(GLO)- Tại Gia Lai, do nhu cầu đi lại giữa các địa phương khá cao nên ở những con sông lớn đã hình thành tự phát các bến đò ngang phục vụ người và hàng hóa qua sông. Qua khảo sát, dễ dàng bắt gặp hình ảnh những chuyến đò nhỏ, không đảm bảo an toàn vẫn hàng ngày chòng chành đưa khách sang sông.
Thực trạng đáng lo ngại
Theo thống kê, địa bàn tỉnh Gia Lai hiện có trên 10 bến đò ngang đang hoạt động. Trong đó, chỉ có bến cầu Bung (xã Phú Cần, huyện Krông Pa) do UBND huyện quản lý và một bến đò tư nhân duy nhất được cấp giấy phép hoạt động (tại làng Lợk, từ xã Đak Hlơ qua xã Nghĩa An, huyện Kbang), còn lại là những bến đò tự phát và hầu hết đều hoạt động trong tình trạng thiếu an toàn. Đa số các bến đò ngang này đều không phép, không đăng ký, đăng kiểm, không áo phao, chở quá số người/chuyến… Đó chính là những mối nguy hiểm tiềm tàng khiến tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Người dân qua sông tại bến đò ngang thuộc xã Phú Cần và xã Ia Rmok (huyện Krông Pa). Ảnh: Trần Dung |
Tại bến đò ngang sông thuộc xã Phú Cần và xã Ia Rmok (huyện Krông Pa) có tới 5 chiếc đò tư nhân hoạt động. Những chiếc đò này hầu như hoạt động trong khoảng thời gian từ 5 giờ tới 21 giờ mỗi ngày, chủ yếu phục vụ nhu cầu đi lại của người dân hai xã ven sông. Bến đò tự phát ở đây hoạt động khá tấp nập vì lượng khách lưu thông nhiều. Mỗi lượt qua sông người dân phải trả từ 2.000 đồng đến 4.000 đồng (cả xe đạp hoặc xe máy). Cứ như vậy, mỗi chuyến đi, con đò thô sơ phải gồng mình “cõng” khoảng 10 người, bao gồm cả xe cộ mà không hề có áo phao hay phương tiện bảo hộ nào khác.
Ông Ksor Run-Chủ tịch UBND xã Ia Rmok cho biết: “Hầu hết người dân xã Ia Rmok đều có rẫy bên kia sông nên buộc lòng ngày nào họ cũng phải qua sông 2 lần. Nếu không cho họ qua sông bằng những con đò của tư nhân ấy thì họ không thể đi làm. Biết là nguy hiểm nhưng vẫn phải cho đò hoạt động để phục vụ người dân”.
Nhiều con đò của người dân do hoạt động lâu năm đã cũ kỹ và không đảm bảo để chuyên chở. Vậy nhưng nhiều chủ đò vẫn bất chấp con nước lớn để hoạt động cả ngày đêm mặc dù đã bị chính quyền chức năng nghiêm cấm hoạt động. “Tôi lái đò bao nhiêu năm nay nên rất có kinh nghiệm, không sợ xảy ra tai nạn đâu. Con nước càng lớn càng dễ lái vì mình biết được luồng chảy của sông. Nhiều khi nước lớn đò của giao thông huyện không hoạt động được nhưng đò của tôi vẫn chở khách bình thường. Bây giờ đứa con trai 11 tuổi cũng hay phụ giúp tôi lái đò"-bà Nguyễn Thị Xòe (54 tuổi-chủ đò tư nhân tại bến đò cầu Bung-xã Phú Cần, huyện Krông Pa) hào hứng chia sẻ.
Nhiều hộ dân tại xã An Trung (huyện Kông Chro) đã dùng những chiếc đò bằng tole để qua sông. Ảnh: Hồng Thi |
Để có phương tiện cho gia đình đi lại qua sông, nhiều hộ dân tại xã An Trung (huyện Kông Chro) đã tự đóng những chiếc đò bằng tôn, thậm chí là lấy cả thùng phuy đập dẹp ra để làm “thuyền” qua sông. Tại đây, không có những chuyến đò ngang phục vụ vận chuyển khách nên các hộ gia đình phải tự túc trong việc đóng thuyền để qua lại.
