(GLO)- Đó là một buổi sáng yên bình hiếm hoi trong hải trình của tàu HQ 936 đến quần đảo Trường Sa, nơi được mệnh danh là “quần đảo bão tố”. Sau nhiều ngày lênh đênh giữa trời và nước, chúng tôi có mặt tại vùng biển Gạc Ma- Cô Lin- Len Đao. Những con sóng xanh biếc êm ái vỗ nhẹ vào thân tàu. Con tàu rúc lên một hồi còi chuẩn bị cho lễ thả hoa tưởng niệm các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh cách đây 24 năm.
Nghĩa trang đỏ trên biển”- đó là tên gọi của vùng biển này, một nghĩa trang không bia mộ, ghi dấu cuộc hải chiến Trường Sa vào sáng 14-3-1988 để bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Hải quân Nhân dân Việt Nam. Nơi đây, 24 năm trước, Anh hùng Trần Văn Phương đã quyết giữ vững lá cờ Tổ quốc trên đảo Gạc Ma cho đến khi ngã xuống với câu nói bất tử: “Không được lùi bước, phải để máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng”.
…Biển xanh giờ đây đã xóa mọi dấu vết đau thương, nhưng trong lòng biển vẫn còn đó 61 liệt sĩ vĩnh viễn nằm lại trong số 64 người đã hy sinh. Một vòng hoa tưởng niệm được trang trọng thả vào mặt biển mênh mông vô tận. Thiêng liêng biết mấy một thời máu và hoa. Mắt chúng tôi nhòa đi…
Gửi tình yêu vào lòng biển mênh mông
“Trường Sa những ngày này có sóng to gió lớn nữa không Tuấn? Nắng Trường Sa có rực rỡ như ngày nào Tuấn đã kể với mình không? Hay nơi đó vẫn chiều chiều sóng vỗ rì rầm bên bờ đại dương xanh mênh mông?...”- đó là những dòng thư đầy tâm trạng của chị Nguyễn Thị Dung, hiện là giáo viên tại một trường THCS ở thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa gửi người yêu là liệt sĩ Võ Đình Tuấn (quê Ninh Ích, Ninh Hòa, Khánh Hòa)- một trong số 64 liệt sĩ đã hy sinh ở Gạc Ma ngày đó. Trước khi tàu khởi hành chuyến hải trình kéo dài một tháng ra Trường Sa, theo nguyện vọng của chị Dung, một đồng nghiệp của chúng tôi là nhà báo Nguyễn Đình Quân- Báo Tiền Phong thường trú tại Khánh Hòa- đã nhờ chúng tôi thả hộ bức thư này cùng nhiều kỷ vật của chị Dung vào lòng biển trong buổi lễ thả hoa tưởng niệm.
Ảnh: Phương Duyên |
Đó là một chiếc hộp nhựa nhỏ, bên trong đựng nhiều trang thư, nhật ký, một số bài thơ, những cánh hoa khô kỷ niệm và bức ảnh duy nhất chụp chung giữa chị Dung và liệt sĩ Võ Đình Tuấn trước khi anh lên đường nhận nhiệm vụ- bức ảnh mà anh chưa bao giờ được nhìn thấy. Những dòng thư trên từng trang giấy úa màu thời gian đã kể lại, như chị Dung nói, “một mối tình ngây thơ”. Ngày anh Tuấn lên đường ra đảo xa, “hai đứa ngồi xa nhau, không dám lên tiếng, không dám nắm tay, chỉ mỉm cười, cười trong lặng lẽ, cười trong tiếc nuối, cười trong ly biệt… Tại sao một cái nắm tay bâng khuâng cũng không dám, sao Dung không chịu ngả đầu vào lòng Tuấn một lần để rồi được khóc, để những giọt lệ nóng bỏng được chảy tràn vào lòng Tuấn?”. Vậy mà đến giờ, mối tình đầu trong sáng đến vậy vẫn không ngừng ám ảnh chị với vô số những tiếc nuối và nước mắt, dù chị cũng đã có một gia đình nhỏ. Tôi lặng đi khi đọc những dòng trách móc đầy yêu thương mà cũng đầy dằn vặt: “Tuấn hứa sẽ về, sẽ tặng Dung một bông mai Cam Ranh nắng gió khô cằn, tặng Dung một bông hoa rực nắng ở Trường Sa. Vậy mà Tuấn lại quên lời hứa, Tuấn lại quên lời đã hứa…”. Không biết còn bao nhiêu người con gái cũng đau đớn và chông chênh như chị sau cuộc chiến khốc liệt này?
