(GLO)- Sau hơn một tháng xảy ra sự cố vỡ đê quai của công trình thủy điện Ia Krêl 2 (làng Bi, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) do Công ty cổ phần Công nghiệp và Thủy điện Bảo Long Gia Lai làm chủ đầu tư đã gây thiệt hại lớn về hoa màu và nhà cửa của người dân. Đến nay, mọi công tác điều tra nguyên nhân và xác định mức độ thiệt hại cơ bản hoàn tất. Tuy nhiên, đến khi nào những hộ dân nghèo ở đây được đền bù thiệt hại vẫn chưa được xác định cụ thể…
Dự án thủy điện Ia Krêl 2 có công suất thiết kế 5,5 MW, do Công ty cổ phần Công nghiệp và Thủy điện Bảo Long Gia Lai làm chủ đầu tư, với tổng diện tích 236 km2, mực nước dâng bình thường 203 mét, dung tích hồ chứa 8,99 triệu m3, chiều cao lớn nhất 27 mét, được khởi công từ cuối năm 2009. Sau gần 3 năm thi công, dù công trình đang thi công dang dở nhưng chủ đầu tư nút cống, chặn dòng để thi công hoàn thiện hai tường cánh hạ lưu, dẫn đến sự cố vỡ đập vào ngày 12-6-2013, gây thiệt hại hoa màu, nhà cửa của người dân gần 3 tỷ đồng.
Ảnh: Lê Anh |
Sau khi hoàn tất công tác đền bù, giữa năm 2014, thủy điện Ia Krêl 2 tiếp tục tái đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, do chủ đầu tư công trình không tuân thủ quy trình, quy định thiết kế tổ chức thi công và không thực hiện đúng thủ tục, chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước, tự ý xây dựng đê quai khi chưa được sự cho phép. Sau khi phát hiện, UBND tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý và yêu cầu chủ đầu tư hoàn chỉnh thủ tục hồ sơ thi công. Trong thời gian này, sự cố vỡ để quai đã xảy ra vào lúc 8 giờ 30 phút, ngày 1-8-2014, gây ra trận lũ nhân tạo kinh hoàng và thiệt hại lớn về hoa màu, tài sản của người dân xã Ia Dom, huyện Đức Cơ.
Theo số liệu thống kê thiệt hại của Đoàn liên ngành huyện Đức Cơ, sự cố vỡ đê quai lần này có 231 hộ dân bị thiệt hại về hoa màu, với tổng diện tích hơn 280 ha (chủ yếu là cây mì) và 3 tổ chức khác cũng bị ảnh hưởng về tài sản là Công ty 72 (Binh đoàn 15), Điện lực Đức Cơ và Sở Giao thông-Vận tải. Ông Trịnh Văn Thành-Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ cho biết: “Sau khi có kết quả ban đầu, UBND huyện đã làm việc với Công ty để dự kiến mức giá đền bù 16 triệu đồng/ha mì và cơ bản các bên đã thống nhất phương án. Còn những thiệt hại tài sản của 3 tổ chức trên, các bên tự thỏa thuận giá cả đền bù. Bước tiếp theo là thông qua phương án đền bù trên với những hộ dân bị thiệt hại để đi đến thống nhất. Chúng tôi sẽ làm việc cụ thể với Công ty quyết tâm giải quyết xong công tác đền bù trong tháng 9 để người dân có nguồn kinh phí tái đầu tư sản xuất…”.
Ảnh: Nguyễn Tú |
Phương án của huyện Đức Cơ cũng là điều người dân xã Ia Dom đang mong mỏi. Chị Siu Bun, làng Bi, xã Ia Dom chia sẻ: “Gia đình tôi có gần 2 ha mì đang chờ thu hoạch bị thiệt hại và toàn bộ gà, vịt bị dòng nước cuốn trôi. Tôi mong Công ty nhanh chóng đề bù để gia đình có tiền trang trải cuộc sống, đầu tư lại sản xuất và mua sắm đồ dùng cho 2 đứa con vào năm học mới…”.
Tuy nhiên, quyết tâm của chính quyền huyện Đức Cơ và những mong mỏi của người dân xã Ia Dom bị thiệt hại do vụ vỡ đê quai thủy điện Ia Krêl 2 gây ra có thể vẫn phải nằm ở chế độ… chờ. Trao đổi qua điện thoại (ngày 2-9) với ông Nguyễn Ngọc Ẩn-Phó Giám đốc Công ty cổ phần Công nghiệp và Thủy điện Bảo Long Gia Lai, chúng tôi được biết: Công ty đang cố gắng huy động nguồn kinh phí để khắc phục sự cố trên nên cũng chưa thể xác định chính xác mốc thời gian đền bù cho người dân bị thiệt hại…
Theo ước tính ban đầu, tổng thiệt hại do vỡ đê quai của thủy điện Ia Krêl 2 lần này có thể từ 5 tỷ đồng đến 6 tỷ đồng. Trong khi đời sống của người dân ở đây đang gặp rất nhiều khó khăn, thiết nghĩ cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, cơ quan chức năng và trách nhiệm của Công ty, để người dân sớm ổn định cuộc sống.
Lê Anh-Hồng Sơn