Phương thức hoạt động nhỏ lẻ nói trên khá mạo hiểm, thách thức tử thần bất cứ lúc nào. Xã An Trung có phần lớn dân cư nằm ở phía Đông sông Ba nên việc đi lại hay giao thương của người dân nơi đây đều phải đi đò ngang. Cứ như vậy, mặc dù mùa mưa bão nhưng người dân vẫn chòng chành trên những chiếc thuyền “tự chế” để vượt dòng sông Ba.
Cần nâng cao ý thức của người dân
Những chủ đò bất chấp nguy hiểm và cả lệnh cấm của cơ quan chức năng, ngày đêm cho thuyền ra bến sông vận chuyển khách. Những người dân không mảy may nghĩ đến an toàn tính mạng của bản thân mà ngày ngày qua sông trên những chuyến đò không có giấy phép, không áo phao… Cứ như vậy, hàng ngày họ phải đối mặt với tử thần nhưng họ không hề hay biết. “Tôi làm nghề đưa đò đã nhiều năm rất an toàn, không xảy ra chuyện gì nghiêm trọng. Người dân vẫn vui vẻ qua lại như thế, chẳng có vấn đề gì cả. Lúc nước lớn thì nhắc nhở họ mặc áo phao, còn nước nhỏ thì thôi”-đó là những lý giải của hầu hết các chủ đò tại các bến đò ngang.
Người dân có nhu cầu qua lại tại bến cầu Bung (xã Phú Cần, huyện Krông Pa) rất cao. Ảnh: Trần Dung |
Có chứng kiến cảnh con đò chao nghiêng, chứa một lúc gần 8 người và 5 chiếc xe đạp, trong khi trên đò chỉ có vài ba chiếc phao thì mới cảm nhận hết cái bất an, nguy hiểm của nó. Khi được hỏi tới việc mặc áo phao để đảm bảo an toàn, chị H’Dom (Buôn Lak, xã Ia Rmok, huyện Krông Pa) cười nhẹ : “Ngày nào bà con chúng tôi cũng 2 chuyến qua bến đò này nên thấy việc qua lại như thế là bình thường. Bao năm nay chúng tôi không mặc áo phao cũng có xảy ra chuyện gì đâu”.
Còn với một số người dân qua sông bằng đò giao thông của huyện tại vị trí cầu Bung thì tư tưởng khoác cho mình một chiếc áo pháo cũng khá hiếm hoi, mặc dù thuyền có trang bị áo phao đầy đủ. “Mỗi lần lên đò cũng nghe lái đò nhắc mặc áo phao vào nhưng tôi không muốn mặc. Lòng sông không rộng lắm, lên đò chưa mặc xong áo phao thì đò đã sang bên kia bờ. Vậy thì mặc làm gì cho mất công”-chị Ksor H’Len (buôn Tang, xã Phú Cần, huyện Krông Pa) giải thích.
Qua ghi nhận, ngay cả bến đò tư nhân được cấp phép tại làng Lợk (xã Đak Hlơ, huyện Kbang), người dân tham gia giao thông đường thủy cũng coi thường việc mặc áo phao. Mặc dù đây là con đò tư nhân khá chắc chắn nhưng việc thực hiện đảm bảo an toàn thì hoàn toàn bị chủ đò và người dân “bỏ quên”. Ông Đặng Ngọc Hồ-chủ đò tư nhân tại bến đò ngang này cho biết: “Đò chúng tôi có áo phao đầy đủ nhưng bởi quãng đường qua sông ngắn nên người dân ngại mặc vì vướng, tốn thời gian. Áo phao cứ để đó miết rồi chúng cũng hư hỏng”.
Người dân tham gia giao thông đường thủy tại bến đò làng Lợk (xã Đak Hlơ, huyện Kbang) thường xuyên không mặc áo phao. Ảnh: Trần Dung |
Hình ảnh đò ngang đã trở nên quen thuộc và được xem là phương tiện hữu ích để vận chuyển người và hàng hóa, xe cộ sang sông. Vậy nhưng, hiểm nguy vẫn ngày ngày rình rập trên những chuyến đò ngang và tình hình an toàn giao thông đường thủy nội địa ở một số địa phương của Gia Lai luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro khôn lường. Trước thực trạng ấy, các sở, ngành chức năng của tỉnh cũng đã có nhiều nỗ lực nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi qua sông. Tuy nhiên, vẫn còn đó những bất cập và khó khăn nhất định.
Trần Dung-Hồng Thi