Những con sóng bạc đầu đã nhường chỗ cho từng gợn sóng lăn tăn khi buổi lễ thả hoa bắt đầu. Nhưng chiếc hộp nhựa quá mỏng manh để có thể đến được với Tuấn. Chúng tôi dùng một miếng đá san hô và một con ốc biển buộc chặt vào kỷ vật rồi lặng lẽ thả vào xanh thẳm. Tiếc là chị không thể đến đây và tận tay trao gửi cho anh kỷ vật này, trao gửi cả một tình yêu giản dị mà bền chặt sau chừng ấy năm. Song, chắc hẳn ở nơi ấy, anh sẽ thấy ấm áp khi nhận được những dòng chữ thân thương của người anh yêu: “Sao Tuấn không về, sao Tuấn không về hở Tuấn?... Con sóng nào đã cuốn Tuấn đi xa, đã mang theo cả trái tim mình từ dạo ấy? 5 năm, 10 năm, 20 năm, 23 năm, Tuấn vẫn thế, vẫn hiện về mồn một trong giấc mơ của Dung… Tuấn ơi, mãi mãi sẽ còn một góc nhỏ trong trái tim mình dành cho Tuấn, cho tình yêu của chúng ta…”.
Trong tình đồng đội ấm áp
Có những người trẻ như thế đã sống và chết anh dũng cùng biển xanh. Nhưng sự hy sinh của những người giữ biển không chỉ có vậy. Ngoài những trận chiến sống còn, biết bao thế hệ cũng đã ngã xuống để củng cố vững chắc chủ quyền biển đảo. Không ai có thể quên cảm giác đau thắt lòng khi thắp nén hương cho 4 liệt sĩ đã hy sinh khi xây điểm đảo Tốc Tan B: Liệt sĩ Lâm Sơ Đệ (Tuy Hòa), Trần Kim Ánh (Nha Trang), Trương Văn Vỹ (Thủ Đức) và Trần Ngọc Hiệp (Thủ Đức), cùng hy sinh ngày 27-11-1988. Chỉ là một tấm bia đơn sơ, không một nấm mộ, bởi một cơn sóng dữ đã cuốn các anh vào hư vô, vào chốn không tăm tích. Một sự xáo động lớn ùa vào lòng chúng tôi. Thương vô cùng những người mẹ không một lần được ôm lấy nấm đất con mình, những đứa con đã hiến mình cho Tổ quốc…
Lễ thả hoa tưởng niệm 64 liệt sĩ hy sinh tại Gạc Ma. Ảnh: Phương Duyên |
Vừa bước qua cầu cảng để đặt chân lên đảo Trường Sa Đông, chúng tôi dừng lại thành kính thắp hương cho 3 ngôi mộ liệt sĩ đang yên nghỉ cạnh nhau. Liệt sĩ Quách Hoàng Lâm (TP. Hồ Chí Minh), Nguyễn Văn Thi (Thanh Hóa), Vương Viết Mão (Nghệ An), tất cả các anh đều hy sinh ở độ tuổi đẹp nhất đời người khi đang làm nhiệm vụ tuần tra giữ biển, nhưng may mắn là còn gửi lại thân xác. Thiếu tá Nguyễn Ngọc Vinh- Chính trị viên ở đảo Trường Sa Đông, cho biết, hàng năm đều có một chuyến tàu đưa thân nhân các liệt sĩ ra thăm mộ. “Nghe đâu tới đây các gia đình sẽ được đưa hài cốt con em về đất liền. Nhưng tôi nghĩ, có lẽ các anh sẽ thích nằm lại đây hơn, trong tình đồng đội ấm áp”- Thiếu tá Vinh bùi ngùi.
Trên quần đảo Trường Sa, giờ đây những thế hệ mới vẫn đang kiên cường tiếp bước các anh. Vừa đến nhận nhiệm vụ Phó Chỉ huy trưởng điểm đảo Tốc Tan B, Trung úy Nguyễn Hoàng Tú, mới 28 tuổi, bày tỏ: “Tôi hết sức xúc động vì nhiều thế hệ cha anh đã hy sinh vì biển đảo. Thắp nén hương tưởng nhớ các anh, chúng tôi quyết tâm sẽ vững tay súng bảo vệ biển đảo. Mong rằng nhiều bạn trẻ sẽ tiếp bước các liệt sĩ để giữ gìn chủ quyền lãnh hải của đất nước ta”.
Phương Duyên