Ban nhạc Jrai đoạt nút vàng Youtube

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong rất nhiều hướng đi ở thời đại 4.0, những chàng trai Jrai ở làng Vel (xã Ia Ko, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã chọn con đường khởi nghiệp từ Youtube. Không chỉ được sống với đam mê, tạo việc làm cho nhiều thanh-thiếu niên trong làng, họ còn quảng bá hình ảnh Tây Nguyên. Đó là ban nhạc Jrai đã “ẵm” nút vàng Youtube với kênh “Đur Siu Official 81”. 
Khởi nghiệp từ Youtube
Chúng tôi tìm đến làng Vel vào một ngày cuối năm. Ngay từ đầu làng, chúng tôi đã bị thu hút bởi “phim trường” quen thuộc trên Youtube của kênh “Đur Siu Official 81”. Một căn nhà sàn nhỏ vách tre, mái tranh nằm trên sườn đồi với ao cá, ruộng lúa và những bụi hoa ngũ sắc tạo nên khung cảnh thơ mộng như trong tranh vẽ mà có lẽ bất kỳ ai cũng phải trầm trồ. Khuôn viên rộng hơn 5.000 m2 này là nơi nhóm nhạc người Jrai sản xuất những video “triệu view”. Tính đến cuối tháng 12-2021, kênh “Đur Siu Official 81” đã đạt hơn 1,1 triệu người đăng ký và “ẵm” nút vàng của Youtube.
Ngồi bên hiên nhà sàn, Siu Đur-người sáng lập kênh “Đur Siu Official 81” bồi hồi nhớ về những ngày đầu tiên trở thành Youtuber. Sau khi nghỉ học, vì yêu thích âm nhạc nên Đur đã đi theo nhóm nhạc đám cưới của làng để tập chơi nhạc cụ. Nhóm nhạc có nhiều tay trống, guitar cự phách cùng giọng ca ấn tượng nên nhận được khá nhiều “show” không chỉ tại Gia Lai mà cả các tỉnh lân cận. Trong những lần lưu diễn, vì muốn ghi lại các tác phẩm mà nhóm thể hiện, Đur đã quay rồi tải lên kênh Youtube cá nhân từ năm 2017. 
Siu Đur-người sáng lập kênh “Đur Siu Official 81”. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Siu Đur-người sáng lập kênh “Đur Siu Official 81”. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Những đoạn video đơn giản, không hề qua xử lý hình ảnh và âm thanh ấy bất giờ nhận được sự chào đón của khán giả với lượng theo dõi tăng chóng mặt từ hàng trăm ngàn đến hàng triệu lượt xem. Hầu hết đều yêu mến những giọng ca đầy nội lực và mang đậm chất núi rừng Tây Nguyên cũng như khả năng chơi nhạc cụ thuần thục của nhóm nhạc chưa từng qua trường lớp đào tạo nào. Để nội dung không bị nhàm chán, Đur đã quay thêm nhiều tiểu phẩm hài gắn với cuộc sống thường ngày của dân làng. Đur cũng kêu gọi thanh-thiếu niên trong làng đảm nhiệm vai trò diễn viên, ca sĩ, nhạc công… và trả thù lao cho họ. Hiện tại, nhóm của Đur có 8 thành viên là những chàng trai, cô gái Jrai ở làng Vel thường xuyên tham gia vào các video. 
Sáng tạo clip trên Youtube đã giúp ban nhạc làng Vel có thu nhập mỗi tháng hàng chục triệu đồng. Thời điểm chưa bùng phát dịch Covid-19, nhóm còn nhận được lời mời từ các đám cưới ở nhiều địa phương với mức cát xê hậu hĩnh. “Nhờ làm Youtube, anh em trong làng được đi nhiều nơi, giao lưu với những Youtuber ở khắp mọi miền Tổ quốc và được nhiều người biết đến. Tiền từ Youtube, anh em chia nhau để phần nào phụ giúp gia đình. Mình rất vui vì đã tạo được công việc và thu nhập cho anh em trong làng”-Đur chia sẻ.
Sứ giả văn hóa 
Chị Kpuih Chung-Bí thư Đoàn xã Ia Ko: “Chúng tôi rất hoan nghênh và ủng hộ những việc làm của ban nhạc Siu Đur. Các bạn đã mở ra một hướng đi mới cho các thanh-thiếu niên tại địa phương trong thời đại 4.0. Không chỉ tạo ra thu nhập từ mạng xã hội, nhóm cũng đã góp phần quảng bá hình ảnh về đời sống con người Jrai ở địa phương và tích cực tham gia công tác từ thiện nhân đạo. Hy vọng các bạn tiếp tục phát huy tài năng sáng tạo, những hành động đẹp vì sự phát triển buôn làng và cuộc sống cộng đồng”. 
Không chỉ sáng tạo kịch bản cho các video âm nhạc, nhóm của Siu Đur còn sản xuất nhiều video liên quan đến các trò chơi tuổi thơ hay các món ẩm thực truyền thống của người Jrai. Cùng với đó là những video về cuộc sống với hình ảnh thân thuộc như: gặt lúa, làm rẫy, khung cảnh miền quê yên bình được khán giả đón nhận. Siu Điêu-một thành viên trong nhóm-hồ hởi: “Không ngờ mọi người lại rất thích thú những video như vậy và bình luận, tương tác rất tích cực. Đối với các clip âm nhạc, nhóm cố gắng lồng ghép khung cảnh, cuộc sống của người Jrai bản địa để mọi người hiểu hơn về con người và văn hóa nơi đây. Hy vọng qua các video của nhóm, mọi người hiểu, yêu mến và đến Gia Lai khám phá, trải nghiệm”. 
Tính đến thời điểm hiện tại kênh Đur Siu Official 81 đã đạt hơn 1,1 triệu người đăng ký. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Hiện kênh Đur Siu Official 81 đã đạt hơn 1,1 triệu người đăng ký. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Nhóm của Siu Đur cũng có những chuyến làm từ thiện, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn tại địa phương. Chính những hành động ấy đã khiến cộng đồng mạng đánh giá cao và đem lòng yêu mến họ hơn. “Thời gian tới, nhóm cố gắng đầu tư thêm máy móc, phương tiện quay phim để làm thêm video về đời sống văn hóa, ẩm thực truyền thống, chứ hiện tại tất cả chỉ được quay bằng điện thoại. Ngoài Youtube, mình cũng đang phát triển ở các nền tảng mạng xã hội khác như: Tik Tok, Bigo… để quảng bá rộng rãi hơn nữa. Nhóm cũng xây dựng khuôn viên trở thành một điểm đến du lịch hoặc mở nhà hàng cơm lam, gà nướng, tận dụng khung cảnh cũng như tạo công việc ổn định cho anh em”-Đur nói về dự định tương lai.
LÊ VĂN NGỌC

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.