(GLO)- Sau 5 năm triển khai, tháng 11 tới đây, Ban chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sẽ tổ chức hội nghị đánh giá kết quả của cuộc vận động nhiều ý nghĩa này. Với Gia Lai, ngoài ban chỉ đạo cuộc vận động tỉnh, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, địa phương cũng đang tổng hợp, rà soát đánh giá kết quả thực hiện, chỉ ra những tồn tại, yếu kém, đúc rút kinh nghiệm và xây dựng chương trình kế hoạch thực hiện trong thời gian tới. Với trách nhiệm của mình, Báo Gia Lai đã có những đóng góp tích cực thiết thực hưởng ứng cuộc vận động.
Báo Gia Lai phối hợp với Công ty Prudential tặng quà Tết cho người nghèo. Ảnh: Đức Thụy |
Được sự quan tâm chỉ đạo của Ban Biên tập, sự phối hợp giữa các bộ phận chuyên môn nên cán bộ, phóng viên, biên tập viên nhận thức đầy đủ, sâu sắc mục đích ý nghĩa, nội dung cuộc vận động, đẩy mạnh tuyên truyền với nhiều hình thức, chuyên trang, chuyên mục, mục, tin, bài, hình ảnh trên các ấn phẩm. Ban biên tập báo có kế hoạch cho từng bộ phận chuyên môn, đặc biệt là trách nhiệm của các phòng Phóng viên, phối hợp với phòng Thư ký Tòa soạn xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phân công P.V theo dõi tình hình và thực hiện kế hoạch tin, bài một cách thường xuyên. Đồng thời, tích cực phát hiện, khai thác sự cộng tác của các cộng tác viên là các đồng chí lãnh đạo, quản lý, chuyên viên uy tín và kinh nghiệm của các sở, ngành có am hiểu sâu sắc trên một hoặc nhiều lĩnh vực tham gia.
Nội dung tuyên truyền trên báo Gia Lai tập trung vào mục đích, ý nghĩa, nội dung của cuộc vận động, Thông báo Kết luận 264-TB/TW của Bộ Chính trị về tổ chức phát động cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Chỉ thị 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện cuộc vận động, Thông báo số 1263-TB/TU của Thường trực Tỉnh ủy về triển khai thực hiện cuộc vận động, Thông tri 36/TTr-MTTW-BTT của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về hướng dẫn triển khai cuộc vận động…; hoạt động của Ban chỉ đạo cuộc vận động tỉnh, sự phối hợp của các sở, ban ngành, tổ chức chính trị-xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh; việc lồng ghép nội dung thực hiện cuộc vận động với các phong trào thi đua yêu nước của địa phương…
Tin, bài trên báo cũng hướng đến giúp doanh nghiệp (DN) nhận thức rõ vai trò trách nhiệm, nâng cao sức cạnh tranh, cam kết bảo vệ người tiêu dùng, xây dựng thương hiệu và cổ vũ DN đổi mới công nghệ, quản lý, hạ giá thành sản phẩm. Thông tin trên báo cũng đồng thời phản ánh kết quả công tác quản lý nhà nước về cuộc vận động như Sở Công thương tiếp nhận khoảng 3.400 lượt chương trình khuyến mại của hơn 800 DN trên toàn quốc, xác nhận 150 chương trình cho 65 DN trên địa bàn tỉnh, thu hút 26 ngàn lượt khách tham gia mua sắm, trên 30 DN tổ chức hàng trăm xe tải nhẹ đưa hàng Việt về nông thôn; kết quả tổ chức 24 phiên chợ Việt về nông thôn. Đó còn là kết quả tổ chức điều tra, khảo sát thị trường, người tiêu dùng, mạng lưới phân phối; phê duyệt các kế hoạch tổ chức hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại, tăng cường hệ thống phân phối bán lẻ, nhất là vùng sâu, vùng xa; công tác cải cách thủ tục hành chính, ban hành chính sách ưu đãi dành cho DN, bình ổn thị trường, các đợt kiểm tra thị trường; thông tin quảng bá hàng hóa sản phẩm, thực hiện chính sách hậu mãi,…
Ảnh: Đức Thụy |
Cùng với biểu dương, cổ vũ những mặt làm được, Báo Gia Lai cũng nhìn nhận, phản ánh, phân tích, nguyên nhân của những mặt tồn tại hạn chế khi triển khai cuộc vận động trên địa bàn tỉnh, trách nhiệm của các cơ quan, sở, ban ngành, địa phương, DN và có những đề xuất, kiến nghị giải pháp hữu ích. Phát huy chức năng phản biện xã hội, báo đã xây dựng loạt bài chuyên đề phân tích làm rõ những bất cập liên quan đến quá trình triển khai cuộc vận động, thói quen và tâm lý “sính ngoại” trong dân cư, những tồn tại trong công tác quản lý, tình trạng làm ăn gian dối, nền sản xuất manh mún nhỏ lẻ, sản phẩm kém tính cạnh tranh, không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, sự thiếu hiểu biết luật pháp,...
Đánh giá của Ban Chỉ đạo cuộc vận động tỉnh về công tác tuyên truyền cuộc vận động trên báo Gia Lai ghi nhận: “Nhiều bài viết không đơn thuần tuyên truyền quảng bá, đưa tin sự kiện mà còn thể hiện những trăn trở, đóng góp cho sự phát triển bền vững của thị trường hàng Việt”; về tình trạng hàng giả hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng Trung Quốc tràn lan, cảnh báo giúp cho công tác quản lý nhà nước và DN về hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn. Đặc biệt là các bài viết tuyên truyền, hướng dẫn, cổ động nhân dân mua sắm hàng Việt, cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo…
Thất Sơn