(GLO)- Trải qua 25 năm xây dựng và trưởng thành, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh Gia Lai luôn nỗ lực không ngừng để thực hiện chính sách an sinh xã hội và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhân kỷ niệm 25 Ngày Thành lập ngành BHXH Việt Nam (16/2/1995-16/2/2020), Báo Gia Lai Điện tử có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Lực-Giám đốc BHXH tỉnh Gia Lai xung quanh công tác thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn tỉnh.
* Phóng viên (P.V): Sau 25 năm xây dựng và phát triển, những thành tựu nào đáng ghi nhận trong công tác thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh Gia Lai thưa ông?
- Ông TRẦN VĂN LỰC: Lúc đầu thành lập, bộ máy BHXH tỉnh Gia Lai có 4 phòng chức năng và 11 BHXH huyện, thị xã với tổng số cán bộ, viên chức là 53 người; nơi làm việc chỉ là một căn nhà tạm, phương tiện ít ỏi. Sau 25 năm xây dựng và phát triển, BHXH tỉnh Gia Lai cơ bản hoàn thiện về cơ cấu tổ chức với 10 phòng nghiệp vụ và BHXH 16 huyện, thị xã (từ 1/1/2020, BHXH thành phố nhập về tỉnh) với 296 công chức, viên chức và người lao động. Cơ sở vật chất của các đơn vị được xây dựng khang trang, phương tiện làm việc đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.
Ông Trần Văn Lực- Giám đốc BHXH Gia Lai. Ảnh: Như Nguyện |
Năm 1995, số người tham gia BHXH chỉ dừng lại 43.000 thì sau 25 năm con số này tăng lên gần gấp đôi (trên 85.700 người); số người tham gia BHYT năm 2003-thời điểm cơ quan BHYT sáp nhập vào cơ quan BHXH có 125.361 người thì đến hết năm 2019 có gần 1,35 triệu người tham gia BHYT, tăng gấp 10,73 lần, tỷ lệ bao phủ BHYT chiếm 89% dân số của tỉnh. Đi liền với số người tham gia không ngừng tăng hàng năm là số tiền thu BHXH, BHYT cũng tăng theo tương ứng, từ 26,87 tỷ đồng năm 1995, đến hết năm 2019 số thu trên 2.465 tỷ đồng, tăng gấp 92 lần so với năm đầu mới thành lập.
Kịp thời giải quyết trên 20 ngàn hồ sơ hưởng chế độ BHXH hàng tháng; trên 71.000 người hưởng trợ cấp 1 lần; 286.828 lượt người hưởng các chế độ trợ cấp ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khoẻ; 27.312 người hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong 25 năm, đã chi trả các chế độ BHXH với tổng số tiền trên 12.810 tỷ đồng. Đến nay, tổng số đối tượng quản lý và chi trả thường xuyên toàn tỉnh trên 31.400 người, mỗi tháng trung bình chi lương hưu và trợ cấp BHXH trên 150 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, toàn hệ thống BHXH tỉnh Gia Lai cũng đảm nhận tốt việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT, kiểm soát tốt quỹ khám chữa bệnh BHYT. Tính từ năm 2003 đến nay, BHXH tỉnh đã thực hiện chi cho gần 10 triệu lượt người khám chữa bệnh, với tổng số tiền trên 5.000 tỷ đồng, đảm bảo tốt nhất mọi quyền lợi cho người có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh.
Công tác cải cách hành chính được đặc biệt quan tâm; từ 263 thủ tục hành chính (TTHC) năm 2009 đến năm 2015 còn 115 TTHC và đến nay cắt giảm xuống còn 27 TTHC, rút ngắn thời gian giải quyết rất nhiều TTHC như rút ngắn thời hạn cấp sổ BHXH từ 20 ngày xuống còn 5 ngày, thẻ BHYT từ 7 ngày xuống còn 5 ngày; việc cấp lại, đổi thẻ BHYT được thực hiện trong ngày... Ngoài ra, ngành đẩy mạnh giao dịch điện tử trong các lĩnh vực công tác, đến nay toàn tỉnh có trên 90,8% đơn vị đăng ký giao dịch điện tử với cơ quan BHXH.
* P.V: Trong thời điểm hiện nay, theo ông những khó khăn, thách thức nào mà ngành cần phải vượt qua để hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đặt ra?
- Ông TRẦN VĂN LỰC: Hiện nay công tác quản lý lao động còn gặp nhiều khó khăn và phức tạp, tình trạng thiếu hụt lao động, lao động nhảy việc vẫn tiếp tục diễn ra tại các doanh nghiệp. Mặc dù kinh tế trong những năm qua có dấu hiệu phục hồi nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, còn chậm đóng và nợ đọng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp nên không chốt được sổ BHXH, gây ảnh hưởng đến công tác triển khai, xác định đối tượng tham gia, ảnh hưởng đến lợi ích của người lao động.
Khó khăn nữa là tình trạng một số đơn vị sử dụng lao động lợi dụng kẽ hở của Luật BHXH, BHYT để lạm dụng các chế độ BHXH; tình trạng nợ đọng, chậm đóng và trốn đóng BHXH của một số đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn còn khá nhiều, đặc biệt là các đơn vị khối doanh nghiệp. Năm 2020, chỉ tiêu giao phát triển BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh Gia Lai tương đối cao (trên 15.000 người), đây cũng là một trong những thách thức đòi hỏi sự nỗ lực của toàn ngành nhằm đạt chỉ tiêu đề ra.
Ngoài ra, nợ ngân sách chậm chuyển BHYT năm 2017, 2018 vẫn chưa thu được; công tác BHYT chưa được Hội đồng Quản lý BHXH Việt Nam phê duyệt số tiền chi vượt năm 2018 là 153 tỷ đồng, dẫn đến thiếu hụt quỹ tại địa phương. Mặt khác, ngành BHXH đang trong giai đoạn thực hiện Đề án đổi mới, sắp xếp tinh gọn bộ máy tổ chức, trong khi nhiệm vụ của ngành ngày càng nặng nề, một cán bộ phải đảm nhận nhiều nhiệm vụ, dẫn đến áp lực công việc khá cao.
Ngành BHXH Gia Lai chú trọng thực hiện cải cách hành chính, nâng cao ý thức phục vụ. Ảnh: Như Nguyện |
*P.V: Thời gian đến, khắc phục những khó khăn, ngành BHXH Gia Lai sẽ phấn đấu thực hiện những chỉ tiêu, kế hoạch nào thưa ông?
- Ông TRẦN VĂN LỰC: Tiếp tục phát huy những thành quả đạt được trong 25 năm qua, bước vào năm 2020 và những năm tiếp theo, BHXH tỉnh Gia Lai sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020; Nghị quyết 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách BHXH; Quyết định 1167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, Phấn đấu đến năm 2021, có khoảng 12% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, khoảng 10% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); đến năm 2025 phấn đấu đạt khoảng 22% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, khoảng 17% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN. Đến năm 2030, phấn đấu đạt khoảng 30% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, khoảng 25% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN. Tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 100% dân số.
* P.V: Xin cảm ơn ông!
Như Nguyện (thực hiện)