"Bẫy" thực phẩm chức năng - Bài 2: Rước họa vào thân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong khi các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng (TPCN) không ngừng thổi phồng công dụng của sản phẩm, gây ngộ nhận cho người tiêu dùng thì công tác quản lý mặt hàng này vẫn chưa được các cơ quan chức năng xử lý thấu đáo, rốt ráo, khiến người bệnh lãnh đủ.
Nghe quảng cáo, bỏ điều trị
Mới đây, bé N.V.D. (9 tuổi, ngụ TPHCM) được đưa đến Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM trong tình trạng thừa cân, béo phì do lạm dụng TPCN. Dù chỉ cao chưa tới 1,2m nhưng em nặng đến 39kg. Chị M, mẹ bé N.V.D., cho hay trước đó thấy con thấp hơn so với bạn bè cùng trang lứa nên mua TPCN từ nước ngoài rồi ép con uống để tăng trưởng chiều cao. Tuy nhiên, sau 3 tháng sử dụng, chiều cao của bé không thấy tăng mà cân nặng lại vượt ngưỡng quá mức, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển toàn diện.
Theo TS-BS Huỳnh Thị Vũ Quỳnh, Phòng khám Nhi - Bệnh viện Đại học Y Dược, hiện trên mạng đang quảng cáo tràn lan các loại thuốc giúp tăng chiều cao nhập khẩu từ Mỹ, Nhật… với lời hứa hẹn giúp trẻ em cải thiện chiều cao đáng kể trong thời gian ngắn, thậm chí tăng chiều cao cả ở người trưởng thành. Nhiều phụ huynh lạm dụng các loại TPCN này theo quảng cáo mà không có sự tư vấn của chuyên gia y tế nên rất dễ dẫn đến việc trẻ bị dư thừa chất. 
Lực lượng chức năng kiểm tra chất lượng sản phẩm TPCN tại một cửa hàng bán lẻ. Ảnh: QUỐC KHÁNH
Trước đó, cuối tháng 12-2018, bệnh nhân L.H.T. (53 tuổi, ngụ quận Thủ Đức, TPHCM) được Bệnh viện Quận Thủ Đức xác định mắc ung thư phổi. Sau một vài liệu trình hóa trị, do gặp một số tác dụng phụ khi dùng thuốc như rụng tóc, nôn ói… cùng với sự “tư vấn” của người nhà, ông quyết định ngưng điều trị và chuyển sang dùng một loại TPCN chiết xuất từ tảo biển.
Tuy nhiên, sau hơn 2 tháng, ông L.H.T. phải quay trở lại bệnh viện với tình trạng nhức đầu kéo dài và yếu nửa người. Kết quả kiểm tra cho thấy, khối u đã phát triển thêm và di căn lên não. “Đây là trường hợp vô cùng đáng tiếc, bởi nếu bệnh nhân không bỏ điều trị giữa chừng thì có thể kết quả đã khác”, bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung bướu - Bệnh viện Quận Thủ Đức, nhìn nhận. Cũng theo bác sĩ Vũ, thực tế có rất nhiều bệnh nhân khi đang điều trị thì nghe quảng cáo những TPCN chiết xuất từ mãng cầu xiêm, Fucoiden, lá đu đủ… nên bỏ viện về nhà uống TPCN và khi trở lại bệnh viện chỉ còn sự nuối tiếc vì đã qua giai đoạn “vàng” điều trị bệnh.
Nhiều bệnh nhân ung thư tới khám ở giai đoạn cuối, khối u đã di căn nhiều nơi trong cơ thể, vì lúc mới phát hiện bệnh, người bệnh không điều trị ngay mà lại lao vào sử dụng TPCN. Thậm chí, có người đang điều trị tại bệnh viện, nhưng khi nghe quảng cáo đã bỏ thuốc quay sang dùng TPCN khiến cơ hội sống ngày một ít đi. 
Buông lỏng quản lý
Theo đánh giá của Bộ Y tế, cả nước hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh, phân phối TPCN với trên 6.000 sản phẩm đang lưu hành. Tuy nhiên, trong đó có nhiều loại TPCN không rõ nguồn gốc, chất lượng không đảm bảo, thậm chí là nguy hại cho sức khỏe, vẫn được kinh doanh và quảng cáo tràn lan như “thần dược” đối với sức khỏe con người, khiến người tiêu dùng như rơi vào ma trận không biết thực hư ra sao.
Do vậy, để quản lý tốt hơn thị trường TPCN, nhiều ý kiến cho rằng cần phải có quy định chặt chẽ, không để TPCN đi “ngoài luồng”. Các lực lượng chức năng cần tập trung làm tốt ngay từ khâu xác nhận công bố, kiểm tra chất lượng, công khai việc thực thi, kiên quyết thu hồi và dừng cấp phép có thời hạn đơn vị làm hàng giả. Ngoài ra, cần kiện toàn lại hệ thống quy định pháp luật về điều kiện sản xuất, kinh doanh TPCN một cách chặt chẽ, không để các quy định lỏng lẻo như hiện nay tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh TPCN lách luật.
“Những mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người như thuốc, TPCN, mỹ phẩm… phải xác định xử nghiêm và xử lý hình sự mới đủ sức răn đe”, ông Trần Hùng, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường -  Bộ Công thương, đề xuất. 
Một trong những công cụ pháp lý hữu hiệu là sự ra đời của Nghị định 15/2018/NĐ-CP, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, chính thức có hiệu lực từ ngày 2-2-2018. Trong Nghị định 15/2018 có một nội dung quan trọng là bắt đầu từ ngày 1-7-2019, tất cả cơ sở sản xuất TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải đạt tiêu chuẩn GMP (Thực hành tốt sản xuất TPCN) của Bộ Y tế.
Đây được xem là cơ sở pháp lý để sàng lọc, loại bỏ các cơ sở sản xuất TPCN không đủ điều kiện, giảm thiểu hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng. Đồng thời xây dựng ngành hàng TPCN ở Việt Nam thành một ngành kinh tế - y tế, phát triển bền vững, lành mạnh vì sức khỏe của người tiêu dùng.

