(GLO)- Có lẽ câu hát “không xa đâu, Trường Sa ơi...” không lạ gì với nhiều người, thậm chí có nhiều người thuộc và hay hát, tôi cũng vậy, tôi thích lời bài hát ấy không phải vì giai điệu hay mà vì địa danh Trường Sa-một Trường Sa máu thịt của Việt Nam, vùng thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc-cứ thôi thúc tôi với mơ ước được đặt chân đến vùng biển đảo này.
Và tôi đã đạt được ước mơ của mình khi vinh dự được là thành viên trong chuyến đi khánh thành công trình “Góp đá xây Trường Sa” do Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức. Nhiều người từng chia sẻ về Trường Sa, về những cảm nhận của họ khi đến Trường Sa, nhưng tôi vẫn muốn góp thêm đôi dòng nhật ký về Trường Sa của mình để bạn đọc có thể cảm nhận về Trường Sa ở một góc nhìn khác. Góc nhìn của tôi.
Tạm biệt đất liền nhé, chúng tôi ra với đảo Trường Sa đây! Ảnh: Bích Nga |
21 giờ, ngày thứ nhất, tôi và chị bạn đồng nghiệp đặt chân đến Nhà khách Hải quân, Bộ Tổng Tham mưu Hải quân phía Nam (số 01A, Tôn Đức Thắng, quận 1, TP. Hồ Chí Minh) để tập kết toàn đoàn chuẩn bị hành trình 10 ngày ra đảo. Đón chúng tôi là những cán bộ, chiến sĩ hải quân nhiệt tình, mến khách.
Đoàn của chúng tôi có hơn 100 người cùng tham gia chuyến đi, trong đó có 26 nữ-một chuyến đi mang ý nghĩa khá đặc biệt so với nhiều chuyến ra đảo trước đó, chuyến đi mang theo niềm tin, sức mạnh, tình cảm của người dân cả nước đến với đảo Trường Sa- đoàn “Góp đá xây Trường Sa”. Theo lịch trình, chúng tôi sẽ đến 11 điểm đảo như: Đá Lớn A, Đá Lớn C, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Cô Lin, Đá Tây, Trường Sa Lớn, Đá Lát, Huyền Trân... Trong đó phần đông là đảo chìm.
Ảnh: Bích Nga |
Giờ phút lên đường cũng đến. 6 giờ sáng ngày thứ hai, ở cầu cảng Cát Lái (Tân cảng Sài Gòn), con tàu đưa chúng tôi đi đợt này là tàu HQ L936 đã sẵn sàng lên đường. Tàu HQ L936, vốn là con tàu chở nước của Nga viện trợ, chở nước ngọt ra quần đảo Trường Sa. Đây cũng là một trong những con tàu đưa người ra đảo khá tiện nghi, bởi tàu có nhiều nước ngọt, việc tắm rửa và dùng nước ngọt cũng thuận lợi hơn nhiều tàu khác. Chỉ có chỗ ngủ là hơi thiếu thốn. 7-8 người trong một phòng nhỏ chừng 10 m2. Có 4 người được ngủ trên 2 giường tầng, 4 người còn lại phải trải chiếu ra nền phòng để ngủ, hoặc là mắc võng. Bởi tàu chỉ có tổng số 60 giường, mà đoàn ra thăm đảo lần này có trên 100 người. Hơn 30 thủy thủ, cán bộ, chiến sĩ trên tàu đã phải nhường giường cho khách và mắc võng nằm rải rác đâu đó trong tàu, hoặc cũng trải chiếu nằm trong các phòng làm việc trên tàu. Tuy nhiên, ai cũng cùng chia sẻ, nên việc thiếu chỗ ngủ trên tàu không còn là vấn đề đáng quan tâm…
8 giờ, con tàu rời bến. 3 hồi còi dài rúc lên, chào đất liền chúng tôi ra thăm Trường Sa, quần đảo mà mỗi người dân Việt Nam đều dành biết bao tình cảm quan tâm, thương mến. Trên bờ, cán bộ chiến sĩ hải quân Lữ đoàn 125 xếp hàng dài, chào trang trọng. Các tàu khác cũng đáp lại bằng 3 hồi còi dài, chúc cho chuyến đi của chúng tôi thuận buồm xuôi gió, hoàn thành nhiệm vụ chuyển tình cảm đất liền tới Trường Sa thân yêu.
Tàu ra khơi, gió thổi ào ào và sóng làm ngả nghiêng con tàu. Những con sóng đập vào thân tàu, tràn lên boong tàu, tiếng sóng vỗ rào rào làm chúng tôi phấn khích. Những người con Tây Nguyên chưa từng có hành trình nào xa xôi trên đại dương, đang dấn thân vào một thử thách mới trong đời để nếm cái sóng, cái gió, đến với hải đảo xa xôi.
Đêm xuống. Chị Hằng đang dần nhô lên ngoài khơi xa với ánh sáng vàng nhạt nhòa bởi màn sương che lấp. Con tàu to lớn cũng bắt đầu tròng trành theo sóng. Nhiều người bắt đầu thấy nôn nao, vội tìm thuốc uống. Con tàu bắt đầu tăng tốc, tiếng động cơ ù ù, những vạt sóng đập vào thân tàu mỗi lúc mỗi mạnh hơn. Có thể tôi không lường hết được những vất vả của chặng đường sắp tới, nhưng có điều gì đó cứ thôi thúc, vẫy gọi mà da diết đến cồn cào. Ấy là Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam…
Bích Nga