Bài 2: Đời lính và những "bài ca không quên"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- 6.000 ngày, dưới mưa bom bão đạn cản trở của địch, họ cùng đồng đội của mình đã không quản máu xương để bảo vệ từng cung đường, sao cho công tác chi viện được thông suốt từ hậu phương lớn miền Bắc đến tiền tuyến lớn miền Nam. Và cũng chính trên tuyến Trường Sơn ác liệt đó, những kỷ niệm vui buồn, khổ đau lẫn hạnh phúc đã theo họ gần trọn đời người.

Kiên quyết giữ vững tuyến “huyết mạch”
 

Ông Thị kể lại những tháng ngày gùi, thồ hàng ở Trường Sơn. Ảnh: Nguyễn Giác
Ông Thị kể lại những tháng ngày gùi, thồ hàng ở Trường Sơn. Ảnh: Nguyễn Giác

Theo chia sẻ của các cựu binh, đường Trường Sơn khi ấy với ta là tuyến đường “huyết mạch” để vận chuyển hàng quân sự vào Nam; tổ chức đưa đón cán bộ, bộ đội, chuyển công văn, tài liệu từ Bắc vào Nam và ngược lại. Do đó, Mỹ-Ngụy không ngừng thực hiện các trận oanh kích, trút xuống hàng triệu tấn bom, đạn hòng phá hủy và ngăn chặn tuyến chi viện chiến lược này. Bộ đội ta dẫu phải hy sinh vẫn ngày đêm ra sức bảo vệ và mở rộng tuyến đường, bí mật vận chuyển vũ khí, khí tài, đạn dược, thuốc men, lương thực-thực phẩm… vào các chiến trường.
 

Giai đoạn đầu hoạt động trên con đường bí mật xuyên rừng rậm, núi cao ấy, hàng hóa quân sự được quân ta vận chuyển thô sơ bằng gùi, xe đạp thồ, nhỏ lẻ với khoảng cách ngắn. “Đó là những năm tháng khó khăn, vất vả nhưng thể hiện ý chí và quyết tâm cao độ của bộ đội ta”-cựu binh Nguyễn Văn Thị (SN 1933, ngụ tại số nhà 987 Quang Trung-TP. Quảng Ngãi-tỉnh Quảng Ngãi) đã khẳng định chắc nịch với chúng tôi như thế. Ông nhớ lại: “Năm 1962, tôi trực tiếp ra Hà Nội nhận 2.000 chiếc xe đạp chuyển xuống chiến trường Quảng Nam, Quảng Ngãi để thồ hàng. Khối lượng thồ tùy theo khả năng của từng người, nhưng trung bình lúc đó mỗi chiếc xe đạp chúng tôi thường thồ được 1 tạ, người yếu hơn cũng phải được 50-70 kg. Cứ thế, lên dốc thì 3-4 người phụ đẩy, xuống dốc thì phụ ghì kéo. Khi ấy, đơn vị tôi đóng hàng ở Bản Ken (phía Nam đường 9) giao cho huyện Mường Noong (Lào), sau đó chuyển đến sông Bạc (phía Nam Huế). Bên cạnh vận chuyển bằng xe đạp, chúng tôi còn thực hiện gùi hàng trên lưng, mỗi người cũng cỡ 40-70 kg”.
 

Dẫu biết chiến tranh không thể tránh khỏi thương vong, mất mát, song như trải lòng của các cựu binh Trường Sơn mà chúng tôi gặp, không gì đau lòng bằng việc nhìn thấy đồng đội hy sinh trước mặt mình. “Chẳng những chết vì bom đạn mà trong những lần gùi, thồ hàng, cũng bởi địa thế đường rừng hiểm trở, phải trèo đèo, vượt dốc, không ít người trong chúng tôi đã sẩy chân và mãi mãi nằm lại bên đường hoặc bị thương tật suốt đời. Tôi còn nhớ trong một lần giao hàng vào năm 1963, trên đường về qua cầu tre, có người trong đoàn bị rơi xuống suối, đầu va vào đá rồi thành ra câm, điếc”-ông Thị tâm sự. Ông  Hà Di Quế (tổ dân phố 1, phường Trương Quang Trọng, TP. Quảng Ngãi) tiếp lời: “Năm 1960, trong lúc chuyển hàng vào làng Ho (Lệ Thủy, Quảng Bình), hầu hết vận chuyển bằng gùi, một bên là núi cao, một bên là vực thẳm, đá lởm chởm, trơn trượt, chỉ cần sơ sẩy là tụt tay, nhiều đồng đội của tôi đã bị rơi xuống vực, cả đoàn chỉ biết đau đớn nhìn đồng đội hy sinh mà không thể làm gì”.

