Bất an văn hóa giao thông - Bài 1: Mạnh ai nấy… chạy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hình ảnh giao thông ở TPHCM, đó là xe mình, mình chạy; đường chung nhưng muốn thì đi theo kiểu của mình; đèn đỏ vẫn cứ phi thẳng mà đèn chưa đỏ nhưng thích thì cứ dừng. Có những ngày di chuyển ngoài đường mệt nhoài, chỉ mong đi đến nơi về đến chốn, dù chỉ là đoạn đường ngắn.
LTS: Tham gia lưu thông trên đường, bất kể ai cũng sẽ chứng kiến chuyện xe cộ chạy không theo một trật tự nào. Vượt đèn đỏ, leo lề, tạt đầu, rẽ, dừng bất ngờ… luôn là cái bẫy mà người đi đường phải tỉnh táo để né, bảo vệ an toàn cho bản thân. Chuyện giao thông giờ đây không chỉ có kẹt xe mà tai nạn, sự cố đủ kiểu chực chờ từ những lý do tưởng chừng vô lý nhất, khiến không ít người ngao ngán thở dài. Một trong những nguyên nhân là do văn hóa giao thông.

Người phụ nữ dừng xe ngược chiều trên đường Trương Định, TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Người phụ nữ dừng xe ngược chiều trên đường Trương Định, TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
“Tốc độ bàn thờ”
Nghe tiếng nẹt pô từ trong cây xăng, cô Út quay sang: “Tao không hiểu nổi, nó chạy kiếm ông nội ông ngoại gì mà chạy dữ thần”. Cô Út dứt lời, chiếc xe máy phóng từ cây xăng ra, thắng gấp (vì tránh xe tải vừa dừng để giao hàng) nên đảo bánh xe, ngã một cú thật mạnh. Tôi chưa kịp hoàn hồn sau tiếng “rầm” từ cú ngã kia, cô Út nói tiếp: “Tao ngồi đây thấy mỗi ngày, tụi này có té cũng vừa lắm, nó làm thì nó chịu”. Chiếc Wave độ lại với tiếng nổ máy đau đầu, điếc tai và dán decal đủ kiểu “chất chơi”, nhưng sau cú ngã quá mạng vừa rồi nát vài chỗ, tôi lại gần hỏi chuyện thì biết thanh niên lái xe tên Thành T. (ngụ quận 8), mới 19 tuổi nhưng có thâm niên độ xe được 3 năm.
“Xui thôi, để về kêu ông anh coi lại, chắc máy với thắng chưa ngon”, T. vừa nói vừa xem lại từ tay đến chân, lởm chởm mấy chỗ rướm máu. “Tao thấy ngày nào mày cũng ôm chiếc xe chỉnh tới chỉnh lui, có hư gì đâu, chẳng qua là mày chạy cho cố, thắng gấp nó đảo bánh xe thì té thôi chứ xui rủi cái gì”, chú Tấn (53 tuổi, xe ôm, ngụ quận 8) vừa nói vừa bĩu môi.
Ngay góc ngã tư quốc lộ 50 giao với đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh), tôi ngồi cùng cô Út (55 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh) bán nước giải khát. Chưa đầy 15 phút, ly nước uống chưa hết một nửa, nhưng tôi cũng đoán được, “nẹt pô” và “tốc độ bàn thờ” dường như là “đặc sản” vùng ven này.
Cô Út kể: “Cái thằng đó (ý nói thanh niên tên T., vừa té xe) tao còn lạ gì, chạy xe thì không mũ bảo hiểm, nẹt pô ầm ầm, có nhiêu ga kéo hết, mà ngã tư xe cộ vầy, thì bây nghĩ coi thắng gấp làm sao không té. Mà khu này, không chỉ có nó, còn nhiều lắm, chạy xe kiểu này té mình nó không sao, quẹt phải người đi đường, khổ cho người ta”. Có khách mối gọi tới đón, chú Tấn nói lẹ mấy câu rồi mới đi: “Thôi tao đi rước bà khách, bây ngồi chơi, ngồi thử một bữa nghe nẹt pô rát tai luôn nha con. Ở đây, tụi nó chạy xe “tốc độ bàn thờ”, chứ không có chạy bình thường như người ta”.
Những tiếng nẹt pô chói tai kéo dài, rú ga thật mạnh, tôi ngồi quan sát, chốc lát cô Út lại khều khều vai tôi, rồi chỉ tay ra đường, một chiếc Wave độ lại đang chạy tới, quả thật không sai, chạy xe “tốc độ bàn thờ” là có thiệt.
