiku đã chủ động triển khai các chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng phòng-chống SXH”. Đến nay 23/23 xã, phường trên địa bàn thành phố đã triển khai chiến dịch với 25.757/58.805 hộ dân tham gia, đạt tỷ lệ 43,8%. Trong quá trình triển khai chiến dịch đã nhận được sự chỉ đạo và hỗ trợ từ các cấp, các ngành và sự phối hợp, đồng thuận từ người dân. Các hộ dân đã tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, lật úp được 1.134 dụng cụ chứa nước có lăng quăng, loại bỏ nơi ẩn nấp, sinh sản và phát triển của muỗi. “Ngoài ra, Trung tâm Y tế TP. Pleiku đã lập 2 đoàn kiểm tra, giám sát các hoạt động phòng-chống SXH tại các xã trên địa bàn…”-bác sĩ Đặng Phước Toàn-Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Pleiku cho biết.
Theo khuyến cáo của ngành Y tế, hiện chưa có vắc xin phòng bệnh SXH, vì vậy mỗi người dân cần nâng cao ý thức phòng-chống bệnh cho mình và cộng đồng. Ngoài công tác vệ sinh môi trường, người dân cần tập thói quen ngủ màn, đối với người bệnh SXH cũng cần ngủ màn; để tránh muỗi đốt lây bệnh cho những người khác. Khi phát hiện các dấu hiệu như sốt cao đột ngột 39-400C, kéo dài 2-7 ngày, khó hạ sốt; đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu, có thể có nổi mẩn, phát ban; nặng hơn, người bệnh có dấu hiệu xuất huyết như chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm… thì nên đến ngay các cơ sở y tế kịp thời khám và điều trị; tuyệt đối không tự ý dùng thuốc điều trị tại nhà, nhất là thuốc kháng sinh.
Như Ý