(GLO)- Ngày nay, với vai trò là trung tâm của khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam, Gia Lai tiếp tục đẩy mạnh hợp tác toàn diện với Campuchia, mang lại hiệu quả thiết thực cho nhân dân hai nước.
Ảnh: Nguyễn Dung |
Gia Lai có khoảng 90 km đường biên giới chung với tỉnh Rattanakiri (Vương quốc Campuchia), TP. Pleiku (Gia Lai) cách Đà Nẵng, Nha Trang, TP. Hồ Chí Minh của Việt Nam, Pak Se của Lào, Siem Reap của Campuchia khoảng 400 km đến 600 km nên có thể coi Pleiku là trung tâm của khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam. Thời gian qua, mối quan hệ, hợp tác giữa tỉnh Gia Lai và các tỉnh bạn của Campuchia đã có những bước tiến vượt bậc trên nhiều lĩnh vực.
Đầu năm 2010, quốc lộ 78 dài gần 70 km nối liền Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, tỉnh Gia Lai (Việt Nam) với thị xã Ban Lung, tỉnh Rattanakiri (Campuchia) được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ODA của Chính phủ Việt Nam tài trợ (25,8 triệu USD) chính thức đưa vào sử dụng đã tạo thuận lợi cho việc lưu thông, thúc đẩy du lịch thương mại và đầu tư trực tiếp giữa hai tỉnh Gia Lai và Rattanakiri. Theo đó, năm 2012 giá trị kim ngạch xuất qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh sang Campuchia đạt 122 triệu USD, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ và nhập khẩu từ Campuchia qua cửa khẩu này đạt 77,5 triệu USD; năm 2013, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 33,1 triệu USD và nhập khẩu đạt trên 61,5 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu của tỉnh Gia Lai sang Campuchia chủ yếu là máy móc thiết bị làm đường giao thông, vật liệu xây dựng, phân bón, xăng dầu, bách hóa tổng hợp…; các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là gỗ đã qua xử lý, hàng nông sản, mủ cao su và một số hàng nông-lâm sản khác.
Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Ảnh: Lê Văn Ngọc |
Đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam đã cấp 11 giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài cho 7 doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn tỉnh Gia Lai đầu tư tại các tỉnh Rattanakiri, Stung Treng, Kampong Thom của Vương quốc Campuchia với tổng vốn đầu tư gần 637 triệu USD, đầu tư trồng 62.040 ha cao su, 3 nhà máy chế biến mủ cao su với công suất 36.800 tấn mủ/năm, 1 nhà máy chế biến gỗ với công suất 10.000 m3/năm, 1 dự án khai thác và chế biến mỏ sắt. Tính đến nay, các doanh nghiệp đã trồng được 38.267,41 ha cao su và một số dự án khác đang triển khai thực hiện.
Cùng với hợp tác phát triển kinh tế, công tác phối hợp đảm bảo an ninh quốc gia cũng ngày càng chặt chẽ, nhịp nhàng và hiệu quả hơn, nhất là trong công tác trao đổi thông tin; phòng-chống tội phạm; phối hợp đảm bảo an ninh trật tự khu vực biên giới; tuyên truyền và thực hiện nhiệm vụ phân giới, cắm mốc… tiếp tục xây dựng đường biên giới Việt Nam-Campuchia thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững.
