Bài 1: Lòng vòng buộc tội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- L.T.S: Cho đến thời điểm này, vụ án Công ty Xuất nhập khẩu (XNK) Gia Lai vẫn là vụ án kinh tế lớn nhất xảy trên địa bàn tỉnh. Hơn 10 năm trôi qua kể từ ngày đổ vỡ, bây giờ có người đã mãn hạn tù nhưng vẫn chưa có đoạn kết của một quá trình tố tụng. Ai phải chịu trách nhiệm trong chuỗi tố tụng trước đó. Chúng tôi trở lại những mấu chốt của vụ án để bạn đọc có cái nhìn toàn diện.

Công ty XNK Gia Lai là doanh nghiệp nhà nước một thời lừng lững (thành lập năm 1992) nhưng lại đổ vỡ sau 10 năm thành lập. Hàng loạt cán bộ chủ chốt của Công ty phải đứng trước vành móng ngựa do làm thiệt hại tiền tỷ của Nhà nước từ cách quản lý tùy tiện. Tuy nhiên, việc buộc tội đến nay vẫn chưa ngã ngũ.
 

Kim Chi và các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm lần 2. Ảnh: L.V.N
Kim Chi và các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm lần 2. Ảnh: L.V.N

Ứng vốn nhiều, thực hiện ít

Năm 1998, Công ty XNK bắt đầu ký hợp đồng mua cà phê và tiêu của Xí nghiệp tư doanh (XN) Kim Chi (15A Trần Phú-TP. Pleiku). Sau khi ký hợp đồng, Công ty XNK ứng trước cho XN Kim Chi 90% giá trị hợp đồng để thu mua nông sản từ các hộ trồng cà phê, tiêu hoặc từ các đối tác kinh doanh nông sản. Sau khi nhận hàng xong, Công ty XNK sẽ thanh toán đủ 10% giá trị còn lại. Do giao không đủ số lượng hàng nên Giám đốc Công ty đã chỉ đạo thực hiện thu theo hình thức cuốn chiếu để giúp cho doanh nghiệp gia đình (vợ của Giám đốc là em ruột của người điều hành XN Kim Chi).

Theo đó, cứ một tấn mua mới phải kèm một tấn nợ thu hồi. Nhưng thời điểm đó giá cà phê biến động nên “phương pháp” này tỏ ra không hiệu quả. Giám đốc Trịnh Xuân Nhân tiếp tục chỉ đạo thực hiện theo tỷ lệ tối thiểu 1,2 (tức mua mới 1 tấn thì phải giao 1,2 tấn. Trong đó, 1 tấn mua và 0,2 tấn trả nợ). Tuy nhiên, đến ngày 30-5-2002, XN Kim Chi mất khả năng thực hiện giao hàng. Tiếp đến, tháng 6-2002, Công ty XNK cũng mất khả năng thanh toán nợ đúng hạn với các ngân hàng.

Theo kết luận của giám định viên tài chính tỉnh: Từ năm 1998 đến ngày 30-5-2002, Công ty XNK ký với XN Kim Chi 719 hợp đồng để mua hơn 79 ngàn tấn nông sản gồm cà phê và tiêu. XN Kim Chi nhận ứng và thanh lý hợp đồng của Công ty XNK gần 717 tỷ đồng và giao cho Công ty XNK gần 70 ngàn tấn nông sản, tương ứng với số tiền trên 673 tỷ đồng. Đến ngày 30-5-2002, XN Kim Chi còn nợ Công ty XNK trên 8 ngàn tấn nông sản, tương ứng trên 43 tỷ đồng. Trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã thu hồi qua phát mãi một số tài sản thế chấp, các khoản phải giảm số nợ… nên đã tính được số tiền XN Kim Chi đang còn nợ Công ty XNK là 42.969.919.005 đồng.

Bị hại thành bị can và bị can thành bị hại

Theo hồ sơ đến thời điểm tuyên án phúc thẩm ngày 28-2-2009 của Tòa án Nhân dân (TAND) tối cao tại Đà Nẵng, từ năm 1998 đến tháng 5-2002, bà Nguyễn Thị Kim Chi với tư cách là Giám đốc điều hành XN Kim Chi đã chiếm dụng của Công ty XNK gần 43 tỷ đồng. Đồng thời, tại thời điểm đó, bà Nguyễn Thị Kim Chi có quan hệ thu mua nông sản với một số hộ dân tại huyện Chư Sê (nay là huyện Chư Pưh) và Tô Thị Kim Phượng (khối 10, thị trấn Buôn Hồ, huyện Krông Buk, tỉnh Đak Lak).