Chuyện chạy xe với “tốc độ bàn thờ” không chỉ có ở vùng ven. Khu vực nội thành, nhiều người đi đường cũng có những phen hú vía. Tôi từng chứng kiến một thanh niên đi xe côn lao vút khi đèn đỏ tại ngã ba Hồ Văn Huê - Hoàng Văn Thụ (quận Phú Nhuận) nhưng may chỉ va nhẹ phần đuôi xe của người đàn ông trung niên theo hướng từ đường Hồ Văn Huê thông sang hẻm 59 đường Hoàng Văn Thụ. Hai bên chỉ cần đi chậm 1-2 giây không ai biết hậu quả ra sao bởi tốc độ chiếc xe côn lao như tên bắn.
Là nạn nhân của vụ tai nạn tương tự, nhưng chị Tường Vi (43 tuổi, quận 5) không may mắn như vậy. Lưu thông trên đường Bùi Viện (quận 1), xe máy của một thanh niên đi hướng ngược chiều, vì lách người đi bộ sang đường, lao thẳng vào đầu xe bên làn đường của chị.
“Con gái tôi ngồi phía sau vì lực tông quá mạnh, bay qua người tôi ngã nhào về phía trước. Khi hoàn hồn, tôi mới nhìn thấy đầu xe của thanh niên kia nát bươm, bánh trước rời ra, đứt cả thắng xe. May phước, con gái tôi chỉ bị thương nhẹ. Thanh niên kia cũng kịp lồm ngồm bò dậy. Mặt tôi cũng chỉ bị bầm, chân tay đôi chỗ rướm máu, nhưng cũng phải mất nửa tháng người mới hết ê ẩm”, chị Tường Vi nhớ lại.
Cẩn trọng với “Ninja Lead”
“Đường ta đang đi của bố mẹ ta/Chẳng thèm quan tâm người khác kêu ca”, là câu hát châm biếm về những “sát thủ đường phố” mà ai thấy, tránh nhanh còn kịp. “Quẹo gì kỳ vậy bà nội”, anh Hoàng Long (43 tuổi, ngụ quận 7) té nhào ngay đường 9A (đoạn gần vòng xoay Trung Sơn) vì một “Ninja Lead” (người mặc áo, váy chống nắng, đeo khẩu trang và bịt kín cả mặt khi ra đường) quẹo mà không thèm xi nhan.
Phụ một tay đỡ anh Long và xe máy đứng dậy, cô Lê Thị Hà (61 tuổi, ngụ quận 8) thở dài: “Chú em té vầy là nhẹ rồi, không sao đó. Chứ nhiều bà bịt mặt, bịt mũi kín mít, đâu có dòm thấy xe chạy gần mình, muốn quẹo là quẹo, đụng một lúc dính chùm 2, 3 xe. Nhiều bữa đứng bán bắp thì ít, phụ đỡ người té xe thì nhiều”. Vòng xoay Trung Sơn, xe từ phía quận 7 qua, hướng từ quận 8 về, và từ Bình Chánh sang, một cú va quẹt nhỏ cũng rất dễ gây ùn tắc, nhất là vào buổi sáng và giờ tan tầm, vì lưu lượng xe khu vực này đông.

Cố chen lấn để chạy ngược chiều đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Cố chen lấn để chạy ngược chiều đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Gần 10 năm chạy xe ôm và đậu xe ở khu vực này, chú Nguyễn Văn Hòa (63 tuổi, ngụ quận 7) kể: “Đường ngập hay kẹt xe cũng không sợ bằng mấy bà “Ninja Lead”, bịt kín mít rồi đâu có dòm xung quanh trái phải được, chỉ dòm thẳng thôi, nên chạy xe dễ quẹt người ta, quẹt xong bỏ chạy luôn, sợ lắm!”. “Đặc sản” ngoại thành, vùng ven có nẹt pô, “tốc độ bàn thờ”; riêng “Ninja Lead” khu vực nào cũng thấy. Lấy lý do nắng nóng ảnh hưởng đến sức khỏe, không ít người bịt kín khi tham gia giao thông, dần thành một thói quen. 
