Bài cuối: Những “mảng tối” còn lại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bên cạnh những mảng đời mưu sinh, những nét riêng độc đáo quá trình hình thành chợ đêm Pleiku, thì đâu đó vẫn còn tồn tại rất nhiều... “mảng tối” nơi phố đêm nhộn nhịp này.
Tệ nạn và ô nhiễm môi trường
Chợ đêm Pleiku không chỉ là đầu mối chuyên cung cấp các mặt hàng nông sản mà còn là địa điểm để người dân phố núi và khách phương xa tìm đến để thưởng thức những món ăn ngon và không khí mua bán đêm nhộn nhịp. Cả khu chợ về đêm như một thế giới thu nhỏ, song ở đây vẫn là nơi tập trung các tệ nạn xã hội như: Ăn xin, móc túi, trộm cắp, gây rối, đua xe...
23 giờ, khu vực chợ đêm bắt đầu trở nên tấp nập, những tiểu thương tất bật dọn hàng chuẩn bị cho một phiên chợ mới. Bỗng nhiều người chợt giật mình bởi tiếng gầm rú chát chúa của một đoàn xe máy nối đuôi nhau chạy trên đường Hoàng Văn Thụ. Một vài người vội vã chạy vào trong lề đường trước tiếng cười hô hố của những thanh niên tóc húi cua vàng đỏ ngồi trên xe. Bà Nguyễn Thị Lan- tiểu thương buôn bán ở chợ đêm cho biết: “Chuyện thường, tối nào mà chẳng có”. Theo quan sát của chúng tôi, chỉ trong một thời gian ngắn, rất nhiều người điều khiển xe máy chở 3, 4 người, không đội mũ bảo hiểm, nẹt pô, đánh võng... trên đường.
Chợ đêm nhộn nhịp nhưng cũng nhiều tệ nạn. Ảnh: Thục Vy
Chợ đêm nhộn nhịp nhưng cũng nhiều tệ nạn. Ảnh: Thục Vy
Đồng hồ chuyển sang ngày mới, việc mua bán càng trở nên hối hả, dòng người đổ về mua bán càng đông hơn. Ở khu vực bán hàng thực phẩm cũng nhộn nhạo người ăn, kẻ uống. Lúc này, cũng là thời điểm hoạt động của những đối tượng ăn xin, xin đểu. Những đối tượng này thường có tuổi đời khá trẻ (từ 14 đến 16 tuổi), chủ yếu là thành phần lang thang, hư hỏng. Ban ngày, chúng dạo quanh khu vực Trung tâm Thương mại Pleiku để xin ăn, nếu có cơ hội thì ra tay trộm cắp, móc túi.
Ban đêm, chúng tụ tập nghỉ ngơi ở hành lang của những cơ quan đóng trên đường Hoàng Văn Thụ và Nguyễn Thiện Thuật. Đến khoảng 1 giờ sáng trở đi, những đối tượng này bắt đầu đi đến những sạp hàng để xin tiền. Nếu không được đáp ứng, bọn chúng sẽ đứng nằn nì, dai dẳng thậm chí dọa dẫm. Dù rất bực bội, nhưng hầu hết những người “bị xin” đều phải chi tiền để được yên thân.
Ngoài ra, chuyện “ăn quỵt” và tình trạng nhậu nhẹt, gây rối đánh nhau ở khu vực chợ đêm cũng là vấn đề đáng quan tâm. Có thâm niên bán bánh khọt ở chợ đêm đã hơn 10 năm, chị P.T.L. cũng đã nhiều lần bị “ăn quỵt”. Chị kể: “Mỗi ngày bán đắt, gánh hàng của mình chỉ lãi từ 70.000 đồng đến 100.000 đồng. Lần nào bị “ăn quỵt” xem như ngày đó làm không công”.
Theo chị L., mặc dù bị “ăn quỵt” nhiều lần nhưng một phần do số tiền bị mất không lớn, một phần vì sợ nên chị chưa bao giờ trình báo Công an. Trong thời gian buôn bán ở chợ đêm, chị còn chứng kiến các tệ nạn khác như đánh nhau, móc túi, trộm cắp... diễn ra thường xuyên. Do đó, gần đây chị đã chuyển sang bán ban ngày để tránh phức tạp.
Ngoài các tệ nạn, tình trạng xả rác thải ở chợ đêm gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân sống xung quanh khu vực chợ và để lại hình ảnh không đẹp trong lòng du khách. Sau một đêm hoạt động, đến sáng hôm sau, cả khu vực quanh chợ rác thải chất thành đống do các tiểu thương để lại. Nhiều đống rác từ các loại rau củ, thủy- hải sản đọng nước, bốc mùi rất khó chịu và mất vệ sinh.
Bà Nguyễn Phương Nga- khách du lịch lưu trú tại Tre Xanh Plaza cho biết: “Lần đầu tiên đến Pleiku, tôi rất ấn tượng về cảnh vật và con người ở đây, nhất là khu vực chợ đêm. Tôi đã có một đêm thức trắng ăn uống và đi dạo ở chợ rất vui. Tuy nhiên, mỗi buổi sáng bước ra khỏi khách sạn, hình ảnh đầu tiên tôi nhìn thấy là những bãi rác của chợ để lại, thật không đẹp chút nào”.
Để chợ đêm nhộn nhịp hơn
Trao đổi với chúng tôi về những vấn đề trên, Thượng tá Đinh Văn Ngưỡng- Trưởng Công an phường Diên Hồng (TP. Pleiku) cho biết: “Hiện nay, ở chợ đêm có 2 vấn đề nổi cộm là vệ sinh môi trường và an ninh trật tự. Trong các lần đi tuần tra, kiểm soát, chúng tôi vẫn thường nhắc nhở bà con tiểu thương dọn dẹp, trả lại cảnh quan môi trường quanh khu vực chợ.
Bên cạnh đó, để đảm bảo an ninh trật tự, chúng tôi đã phát động phong trào quần chúng nhân dân tố giác tội phạm, tăng cường phối- kết hợp với Tổ tự quản chợ đêm, Ban bảo vệ dân phố, bảo vệ Trung tâm Thương mại Pleiku tăng cường tuần tra, kiểm soát quanh khu vực chợ đêm. Trong dịp lễ Noel vừa qua (ngày 24 và 25-12-2010), Công an phường đã phối hợp với bảo vệ Trung tâm Thương mại Pleiku bắt giữ các đối tượng Đặng Khánh Dư (SN 1989), trú tại tổ 2, phường Tây Sơn và Nguyễn Thành Được (SN 1992), trú tại tổ 17, phường Phù Đổng (TP. Pleiku) về hành vi gây rối đánh nhau. Ngoài ra, còn có 8 đối tượng lang thang xin ăn, móc túi, xin đểu bị bắt trong đợt này”.
Thời gian gần đây, được sự quan tâm của các cơ quan chức năng, vấn đề an ninh trật tự tại khu vực chợ đêm đã được lập lại, các vụ trộm cắp và gây rối giảm. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn tồn tại nhiều vấn nạn, nhất là thời điểm Tết Nguyên đán đang đến gần, việc mua bán trở nên nhộn nhịp hơn, đòi hỏi các lực lượng chức năng cần tăng cường tuần tra, kiểm soát để người dân yên tâm mua sắm.
Thục Vy

