(GLO)- Gia Lai là một trong những tỉnh có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất khu vực Tây Nguyên với hơn 719.314 ha. Trên địa bàn tỉnh có Vườn Quốc gia (VQG) Kon Ka Kinh và Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng với hệ sinh thái động-thực vật đa dạng, nhiều loài quý hiếm được ghi trong Sách Đỏ thế giới. Bởi vậy, công tác bảo tồn thiên nhiên, gìn giữ đa dạng sinh học đang là một thách thức đặt ra đối với địa phương.
Những “viên ngọc xanh”
Trong tổng số gần 15.530 ha đất tự nhiên hiện có của Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng, diện tích rừng tự nhiên chiếm tới 15.480 ha, trong đó có trên 9.400 ha rừng nguyên sinh. Theo đánh giá, rừng Kon Chư Răng có độ che phủ 98,5%. Đặc biệt, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng nằm giữa trung tâm đa dạng sinh học của vùng, được xếp loại A-có tầm quan trọng quốc tế về đa dạng sinh học với thảm thực vật rừng rất phong phú (khoảng 7 kiểu thảm thực vật rừng). Trong đó, nổi bật là kiểu rừng hỗn giao lá rộng, lá kim với 2 loài cây thuộc ngành hạt trần là thông nàng, hoàng đàn giả.
Về hệ thực vật, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng có 863 loài thực vật thuộc 547 chi, 160 họ; trong đó có 22 loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam (chiếm 2,55% tổng số loài của hệ thực vật khu vực và 5,13% số loài thực vật bậc cao có mạch thuộc Sách Đỏ Việt Nam). Về hệ động vật, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng có 380 loài động vật hoang dã có xương sống, 211 loài côn trùng. Ông Trịnh Viết Ty-Giám đốc Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng-cho rằng: “Với sự đa dạng, số lượng lớn các loài động-thực vật, trong đó có các loài động-thực vật quý hiếm, các loài đặc hữu, Kon Chư Răng đã được xếp loại mang tầm quốc tế về đa dạng sinh học. Điều đó cho thấy giá trị của hệ sinh thái của khu bảo tồn. Đây quả thực là một “viên ngọc xanh” độc đáo, rất có giá trị”.
|
Cán bộ Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng (huyện Kbang) hướng dẫn học sinh trồng cây xanh. Ảnh: L.H |
Tương tự, VQG Kon Ka Kinh hiện có 1.754 loài thực vật bậc cao (chiếm khoảng 14% số loài của hệ thực vật cả nước) gồm: 1.629 loài thực vật hạt kín, 16 loài thực vật hạt trần, 109 loài khuyết thực vật; 91 loài thực vật bậc thấp. Trong số này có 28 loài thực vật bị đe dọa thực sự ở quy mô toàn cầu (5 loài rất nguy cấp, 8 loài nguy cấp và 15 loài sẽ nguy cấp). Về hệ động vật, VQG Kon Ka Kinh có 88 loài thú, 326 loài chim, 77 loài bò sát, 58 loài ếch nhái-lưỡng cư và 321 loài côn trùng. Trong đó, có 55 loài động vật có tên trong Sách Đỏ Việt Nam, nhiều loài nằm trong Sách Đỏ thế giới.
Thách thức trong công tác bảo tồn
Mặc dù sở hữu số lượng lớn các loài động-thực vật quý hiếm, tuy nhiên, theo Giám đốc Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng, nhiều loài thực vật đang đứng trước nguy cơ suy giảm, số lượng cá thể rất ít, hiếm gặp, cá thể nhỏ, chất lượng cây kém. “So với trước khi thành lập Khu Bảo tồn, hiện nay, độ che phủ rừng đã tăng 1,1%, diện tích rừng giàu tăng 2,9 lần, rừng nghèo và rừng non giảm 29,5 lần, đất trống giảm 2,4 lần. Tuy nhiên, về đa dạng sinh học, không ít loài hiện vẫn đang là đối tượng bị khai thác trái phép. Do đó cần thiết phải có các biện pháp bảo vệ”-ông Ty nói.
|
Cán bộ Vườn Quốc gia Kon Chư Răng tuyên truyền về công tác bảo vệ rừng, giá trị của đa dạng sinh học cho các cháu học sinh tại xã Sơn Lang (huyện Kbang). Ảnh: L.H |
Tương tự, ông Ngô Văn Thắng-Phó Giám đốc VQG Kon Ka Kinh-cho rằng: Thời gian qua, công tác bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ tài nguyên rừng và môi trường nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo và hệ thống chính trị. Nhờ đó, cơ sở vật chất hạ tầng cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học như: cơ sở cứu hộ, nuôi nhốt, vườn ươm chuyên sản xuất cây giống… ở VQG Kon Ka Kinh được đầu tư. Tuy nhiên, công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại VQG hiện vẫn còn không ít thách thức. “Quan điểm về bảo tồn hiện có nhiều bất cập. Bảo tồn không có nghĩa là bảo vệ và duy trì tự nhiên của loài vì giá trị của chúng đem lại quá cao, không tránh được việc bị khai thác, săn bắt trộm. Do đó, cần có cái nhìn tích cực hơn. Nghĩa là bảo tồn bao gồm bảo vệ, sử dụng hợp lý và sử dụng biện pháp kỹ thuật phù hợp để phát triển loài”-ông Thắng nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, theo ông Thắng, nguồn kinh phí sự nghiệp phục vụ bảo tồn đa dạng sinh học cho rừng đặc dụng rất thấp. Diện tích trồng bảo tồn các loài thực vật nguy cấp, quý hiếm rất hạn chế. Ngoài ra, nhân lực được đào tạo chuyên sâu về bảo tồn hiện chưa có. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý và bảo tồn đa dạng sinh học.
LÊ HÒA