(GLO)- Vậy là sau hai năm tôi mới trở lại thăm đất nước Chùa Tháp nhưng lần này không đi qua cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh trên quốc lộ 13 với những cây thốt nốt mọc giữa cánh đồng lúa nước mà qua cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, Gia Lai trên chuyến xe khách Minh Trang chạy thẳng từ TP. Pleiku sang Ban Lung cự ly trên 150 km.
Anh Minh-chủ xe cho biết xe anh khai thác tuyến đường này cách đây vài tháng, ngày sang ngày về, giá vé 140.000 đồng/người. Hành khách không đông, chỉ khoảng chục người, thêm một số hàng hóa. Anh bạn đồng hành ngồi bên nói thêm, mấy năm trước muốn qua Ban Lung phải mất một ngày do đường quá xấu và phải chuyển xe rất bất tiện.
Quốc lộ 78 nối liền Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh và Ban Lung. Ảnh: Đức Thụy |
Bây giờ con đường 78 này đã được nâng cấp phẳng và rộng, xe chạy vận tốc trên 80 km/giờ. Thủ tục xuất nhập cảnh cũng được làm nhanh gọn, cả bên ta và bên bạn.
Như khu vực biên giới bên ta, cảnh vật hai bên đường bên kia cửa khẩu rất đẹp với một màu xanh mát mắt. Có lẽ vùng đất đông bắc này nhờ lớp mùn hàng ngàn năm qua bón cho cây nên những vườn cao su và hồ tiêu được trồng thẳng tắp, xanh tốt như muốn chạy đuổi theo xe, cứ thế mải miết qua Oyadav cho đến tận Ban Lung.
Người Cam nhận biết được giá trị to lớn của các loại cây công nghiệp dài ngày nên dù trồng khá muộn so với các tỉnh Tây Nguyên của Việt Nam nhưng từ nhiều nguồn đầu tư, họ đã nhanh chóng phủ xanh cao su, hồ tiêu, đào lộn hột trên đất đai của mình. Đi sau nên cũng có cái lợi là chọn được giống tốt, áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến nên chỉ vài ba năm nữa thôi nơi này sẽ trở thành thủ phủ của ngành công nghiệp trồng và chế biến cao su không thua kém bất kỳ vùng chuyên canh cao su nào trong khu vực.
Chợ Ban Lung. Ảnh: Đức Thụy |
Tôi lại gặp biểu tượng rắn Naga bảy đầu trên đại lộ vào thành phố tỉnh lỵ của Rattanakiri. Cứ ngỡ đây chẳng qua là một đô thị heo hút phía đông bắc Vương quốc Campuchia nhưng Ban Lung sầm uất và phát triển đến bất ngờ. Với khoảng 17.000 dân, phần lớn là đồng bào Khmer sinh sống, Ban Lung có đủ các dịch vụ phục vụ du khách với hệ thống nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng hiện đại và kiến trúc mang đậm bản sắc văn hóa Khmer.
Hàng điện thoại, điện máy, hàng gia dụng bày bán khá nhiều ở các con phố. Giá cả sinh hoạt vừa phải, phòng đôi có máy điều hòa, wifi chỉ 12 USD/ngày đêm. Tô hủ tiếu giá 5.000 riel (tương đương 25 ngàn đồng Việt Nam), cơm trưa cũng khoảng trên dưới 15.000 riel. Là tỉnh có nhiều khoáng sản quý nên chợ Ban Lung có nhiều hàng bày bán nữ trang làm từ vàng và đá quý như saphia, thạch anh… Cũng xin nói thêm là sinh hoạt của người dân Campuchia khá văn minh, bất kỳ nhà hàng hay quán cơm bụi bên đường đều sử dụng giấy vệ sinh chất lượng tốt, mềm và được đặt vào hộp kín, chưa kể các loại dụng cụ như nĩa, muỗng, đũa cũng được ngâm trong ly nước sôi cho thực khách trước khi dùng.
Từ Ban Lung lại tiếp tục vượt 120 km nữa bằng xe khách 15 chỗ ngồi giá 20.000 riel/người để đến Stung Treng, thành phố đẹp nằm bên ngã ba sông Sê Kông và Mê Kông. Đường vẫn tốt như đoạn Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh-Ban Lung và vẫn một màu xanh của rừng dầu, cao su, điều và cây ăn quả. Stung Treng có khoảng 25 ngàn dân, cách thủ đô Phnom Penh 300 km và cách biên giới Lào 40 km. Ấn tượng đầu tiên của du khách đến đây là cây cầu dài màu trắng bắc qua sông Sê Kông, vòm cuốn giữa cầu vẽ vào không gian nét mềm mại hình bán nguyệt đẹp đến mê hồn trong buổi chiều tà. Dưới sông thi thoảng vài con thuyền nhỏ xé nước sang bờ rồi sóng lại dập dềnh.
Phố xá trải dài theo bờ sông điểm xuyết mái chùa cong tạo khung cảnh thật yên bình. Khách sạn Gold River 4 tầng tôi ở nằm bên sông giá vừa phải: phòng cửa nhìn ra sông 20 USD, còn lại 15 USD. Bến xe và chợ cách khách sạn chỉ khoảng 100 mét rất thuận tiện cho du khách đi lại, mua sắm. So với Ban Lung, thành phố tỉnh lỵ Stung Treng đẹp cổ kính và trầm tư, những biệt thự kiến trúc truyền thống nhà sàn ẩn mình giữa vườn cây xanh.
Tôi đã đi Seam Riep, Phnom Penh và lần này là qua Ban Lung, Stung Treng, nơi đâu cũng cho tôi nhận biết sau hồi sinh nhịp sống trên đất nước Chùa Tháp đang trỗi dậy thật mạnh mẽ và bền vững. Chỉ mấy ngày trên vùng đông bắc Campuchia nhưng mang đến cho tôi nhiều lưu luyến, đến nỗi chẳng muốn về…
Thanh Phong