Có thể bạn quan tâm

Mạch nguồn tri ân và những câu chuyện - Bài 5: Những thương binh đặc biệt ở đất Tổ

Mạch nguồn tri ân và những câu chuyện - Bài 5: Những thương binh đặc biệt ở đất Tổ

Chiến đấu ngoan cường, bị thương thập tử nhất sinh khiến những người lính có một thời gian nao núng. Rồi cũng bằng ý chí sắt đá của người lính, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, bè bạn và cộng đồng, những thương binh đang định cư ở đất Tổ ngày một khỏe hơn, biết làm kinh tế và còn viết văn, làm thơ…
Trong mây Vân Sơn - Kỳ 1: Về thăm “thung lũng mây”

Trong mây Vân Sơn - Kỳ 1: Về thăm “thung lũng mây”

Xã Vân Sơn nằm ở trung tâm của huyện vùng núi Tân Lạc, Hòa Bình, nối liền một dải với vùng cao Son Bá Mười của tỉnh Thanh Hóa, nơi có thể được coi là sự nối dài của Tây Bắc về mặt địa chất. Nơi đây, những cảm thức Mường còn đậm đặc, rõ rệt, hiện diện trong từng thói quen ngày thường của bà con.
Những làng chài bên biển

Những làng chài bên biển

Dọc bờ biển khu vực miền trung có rất nhiều làng chài, nơi cuộc sống hằng ngày của người dân biển diễn ra muôn hình vạn trạng. Ở đó, mỗi làng chài lại mang một nét đặc trưng riêng, tạo nên bức tranh đa sắc về cuộc sống mặn mòi của những ngư dân bám biển.
Hồn biển Lăng Cô (Kỳ 1)

Hồn biển Lăng Cô (Kỳ 1)

2024 là tròn 15 năm Lăng Cô (Thừa Thiên Huế) ra nhập câu lạc bộ những vịnh đẹp của thế giới. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến khác nhau về Lăng Cô như ở đó có nhộn nhịp gì đâu, có kiến trúc lâu đời đâu mà dừng chân chiêm ngưỡng…