Hơn 5 giờ chiều, một cái “rầm” rõ lớn ngay góc ngã tư đường Nguyễn Văn Cừ - Nguyễn Trãi (hướng về quận 5), người đàn ông đi từ trong cây xăng ra, vừa đỡ xe vừa than phiền: “Trời ơi, bịt ít ít thôi, kín mít vầy không thấy đường thấy sá gì té nhào là phải, mà chiều rồi có nắng bao nhiêu nữa đâu”. Chú Hòa đỡ một phụ nữ “Ninja Lead”, còn tôi phụ đỡ chiếc xe một bạn sinh viên vừa bị “Ninja Lead” quẹt ngã.
Chuyện tham gia giao thông không chỉ theo ý người cầm lái, đôi khi còn theo mùa. Mùa mưa, ngập nước thì giành luôn đường người khác để đi. Mùa nắng nóng thì phổ biến chuyện vô tư đậu dưới bóng cây, rất đột ngột và cách xa trụ đèn tín hiệu giao thông. Đi làm mỗi ngày qua đường Trần Hưng Đạo (đoạn quận 1), anh Nguyễn Thành Ơn (45 tuổi, ngụ quận 5) không ít phen hú hồn: “Đang chạy ngon lành tự nhiên dừng lại, dòm vẫn đang đèn xanh, còn tuốt trên kia nhưng người ta cứ dừng lại vì ngay đây có cái tán cây. Mà chưa hết, cái bóng râm có bao nhiêu, xe nào cũng chen nhau đậu ké chỗ mát để chờ đèn đỏ, dòm tưởng đâu bị kẹt xe cục bộ. Tui bị hoài luôn, xe đang chạy trước mặt bon bon vậy đó, dừng bất tử, xe sau không thắng kịp là đụng liền, hú hồn thiệt chứ”. Ngã tư Trần Huy Liệu - Nguyễn Văn Trỗi dù chỉ có duy nhất bóng cây nho nhỏ, giờ nắng cao điểm, các xe chen nhau núp lùm.
Khắp từ nội ô đến ngoại thành, chuyện vượt đèn đỏ, lấn làn đường, leo lề... diễn ra “tự nhiên” như nó phải thế. Dải phân cách trên đường Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp) dành cho xe máy lưu thông hướng ra vòng xoay Phạm Văn Đồng cũng trở nên vô nghĩa khi người lưu thông về hướng Phạm Ngũ Lão hoàn toàn áp đảo. Cầu số 3, 4, 5 trên kênh Nhiêu Lộc (quận Tân Bình) có lắp các thanh chắn ngăn rẽ ngược chiều cũng không có tác dụng, vì thói quen tiện là rẽ, thay vì phải đi thêm một đoạn chỉ chừng 100-200m.Thậm chí nhiều tuyến đường nội đô phải lắp các barie chắn xe máy không cho leo lề như đường Lý Tự Trọng, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1), nhưng một thời gian, cũng méo xẹo.
Tham gia giao thông, ai cũng biết câu “nhanh một phút, chậm cả đời”. Giao thông theo kiểu cảm tính và tranh nhau cái lợi chỉ tính bằng giây khiến nhiều người quên mất mình còn cả một cuộc đời đằng sau tay lái. Cái lợi trước mắt luôn đi kèm cái giá quá đắt.
Vẫn là đường Nguyễn Văn Linh, nhưng tôi đi theo hướng về phía cầu Ông Lớn, dừng lại mua ly nước cam ngay ngã tư đường Nguyễn Văn Linh - đường Phạm Hùng, vợ chồng chú Nhã (50 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh) nhanh lẹ: “Sát vào đây con, để kẹt xe qua lại”.
Đưa ly nước cam cho tôi, chưa kịp thối tiền, chú Nhã vội quát lớn: “Dừng xe theo vạch kẻ đường kìa mấy cha nội, cột đèn giao thông ngay đây, chạy tuốt trên đó sao dòm đèn hả trời”.
Đèn đỏ ngay khu vực này hơn 100 giây, không ít xe tranh thủ vượt luôn đèn đỏ, có xe thì dừng rất xa vạch kẻ gần sát phía bên kia đường.
“Tao không biết là nhanh hơn được nhiêu luôn á, chừng một phút là cùng, vậy mà cũng ráng vượt đèn đỏ. Ngồi ở đây một ngày đếm không xuể người vượt, rồi đậu xe mà đậu kiểu vậy đó, sát qua bên kia đường luôn rồi, nhiều bữa xe đông va quẹt hay kẹt xe hà rầm cũng là vậy”, chú Nhã bực bội nói.

KIM LOAN - VĂN TUẤN (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.