Đặc biệt, trên lĩnh vực xã hội tính từ năm 2001 đến nay, tỉnh Gia Lai đã phối hợp với các tỉnh của Campuchia, quy tập, cất bốc và đưa 1.230 hài cốt liệt sĩ Quân Tình nguyện Việt Nam hy sinh qua các thời kỳ tại Campuchia về nước. Ngoài ra, tỉnh Gia Lai đã đầu tư hàng chục tỷ đồng giúp bạn xây dựng một số công trình trường học, phòng học, đài tưởng niệm, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai...; đồng thời tổ chức các đoàn đại biểu đến làm việc, trao đổi kinh nghiệm, thăm hỏi nhân Tết cổ truyền Chol Chnăm Thmây của bạn và đón các đoàn đại biểu của bạn sang thăm nhân các ngày lễ, Tết của dân tộc ta. Riêng năm 2013, tỉnh Gia Lai đã trao tặng cho 3 tỉnh Đông Bắc Campuchia mỗi tỉnh 5 bộ máy vi tính, hỗ trợ tỉnh Pret Vihia 50.000 USD để xây dựng bảo tàng chứng tích tội ác diệt chủng của Pôl Pốt; tổ chức khám-chữa bệnh, cấp thuốc cho hơn 2.000 lượt người dân huyện Oyadav, tỉnh Rattanakiri; hỗ trợ lương thực, thực phẩm… cho các lực lượng bảo vệ biên giới của bạn phía đối diện với ta.
Không chỉ có sự hỗ trợ của tỉnh, các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn tỉnh đầu tư vào Campuchia cũng đã có nhiều hoạt động giúp nhân dân trong khu vực dự án xóa đói giảm nghèo. Đơn cử như Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, cùng với giải quyết việc làm cho 1.268 lao động tại chỗ, năm 2013 còn tài trợ trên 8 triệu USD xây dựng cơ sở hạ tầng; cử 50 y-bác sĩ, nhân viên y tế tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân trong vùng dự án với tổng kinh phí khoảng 16.000 USD. Đặc biệt, các đơn vị thành viên thuộc Công ty TNHH một thành viên Tổng Công ty 15 khi thực hiện các dự án tại nước bạn đã không chỉ đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng và làm tốt công tác đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân nước sở tại mà còn tổ chức kết nghĩa giữa các đội sản xuất với các làng trong vùng dự án- mô hình được thực hiện rất hiệu quả trong nước-nhằm tuyên truyền, vận động nhân dân tại chỗ cùng tham gia dự án; hướng dẫn kỹ thuật chuyển đổi diện tích cây trồng kém phát triển sang sản xuất loại cây hàng hóa có giá trị kinh tế cao hơn, phát triển kinh tế gia đình, góp phần nâng cao thu nhập, đẩy nhanh xóa đói giảm nghèo.
Đến nay, 2 đội sản xuất thuộc Công ty TNHH một thành viên 72 đã thực hiện kết nghĩa với làng Cà Chọ, xã Cọ, huyện Bor Keo và làng Tên, xã Ia Tung, huyện Oyadav thuộc tỉnh Rattanakiri; 2 đội sản xuất thuộc Chi nhánh Công ty 75 thực hiện kết nghĩa với làng Ka Nát, xã Tà Lao và làng Ma Lich, xã Ma Lit của huyện Đun Mia thuộc tỉnh Rattanakiri. Nhân dịp tham dự Hội nghị tổng kết phong trào thi đua quyết thắng năm 2013 của Công ty TNHH một thành viên 74, ông Rơ Châm Lếch-Chủ tịch xã Pó Nhầy, cho biết: Xã Pó Nhầy có trên 3.800 người, hộ nghèo của xã vẫn còn nhiều. Từ khi Công ty 74 sang làm cao su, đã san ủi đường giao thông, làm cầu, cống giúp nhân dân đi lại thuận lợi hơn. Công ty cũng đã giải quyết việc, đảm bảo thu nhập ổn định cho nhiều người nên nhân dân rất phấn khởi.
Có thể nói, những gì mà tỉnh Gia Lai và các doanh nghiệp thuộc tỉnh đã và đang làm cho nhân dân đất nước “chùa Tháp” càng khẳng định tình đoàn kết hữu nghị keo sơn, gắn bó giữa nhân dân hai nước Việt Nam-Campuchia là vô tư, trong sáng. Đó chính là nền tảng để quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ, toàn diện và bền vững trong tương lai.
Nguyễn Dung