Khi cách mạng miền Nam phát triển, nhu cầu vận tải ngày càng lớn, những phương thức vận tải thô sơ trở nên bất cập. Bởi vậy, từ đường gùi thồ, Đoàn 559 đã tiến tới mở thêm đường cho xe cơ giới. Năm 1961 với tuyến đường mới mở, Đoàn đã vận chuyển giao cho Khu 5 được 317 tấn vũ khí, trang bị, 52 tấn hàng dân dụng; vận chuyển, tiếp tế hành quân 91 tấn gạo; tiếp tế cho Mặt trận Trị-Thiên 29 tấn gạo, muối; 117 tấn vũ khí trang bị được chuyển tải trên tuyến, lập chân hàng ở khu vực đường 9; bảo đảm cho bộ đội Khu 5 ra trực tiếp lấy 324 tấn gạo; tổ chức đưa đón 7.664 cán bộ, chiến sĩ  tăng cường cho các chiến trường và 616 người từ Nam ra Bắc tuyệt đối bí mật, an toàn.

“Ngoài gùi, thồ, xe ô tô, ta còn bí mật vận chuyển đạn, gạo ở các dòng sông bằng cách bỏ vào bao ni-lông (50 kg/bao) buộc kín rồi cho trôi, cứ 1 km có 3 người trực chốt để nhỡ bị vướng vào đâu thì gỡ. Cách này chủ yếu thực hiện từ tháng 8-10 khi vào mùa mưa, nước sông nhiều, dâng cao, còn đến mùa khô thì dừng”-cựu binh Lê Đình Uýnh (SN 1939, trú tại 14 Nguyễn Hữu Thọ-phường Hàm Thuận Tây-quận Hải Châu-TP. Đà Nẵng) cho hay.

 

Cựu binh thăm quan khu mô phỏng đường Trường Sơn tại Bảo tàng tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Nguyễn Giác
Cựu binh tham quan khu mô phỏng đường Trường Sơn tại Bảo tàng tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Nguyễn Giác

Càng đi đến cuối cuộc chiến, đường Trường Sơn càng trở thành trọng điểm ngăn chặn quyết liệt của địch bằng mọi thủ đoạn xảo quyệt với các loại vũ khí tinh vi, hiện đại nhất. Thế nhưng, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ, công binh, thanh niên xung phong đã nguyện làm “tường đồng, vách sắt”, kiên cường bám trụ, giành giật từng thước đường, bởi “máu có thể đổ nhưng đường không thể tắc”. Ông Bùi Trung Trắc (106 Phan Văn Đính, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) bồi hồi kể: “Tham gia 559 từ năm 1971, làm nhiệm vụ lái xe. Sau 45 ngày học lái, tôi bắt đầu chở hàng theo 2 tuyến: từ Quảng Bình đi trạm 32 (Lào) và từ Quảng Bình đi Stungtreng (Campuchia). Mỗi chuyến chúng tôi chở khoảng 4 tấn, những năm 1971-1972 chạy đường kín, ban đêm, đến 1973 chạy cả ban ngày theo đường ngụy trang. Năm 1972, Mỹ đánh bom bi vào trạm 32, nổ suốt 4 tiếng đồng hồ, đoàn chúng tôi hy sinh 1 người, hư hỏng 7-8 xe. Lái xe chúng tôi ngày đó sợ nhất là máy bay C130 của Mỹ vì nó đánh rất chuẩn xác”.

