(GLO)- Với quan điểm của lãnh đạo tỉnh thì chỉ có một “con đường” dành cho Nhà máy Đường An Khê. Đó là tất cả những tồn tại, hạn chế nêu trên, nhà máy phải giải quyết kịp thời, ngay trong năm nay.
Nhanh chóng khắc phục những tồn tại
Qua kiểm tra, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thế Dũng nghiêm khắc phê bình lãnh đạo Nhà máy Đường An Khê trước những tồn tại hạn chế vốn đã kéo dài trong nhiều năm, vi phạm xả thải ra môi trường ngày càng nghiêm trọng hơn. Mức độ ô nhiễm của nước thải nhà máy cao gấp 10 lần so với quy định-theo kết luận của Sở Tài nguyên và Môi trường. Chủ tịch UBND tỉnh phân tích: Thủ phạm gây ô nhiễm sông Ba có nhiều nhưng như cơ quan chuyên môn và ngành chức năng kết luận, thủ phạm chính là nhà máy đường.
Khu vực xử lý chất thải của nhà máy. Ảnh: Đức Thụy |
Ô nhiễm làm đảo lộn sinh hoạt, sản xuất của người dân, gây ra nhiều bức xúc, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của địa phương, của tỉnh. Vì vậy nhà máy không thể không có trách nhiệm. Đối mặt với nó, nhà máy phải hành động kiên quyết, cam kết vững chắc, rõ ràng và không thể trì hoãn thêm nữa. Nghĩa là phải gấp rút hoàn thành hệ thống xử lý nước thải, để nước thải ra sông Ba đảm bảo tiêu chuẩn quy định. Nếu nhà máy không có giải pháp xử lý triệt để, tỉnh sẽ buộc phải xử lý.
Đáp lại chỉ thị này, ông Nguyễn Tấn Cương- Giám đốc nhà máy cam kết: Trong tháng 2 này sẽ xử lý cơ bản về môi trường, đẩy nhanh tiến độ lắp đặt thiết bị nâng công suất hoạt động của nhà máy cũng như tiêu thụ mía nhanh hơn, thuận lợi hơn cho nông dân.
Trách nhiệm các sở ngành và chính quyền thị xã
Với những vấn đề nóng bỏng hiện tại, cùng với trách nhiệm của Nhà máy Đường, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, nguyên nhân còn do các sở ngành, địa phương bị động, chưa thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước, chậm kiểm tra, xử lý, đề xuất kiến nghị lên cấp trên khi giải quyết sự việc vượt quá thẩm quyền. Sở Nông nghiệp và PTNT chưa thực hiện tốt việc chỉ đạo và giám sát thực hiện kế hoạch sản xuất. Diện tích mía ngoài vùng quy hoạch phát triển tự phát quá nhiều cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng quá tải khi tiêu thụ mía. Sở Tài nguyên và Môi trường chưa làm tốt công tác quản lý ngành, xử lý vi phạm thiếu kiên quyết, triệt để.
Ngoài Nhà máy Đường thì thị xã An Khê cũng có trách nhiệm khi không tuyên truyền, vận động nhân dân giữ gìn vệ sinh môi trường và xử lý thiếu nghiêm túc đối với các trường hợp vi phạm, trong đó có việc xả rác thải, nước bẩn xuống sông Ba làm cho sự ô nhiễm thêm nặng nề hơn.
Để nhanh chóng ổn định tình hình, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: Cùng với Nhà máy Đường, thị xã An Khê phải có kế hoạch tiêu thụ mía nhanh hơn, giảm thiểu thiệt hại cho người dân đi đôi với triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2012. Đề nghị nhà máy đặt cọc tiền mua hết mía cho nông dân, không được ép giá. Trong khi vấn đề xả thải của Nhà máy Đường chưa xử lý xong thì tỉnh cũng sẽ chưa đề cập đến việc chấp thuận cho xây dựng nhà máy cồn ở đây. Sở Tài nguyên và Môi trường nhanh chóng có kế hoạch kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo vệ tài nguyên môi trường, đôn đốc nhà máy đẩy nhanh quá trình xử lý nước thải theo cam kết. Chủ động mua sắm trang-thiết bị phục vụ cho việc kiểm tra phân tích nguồn nước thải của Nhà máy Đường nói riêng và các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh nói chung để có cơ sở xác định vi phạm, kịp thời xử lý, chấn chỉnh.
Thị xã An Khê còn có trách nhiệm phối hợp với Sở Giao thông-Vận tải, các ngành đánh giá mức độ xuống cấp của hạ tầng giao thông trên địa bàn, xác định nguyên nhân xâm hại. Đề xuất giải pháp khắc phục, nâng cấp, đầu tư xây dựng để tránh ô nhiễm, đảm bảo giao thông đi lại thông suốt, thuận lợi. Tỉnh sẽ tiếp tục theo dõi việc các sở ngành, các cơ quan, đơn vị liên quan trong khi triển khai thực hiện tinh thần chỉ đạo nói trên và sẽ có biện pháp kiên quyết đối với tình trạng cố tình dây dưa, kéo dài, chậm thay đổi và chuyển biến.
Thất Sơn