Theo kết luận giám định tài chính của giám định viên tài chính tỉnh Gia Lai thì Tô Thị Kim Phượng và các hộ dân tại huyện Chư Sê nợ XN Kim Chi 32.647.624.033 đồng (Tô Thị Kim Phượng nợ gần 28 tỷ đồng). Vì thế, bà Kim Chi cho rằng tiền ứng từ Công ty XNK thực chất là bà Kim Phượng và các hộ dân chiếm dụng và Kim Chi chỉ là nạn nhân trung gian. Từ đó, ngày 1-7-2004, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Gia Lai quyết định đình chỉ điều tra và miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Nguyễn Thị Kim Chi về tội: “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Đồng thời, sau khi khấu trừ các khoản nợ và số tài sản do XN Kim Chi đang thế chấp cho Công ty XNK lớn hơn giá trị chiếm dụng (sau khi trừ khoản nợ của Kim Phượng và các hộ dân) nên hành vi của bà Kim Chi chỉ là quan hệ dân sự.

Từ đó, cơ quan tố tụng buộc truy tố bà Tô Thị Kim Phượng về hành vi chiếm đoạt tiền của XN Kim Chi. Bản án phúc thẩm ngày 8-4-2005 của TAND tối cao tại Đà Nẵng tuyên y án sơ thẩm ngày 4-11-2004 của TAND tỉnh Gia Lai với mức phạt Tô Thị Kim Phượng 14 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Ngoài ra, bản án sơ thẩm và phúc thẩm cũng tuyên phạt 8 bị can khác có liên quan với 2 nhóm tội.

Tuy nhiên, sau đó Hội đồng thẩm phán TAND tối cao ra quyết định hủy cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại. Kết quả điều tra lại xác định, trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh đến ngày 30-5-2002, mặc dù XN Kim Chi là “chủ nợ” của Kim Phượng và một số hộ dân nhưng số tiền vẫn còn tồn 61.001.120.842 đồng nhưng XN Kim Chi vẫn trốn tránh nghĩa vụ trả nợ cho Công ty XNK là phạm vào tội: “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Sau khi trừ các khoản nợ, Kim Chi phải chịu trách nhiệm hình sự với số tiền là 8.468.194.352 đồng.

Đồng thời, kết quả điều tra lại cho rằng giá cà phê mà bà Kim Phượng mua vào cao hơn giá ghi trên các giấy giữa Kim Chi và Kim Phượng; Kim Phượng mua nông sản đều có sự chỉ đạo của bà Kim Chi, kể cả việc lấy tiền ứng mua hàng, chi hộ tiền vận chuyển và nhiều khoản chi phí khác với tư cách là người làm công hưởng hoa hồng. Từ đó, bà Tô Thị Kim Phượng… thoát tội. Ngược lại, Nguyễn Thị Kim Chi bị phục hồi điều tra và bị Tòa án tuyên phạt 17 năm tù về tội: “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” (chưa kể 3 năm tù về tội “Trốn thuế”).

Lê Văn Nhung

Có thể bạn quan tâm

"Nổ" là nhà báo để lừa đảo 550 triệuđồng

"Nổ" là nhà báo để lừa đảo 550 triệuđồng

(GLO)- Công an huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) đang tạm giữ đối tượng Trương Quang Hưng (SN 1952; thường trú tại phường 8, TP. Cà Mau, tỉnh Cà Mau; hiện ở tại làng Đê Gơl, xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang) để điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

1 cá nhân tự ý san ủi hơn 5 ha đất thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Chư Sê quản lý

1 cá nhân tự ý san ủi hơn 5 ha đất thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Chư Sê quản lý

(GLO)- Ngày 12-12, ông Đinh Mạnh Phong-Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư Sê cho biết: Ban đã có báo cáo gửi cơ quan chức năng về việc 1 cá nhân tự ý đào xới, san ủi đất thuộc thẩm quyền quản lý của đơn vị này ở 4 vị trí của tiểu khu 1049, xã Ayun, huyện Chư Sê với diện tích hơn 5 ha.