Hạnh phúc “nở hoa” từ chiến trường

 

Bà Hoa với bức ảnh chụp đoàn văn công của mình biểu diễn phục vụ  tại Trường Sơn.  Ảnh: Nguyễn Giác
Bà Hoa với bức ảnh chụp đoàn văn công của mình biểu diễn phục vụ tại Trường Sơn. Ảnh: Nguyễn Giác

Trường Sơn trong hồi ức của những cựu chiến binh ngoài sự khốc liệt của chiến tranh, sự hy sinh quả cảm của đồng đội còn có những kỷ niệm hết sức đẹp đẽ và nhẹ nhàng. Bởi lẽ, đó là nơi “đơm chồi nảy lộc” cho bao tình yêu đẹp, viên mãn đến tận bây giờ.

42 năm trước (1972), cô văn công của Đoàn văn công quân giải phóng Trị-Thiên-Huế Nguyễn Thị Phương Hoa khi ấy mới tròn 18 tuổi. Trong một đêm phục vụ văn nghệ tại đơn vị công binh, cô và anh lính Phan Lương Can (28 tuổi) đã đem lòng thương mến nhau. Những cánh thư cũng từ đó ngày một nhiều hơn theo bước anh phá bom lấp đường, theo tiếng hát ngân vang xua tan không khí chiến tranh khắc nghiệt của cô gái trẻ. Trong thư, họ kể cho nhau nghe chuyện chiến trường, chuyện phục vụ; họ trao cho nhau tiếng nhớ lời thương qua từng nét mực nhòe trên trang giấy nhuốm màu súng đạn và không quên lời hứa hẹn về một cái kết có hậu khi đất nước được hòa bình. “Mỗi lần nhận thư, đọc những lời chân tình của anh là tôi rưng rưng lệ. Anh rất lạc quan và luôn động viên tôi phải cố gắng sống đợi ngày độc lập. Vui nhất là lúc nào anh cũng gửi kèm quà theo thư cho tôi, khi nhánh lan rừng, lúc bình nước mát, có cả chiếc lược chải tóc tự tay anh làm từ xác máy bay. Tất cả những kỷ vật đó, tôi còn giữ lại hết cho đến ngày hạnh ngộ và nên duyên vợ chồng vào cuối năm 1975”-cô Hoa chia sẻ.

 

 Các cựu binh Trường Sơn ở Đà Nẵng nói về quyết tâm giữ vững tuyến đường chi viện của quân ta. Ảnh: Nguyễn Giác
Các cựu binh Trường Sơn ở Đà Nẵng nói về quyết tâm giữ vững tuyến đường chi viện của quân ta. Ảnh: Nguyễn Giác

Giờ đây, gia đình cựu binh Can và Hoa vẫn đang sống hạnh phúc nơi mái ấm của mình tại 12/91 Trần Hưng Đạo, TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Hai người con đều đã thành đạt, một là diễn viên Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế, một là họa sĩ và đều đang công tác tại TP. Huế.
 

Có một câu chuyện vui nhưng có thật kể về cuộc gặp gỡ giữa một nhà báo Anh và Thiếu tướng Nguyễn An (người đã chiến đấu và am hiểu cặn kẽ Trường Sơn). Để giải đáp những thắc mắc của nhà báo Anh này, sau khi miêu tả cặn kẽ kết cấu của con đường, đồng chí Nguyễn An đã nói rằng: "Để dễ tưởng tượng thì diện tích của đường mòn Hồ Chí Minh vào khoảng hơn 140.000km2, tức là lớn hơn diện tích nước Anh một chút xíu". Đáp lại lời Thiếu tướng là một cái nhún vai đầy kinh ngạc của nhà báo Anh: "Ồ, thế mà dám gọi là đường mòn ư"?