Hiện nay, trong số hơn 3.000 cơ sở sản xuất TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khỏe ở nước ta, chỉ có khoảng 300 cơ sở sản xuất đủ điều kiện đạt chuẩn GMP. Theo lộ trình thực hiện GMP đã được đề ra, nếu sau ngày 1-7-2019, các cơ sở vẫn không đạt tiêu chuẩn GMP, không được cấp chứng nhận GMP thì không được phép tiếp tục sản xuất TPCN. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc giám sát, nâng cao chất lượng các sản phẩm TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, giúp loại bỏ những sản phẩm không đạt chất lượng ra khỏi thị trường...

Ông NGUYỄN THANH PHONG, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế

Nhóm PV (SGGP)

Có thể bạn quan tâm

Tội ác trong một mái ấm

Tội ác trong một mái ấm

Trong khi công tác bảo trợ trẻ mồ côi cũng như các chương trình chăm sóc bảo vệ trẻ em ở TP.HCM ngày càng được xã hội quan tâm và hầu hết mái ấm tình thương đều đóng góp tích cực vào hoạt động ý nghĩa này, thì vẫn có nơi đã, đang diễn ra những hành vi vô nhân tính.
Dưới lớp tro tàn Tân Lập

Dưới lớp tro tàn Tân Lập

(GLO)- Những phát hiện mới về Tân Lập gần đây cho phép khẳng định nơi này từng là một làng quê trù phú của người Việt. Hành động bức tử, xóa sổ Tân Lập (nay thuộc xã Đăk Hlơ, huyện Kbang) của giặc Pháp hồi tháng 3-1947 chỉ có tác dụng nhất thời. 
Mưu sinh đầu mùa nước nổi

Mưu sinh đầu mùa nước nổi

Dân miền Tây có câu tháng Bảy nước nhảy khỏi bờ. Đó là tháng Bảy âm lịch, thời điểm nước tràn đồng trên miệt đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu. Một mùa đánh bắt cá của bà con cũng khởi phát, kéo dài suốt mấy tháng.
Hoài niệm ở chốn Kinh kỳ

Hoài niệm ở chốn Kinh kỳ

Bên cạnh cư dân người Việt có quê gốc tại chỗ, một số đông dân cư ngụ ở Phố Hiến là từ các địa phương khác về làm ăn sinh sống. Có một sự quần tụ nơi "đất lành".
Tiếng vọng đại ngàn

Tiếng vọng đại ngàn

Tháng 8 về, Buôn Đôn trong veo những mảng màu. Rừng xanh ầm tiếng tù và. Bên dòng sông chảy ngược Sêrêpốk, nơi các dũng sĩ săn voi (gru) trứ danh từng chinh phạt mãnh tượng, hồng hoang thương nhớ những cuộc đời huyền thoại...
Nghề làm đẹp cho… người chết!

Nghề làm đẹp cho… người chết!

Người sống cần làm đẹp đã đành, mà người đã khuất cũng có luôn? Tất nhiên, nhu cầu đó của người đã khuất, đa phần xuất phát từ người thân của họ, những người còn đang sống. Ai cũng hiểu, lúc sống thế nào thì thôi, nhưng đã về bên kia thế giới, thì còn gì nữa đâu?
Lang thang “chợ âm phủ” trên phố núi

Lang thang “chợ âm phủ” trên phố núi

Mặt trời ngả xuống núi, phố nhỏ lên đèn, êm đềm chìm trong làn sương trắng mong manh. Những gánh hàng rong kẽo kẹt ghì chặt từng đôi vai gầy. Các chị, các mẹ bắt đầu xuống “chợ âm phủ”, đem theo vận may một đêm chạy hàng.