Cũng là một tình yêu đầy trong sáng và đẹp đẽ bên dãy Trường Sơn, song câu chuyện của cựu binh già Hà Di Quế lại gặp phải không ít thăng trầm, cách trở. Theo dòng xúc cảm hoài niệm về quá khứ, ông bộc bạch với chúng tôi rằng, ông dành trọn niềm thương nhớ cho một người con gái thanh niên xung phong sau đúng 2 lần gặp gỡ. Và may mắn thay, người đó cũng đáp lại tấm chân tình của ông. Cũng những lá thư mong nhớ, cũng những ước hẹn lứa đôi cho ngày về từ chiến trường… thế nhưng, đến năm 1972, ông Quế bị thương trong một lần chuyển hàng, phải về miền Bắc điều trị. Họ mất liên lạc với nhau từ ấy. “Mặc dù bặt vô âm tín nhưng tôi vẫn tin rằng người đó đang giữ lời hứa với tôi là sống bình an. Sau này hòa bình, tôi đi tìm cô ấy ở Hưng Yên theo địa chỉ chúng tôi trao nhau. Hạnh phúc vỡ òa khi cả hai gặp lại nhau rồi đi đến hôn nhân, chung sống trọn nghĩa tình đến gần cuối cuộc đời”-ông Quế xúc động nói.

Và còn rất nhiều những chuyện tình bình dị trong đời lính như thế. Người đến được với nhau, người không đến được với nhau, thậm chí là vĩnh viễn ở bên nhau trong lòng đất mẹ. Thế nhưng tình yêu ấy đã từng là một trong những nguồn động viên tinh thần to lớn, là sức mạnh vô hình, chứa đựng niềm lạc quan, tin tưởng vào ngày mai tươi đẹp, từ đó, giúp họ kiên cường vượt qua bão đạn mưa bom, đương đầu với quân thù cho đến ngày toàn thắng.    

M.Dưỡng-T.Dung-H.Thi-N.Giác

Có thể bạn quan tâm

Mạch nguồn tri ân và những câu chuyện - Bài 5: Những thương binh đặc biệt ở đất Tổ

Mạch nguồn tri ân và những câu chuyện - Bài 5: Những thương binh đặc biệt ở đất Tổ

Chiến đấu ngoan cường, bị thương thập tử nhất sinh khiến những người lính có một thời gian nao núng. Rồi cũng bằng ý chí sắt đá của người lính, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, bè bạn và cộng đồng, những thương binh đang định cư ở đất Tổ ngày một khỏe hơn, biết làm kinh tế và còn viết văn, làm thơ…
Trong mây Vân Sơn - Kỳ 1: Về thăm “thung lũng mây”

Trong mây Vân Sơn - Kỳ 1: Về thăm “thung lũng mây”

Xã Vân Sơn nằm ở trung tâm của huyện vùng núi Tân Lạc, Hòa Bình, nối liền một dải với vùng cao Son Bá Mười của tỉnh Thanh Hóa, nơi có thể được coi là sự nối dài của Tây Bắc về mặt địa chất. Nơi đây, những cảm thức Mường còn đậm đặc, rõ rệt, hiện diện trong từng thói quen ngày thường của bà con.
Những làng chài bên biển

Những làng chài bên biển

Dọc bờ biển khu vực miền trung có rất nhiều làng chài, nơi cuộc sống hằng ngày của người dân biển diễn ra muôn hình vạn trạng. Ở đó, mỗi làng chài lại mang một nét đặc trưng riêng, tạo nên bức tranh đa sắc về cuộc sống mặn mòi của những ngư dân bám biển.
Nơi ấy, ngày chưa yên ả

Nơi ấy, ngày chưa yên ả

Ngôi biệt thự màu “xanh”, có tầng hầm rộng, ghi dấu nhiều cuộc họp bàn nhuốm màu hoang tanh, buôn bán, vận chuyển cái chết trắng ở đây. Ngôi biệt thự bây giờ bỏ không, vắng vẻ. Và sẽ còn vắng vẻ nhiều năm nữa...
Hồn biển Lăng Cô (Kỳ 1)

Hồn biển Lăng Cô (Kỳ 1)

2024 là tròn 15 năm Lăng Cô (Thừa Thiên Huế) ra nhập câu lạc bộ những vịnh đẹp của thế giới. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến khác nhau về Lăng Cô như ở đó có nhộn nhịp gì đâu, có kiến trúc lâu đời đâu mà dừng chân chiêm ngưỡng…